Báo cáo với Đoàn công tác Bộ Y tế, Phó Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, so với các năm trước số lượng trẻ mắc tay chân miệng nhập viện năm nay không tăng nhưng số ca nặng tăng 2,5 lần. Trong đó, có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Điều đáng lo nhất hiện nay, theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 là thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng như Gamma Globulin và Phenobarbital truyền tĩnh mạch. Trong khi Phenobarbital truyền tĩnh mạch sẽ được cung ứng dự kiến vào tháng 7/2023 thì Gamma Globulin đang khan hiếm trên toàn cầu. Tuy nhiên, Bệnh viện Nhi đồng 1 vai trò vừa điều trị TPHCM vừa chi viện cho các tỉnh nên tình hình cực kỳ khó khăn.
Đại diện Cục quản lý Dược – Bộ Y tế cho biết, đơn vị này đã nhận được báo cáo của Sở Y tế TPHCM về việc thiếu thuốc điều trị tay chân miệng. Riêng thuốc Gamma Globulin có 13 số đăng ký ở Việt Nam nhưng sau dịch lại khan hiếm trên toàn cầu. Thuốc được điều chế từ huyết tương, nguyên liệu thiếu hụt nên nhà sản xuất chỉ sản xuất theo đặt hàng trước. Hiện tại Việt Nam chỉ có khoảng 300 lọ Gamma Globulin ở kho của Bệnh viện Chợ Rẫy, hơn 2.000 lọ tại kho của một công ty dược. Khoảng giữa tháng 8, thuốc có thể nhập về thêm.
Liên quan góc độ điều trị, để tiết kiệm thuốc ưu tiên cho những ca thật sự nặng, ở góc độ Sở Y tế TPHCM, Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế có lưu ý sẽ siết chặt hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao công tác điều trị bệnh tay chân miệng nói riêng và các dịch bệnh khác của Bệnh viện Nhi đồng 1, giúp giảm biến chứng, tử vong ở trẻ em. Bên cạnh đó, bệnh viện còn thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, truyền thông…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp xây dựng hướng dẫn, tổ chức nghiên cứu để có thể có thuốc mới, những thuốc có thể thay thế sẵn có, các biện pháp điều trị mới, các phương pháp khác để hỗ trợ các bệnh viện trên địa bàn cũng như các tỉnh. Việc xây dựng các hướng dẫn điều trị cũng cần phải cập nhật theo bối cảnh
Cũng theo Bộ Y tế, ngay từ tháng 12/2022, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các sở y tế tỉnh, thành dự trù số lượng thuốc để tránh bị động, dù việc dự kiến là rất khó. Trong trường hợp thuốc hiếm, chưa có số lưu hành, Bộ Y tế sẽ chỉ đaọ các đơn vị tìm kiếm nhà cung ứng, làm hồ sơ cấp phép.
Trước khi làm việc với Bệnh viện Nhi đồng 1, đoàn công tác Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng chống tay chân miệng và sốt xuất huyết tại một số nơi như Trường mầm non Thành phố và tại cụm dân cư hẻm 491 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3.