Chia sẻ quan điểm về điều này, NGND PGS. TS. Hồ Thanh Phong – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) cho rằng, trong giai đoạn sắp tới, TPHCM nên ứng dụng mô hình TeleMedicine trong việc điều trị các bệnh nhân F0 tại nhà, để có thể tiết kiệm nguồn lực y bác sĩ, phân loại bệnh nhân một cách tốt nhất và giảm các ca bệnh nặng.
Trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bệnh viện quá tải, TPHCM triển khai các biện pháp giãn cách, việc đi lại trở nên khó khăn, những người cần giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn mỗi ngày, đặc biệt là những người mắc Covid-19 tại nhà, NGND PGS. TS. Hồ Thanh Phong đã lập “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà.
Việc khám, điều trị cho bệnh nhân được thực hiện theo hình thức TeleMedicine – khám bệnh từ xa với hơn 80 bác sĩ các chuyên khoa tham gia và hơn 100 tình nguyện viên làm nhiệm vụ kết nối bệnh nhân - bác sĩ, kết nối với y tế địa phương, mua và chia thuốc, vận chuyển thuốc và oxy đến tận nhà cho các bệnh nhân…
Từ kiến thức và trải nghiệm thực tiễn, NGND PGS. TS. Hồ Thanh Phong đánh giá, mô hình TeleMedicine có thể triển khai đại trà trên diện rộng, không chỉ phù hợp với việc điều trị bệnh nhân Covid-19 mà còn tiết kiệm nguồn lực kinh tế, đội ngũ y bác sĩ…
Phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) có cuộc phỏng vấn NGND PGS. TS. Hồ Thanh Phong về vấn đề này.
* VOH: Ông vui lòng chia sẻ về quy trình khám chữa bệnh từ xa (TeleMedicine) điều trị cho các bệnh nhân F0 tại nhà mà “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong cùng các Cộng sự” đã triển khai trong thời gian qua?
- NGND PGS. TS. Hồ Thanh Phong: Đối với các nhóm thiện nguyện, đặc biệt là nhóm của tôi hoạt động theo hình thức này rất ổn từ việc bệnh nhân gọi đến hệ thống, đến việc tiếp nhận thông tin, bác sĩ thăm khám, lên toa thuốc hay chuyển thuốc, oxy đến tận nhà cho bệnh nhân…
Trong thời gian qua, nhóm tôi tiếp nhận 2 nguồn bệnh nhân: một là bệnh nhân tự tìm thông tin trên mạng rồi gọi điện thoại tới, hai là một số quận huyện gửi danh sách bệnh nhân để nhóm chủ động gọi điện thăm khám.
Khi bệnh nhân gọi điện đến số điện thoại hotline 08 6620 7299 thì lập tức lực lượng tình nguyện viên tiếp nhận, nhập thông tin trong hệ thống và chuyển tới các y, bác sĩ tham gia mạng lưới tình nguyện.
Theo đó, bác sĩ sẽ gọi điện videocall tới bệnh nhân, hướng dẫn họ đo huyết áp (nếu có) và một số chỉ số, nếu bệnh nhân nhẹ, không có vấn đề nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ động viên bệnh nhân, tư vấn các biện pháp tăng cường sức khỏe; Nếu bệnh nhân cần uống thuốc, nhóm sẽ có các gói thuốc tương tự như gói A mà ngành y tế đang triển khai; Bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn một chút sẽ được kê thuốc kháng đông kháng viêm theo đúng phác đồ.
Nếu bệnh nhân trở nặng như suy hô hấp thì nhóm sẽ chuyển bình oxy, máy thở cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân nặng cần nhập viện, các bác sĩ trong nhóm cũng sẽ hỗ trợ tìm kiếm bệnh viện để bệnh nhân được nhập viện điều trị tích cực.
Đối với việc phát thuốc, sau khi các bác sĩ khám cho bệnh nhân, toa thuốc sẽ được nhập vào hệ thống, các tình nguyện viên tại kho thuốc của nhóm sẽ chia thuốc thành từng gói. Sau đó các tình nguyện viên vận chuyển sẽ đến lấy và mang tới nhà các bệnh nhân.
Việc điều trị từ xa như thế này, có thể giúp bác sĩ khám và phân loại bệnh nhân từ đầu, có phương pháp điều trị phù hợp để bệnh nhân không chuyển nặng. Hơn nữa, khi khám từ xa, các y bác sĩ tình nguyện có thể ở nhà mà vẫn khám và tư vấn được cho nhiều bệnh nhân.
* VOH: Như vậy thì để vận hành tốt hình thức TeleMedicine, công tác tổ chức nhân sự cũng như ứng dụng công nghệ thông tin phải thực sự khoa học. Ông có thể thông tin thêm về việc tổ chức các nhóm tình nguyện viên là các y bác sĩ, người phát thuốc, cung cấp bình oxy… như thế nào để đạt hiệu quả khám chữa bệnh?
- NGND PGS. TS. Hồ Thanh Phong: Chúng tôi tổ chức hoạt động theo thứ bậc, tương tự như hình cây, bên trên có nhóm lãnh đạo, bên dưới có nhiều nhóm hoạt động theo chức năng. Ví dụ như: tình nguyện viên tiếp nhận, tình nguyện viên khám, điều trị, tình nguyện viên chuyển bệnh, tình nguyện viên logistic để vận chuyển thuốc, vật tư y tế…
Tất cả các nhóm được nối kết bằng phần mềm. Các bác sĩ kết nối với bệnh nhân qua phần mềm này; đơn thuốc cũng được đưa lên phần mềm, đội ngũ chia thuốc, phát thuốc cũng nhận thông tin từ phần mềm này để chủ động thực hiện nhiệm vụ của mình. Nói chung, thông qua hệ thống này, mọi hoạt động diễn ra khá nhịp nhàng và trơn tru.
* VOH: Ông đánh giá như thế nào về ưu nhược điểm của hình thức TeleMedicine và các nhược điểm này có thể khắc phục hay không nếu triển khai rộng rãi trong thời gian tới?
- NGND PGS. TS. Hồ Thanh Phong: TeleMedicine là hình thức khám chữa bệnh từ xa sử dụng công nghệ - viễn thống. Ưu điểm thứ nhất là nó có thể triển khai ở mọi nơi, mọi chỗ cho nên có thể giúp các bác sĩ giỏi chỉ cần ở nhà cũng có thể tiếp cận bệnh nhân ở xa. Ưu điểm thứ hai là hình thức tổ chức khám bệnh này có thể giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian, có thể khám, điều trị bệnh cho nhiều bệnh nhân hơn. Ưu điểm thứ ba và rất quan trọng trong điều trị bệnh nhân Covid-19, đó là giúp cho bệnh nhân an tâm hơn bởi họ sẽ được bác sĩ gọi điện hỏi thăm tình trạng nhiều lần trong ngày.
Tuy nhiên, nhược điểm của TeleMedicine đó là bác sĩ không thể can thiệp trực tiếp nếu cần và bác sĩ cũng không thực hiện được việc xét nghiệm cận lâm sàng cho bệnh nhân như: chụp X-quang, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu…
Những nhược điểm này đều có thể khắc phục được nếu có sẵn một đội ngũ y bác sĩ lưu động hay dịch vụ xét nghiệm tận nhà. Chẳng hạn, khi bệnh nhân trở nặng cần can thiệp y tế thì đội ngũ bác sĩ lưu động hay tổ y tế lưu động để đến nhà hỗ trợ bệnh nhân, mang theo bình oxy tới để hỗ trợ hô hấp hoặc chỉ định nhập viện nếu cần. Đối với việc xét nghiệm, chúng ta có thể đẩy mạnh các dịch vụ xét nghiệm tận nhà để có thể đến nhà bệnh nhân để thực hiện các xét nghiệm...
* VOH: Sau ngày 30/9, khi nhiều hoạt động tại TPHCM được mở trở lại, số ca nhiễm Covid-19 có thể tăng. Theo ông, ngay lập tức ứng dụng TeleMedicine toàn thành phố liệu có phù hợp. Và hình thức khám chữa bệnh này cần thực hiện như thế nào để việc khám, chữa bệnh, cho các F0 hiệu quả, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến đầu?
- NGND PGS. TS. Hồ Thanh Phong: Giai đoạn hiện nay, Nhà nước không tổ chức TeleMedicine mà tổ chức các Tổ Y tế lưu động tại địa phương để đến thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân F0 tại nhà. Chỉ có các trường đại học và một số nhóm thiện nguyện tổ chức TeleMedicine do họ không thể đến với bệnh nhân. Tuy nhiên, trong quá trình làm mới thấy được rằng, đây là hình thức rất tốt hiện nay vì tiết kiệm được nguồn lực. Một ngày, bác sĩ có thể gọi videocall cho bệnh nhân từ 2-3 lần để thăm khám, theo dõi diễn tiến của bệnh nhưng mỗi ngày đội ngũ y tế địa phương khó lòng đến khám cho bệnh nhân 2-3 lần.
Xem thêm: “Tổ y tế từ xa” chăm sóc F0 qua hotline 028.99999.115
Sau ngày 30/9, có thể các bác sĩ ở Tổ y tế lưu động có thể rút đi, nguồn lực y bác sĩ giảm – lúc này chúng ta cần nhanh chóng tổ chức hệ thống TeleMedicine để các bác sĩ ở bệnh viện, ở các trường đại học và các nhóm thiện nguyện tiếp tục hoạt động để có thể hỗ trợ cho thành phố trong một khoảng thời gian từ 2 tuần – 1 tháng.
Trong khoảng thời gian này, thành phố cần tổ chức lại các hệ thống TeleMedicine, điều trị cho các quận huyện. Hình thức này nếu được kết hợp chặt chẽ với đội ngũ y tế phường, các tổ chức địa phương sẽ làm rất tốt.
Ngoài ra, nếu thành phố cần hỗ trợ về phần mềm quản lý TeleMedicine, chúng tôi - “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” sẵn sàng chuyển giao phần mềm này cho thành phố để triển khai trong thời gian tới.