Thêm 3.175 ca nhiễm COVID-19 trong nước tối 17/10, trong đó 1.339 ca cộng đồng

(VOH) - Tính từ 17h ngày 16/10 đến 17h ngày 17/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.193 ca nhiễm mới, trong đó 18 ca nhập cảnh và 3.175 ca ghi nhận trong nước.

Trong tổng số 3.175 ca COVID-19 ghi nhận trong nước tại 48 tỉnh, thành phố có 1.339 ca trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.059), Bình Dương (537), Đồng Nai (517), Tây Ninh (156), An Giang (117), Kiên Giang (93), Sóc Trăng (64), Long An (54), Cà Mau (48), Tiền Giang (46), Khánh Hòa (40), Đồng Tháp (38), Bình Thuận (38), Cần Thơ (29), Quảng Ngãi (28), Hậu Giang (27), Thanh Hóa (25), Gia Lai (24), Đắk Lắk (22), Hà Nam (22), Quảng Nam (19), Vĩnh Long (15), Nghệ An (14), Trà Vinh (14), Bình Phước (12), Bạc Liêu (12), Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Hà Nội (10), Hà Giang (9), Ninh Thuận (9), Phú Thọ (8 ), Bình Định (8 ), Bến Tre (7), Đắk Nông (6), Kon Tum (5), Quảng Bình (5), Hải Dương (4), Lâm Đồng (4), Hà Tĩnh (4), Phú Yên (3), Lào Cai (3), Thái Bình (2), Thừa Thiên Huế (2), Điện Biên (2), Quảng Trị (1), Bắc Ninh (1), Lạng Sơn (1), Tuyên Quang (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-78), Bình Thuận (-78), Tiền Giang (-75).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.Hồ Chí Minh (+269), Bình Dương (+152), Đồng Nai (+120).

Thêm 3.175 ca nhiễm COVID-19 trong nước tối 17/10, trong đó 1.339 ca cộng đồng 1
 

Có 02/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình.

Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên.

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.340

Tổng số ca được điều trị khỏi: 791.844

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.413 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.300

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 503

- Thở máy không xâm lấn: 116

- Thở máy xâm lấn: 473

- ECMO: 21

Trong ngày ghi nhận 63 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (38), Bình Dương (13), Đồng Nai (2), Kiên Giang (2), Sóc Trăng (2), Đắk Lắk (2), Quảng Ngãi (1), Bạc Liêu (1), Bình Thuận (1), Đắk Nông (1).

Trong ngày 16/10 có 1.254.443 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 61.919.937 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 44.070.286 liều, tiêm mũi 2 là 17.849.651 liều.

Các hoạt động của ngành y tế trong ngày:

- Xây dựng công cụ báo cáo trực tuyến để các tỉnh/thành phố tự cập nhật, công khai các vùng dịch và cấp độ dịch ở tất cả các địa phương trong cả nước phù hợp với Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- TP. Hà Nội: Bệnh viện Việt Đức trở lại hoạt động khám, chữa bệnh bình thường trong tình hình mới kể từ 0h ngày 18/10/2021.

- Tỉnh Hà Nam: UBND TP. Phủ Lý có văn bản Hướng dẫn áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố xác định cấp độ dịch trên toàn địa bàn 21 phường, xã là cấp 2 (nguy cơ trung bình). Ngừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm: karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, spa làm đẹp, xông hơi, tẩm quất, phòng trà...

- Tỉnh Phú Thọ: Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn số 4752/UBND-KGVX ngày 17 tháng 10 năm 20021 về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp để chủ động ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Trước mắt, đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại Cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, màu đỏ) đối với thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao) và xã Hy Cương, xã Thanh Đình, xã Chu Hóa và phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì). Các địa bàn còn lại của thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao xác định nguy cơ dịch ở Cấp độ 3.

- TPHCM: Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ ngày 22/10. Đối tượng tiêm là trẻ từ 12-17 tuổi đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TP.HCM, học sinh đang đi học từ lớp 6 - 12 với số lượng dự kiến khoảng 780.000 trẻ. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, người nhà cần hợp tác với bác sĩ khám sàng lọc trong việc cung cấp tiểu sử chủng ngừa của trẻ, tình trạng những ngày gần đây của trẻ, có sốt, hay đang uống thuốc điều trị bệnh lý gì không, … Đặc biệt, các thông tin của trẻ về dị ứng thức ăn, thuốc uống hay có tiền sử dị ứng với các loại vắc-xin trước đây, …

Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm đón, trả khách dọc đường. Trong thời gian thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh cố định từ ngày 13 - 20/10, các đơn vị vận tải không được dừng đón, trả khách dọc đường, kể cả các điểm dừng đón, trả khách đã được công bố.