Nhận biết nước rửa tay diệt khuẩn được Bộ Y tế cấp phép

(VOH) - Trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm nước rửa tay/dung dịch rửa tay sát khuẩn, khử khuẩn, diệt khuẩn. Làm thế nào để nhận diện được sản phẩm nào được Bộ Y tế cấp phép?

Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, các chuyên gia y tế vẫn luôn khuyến cáo người dân sử dụng các biện pháp phòng ngừa là đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách với người xung quanh hay rửa tay thường xuyên…

Có thể thấy, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng vẫn luôn được xem như biện pháp đơn giản, tiết kiệm nhưng vô cùng quan trọng để phòng virus lây lan.

Theo UNICEF, chỉ riêng hành động rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn, virus gây bệnh tiêu chảy, bệnh đã làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay với xà phòng thường xuyên cũng giúp giảm 35-47% nguy cơ các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn.

Với loại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, việc rửa tay bằng xà phòng kết hợp với nước sẽ phá hoại cấu trúc của virus SARS-CoV-2 (gồm những phân tử chất béo lipid, protein và RNA, trong đó, mắt xích yếu nhất là các phân tử chất béo, đây là lớp vỏ bọc bảo vệ của con virus, vừa hỗ trợ sự xâm nhập của virus vào các tế bào cơ thể).

Xà phòng rửa tay có chứa các thành phần phân tử giống chất béo gọi là chất "lưỡng phần" (amphiphile). Chất lưỡng phần có cấu trúc tương tự như chất béo lipid của virus, và sẽ "cạnh tranh" với các các lipid của virus. Chất này còn có tác dụng "hòa tan" các liên kết phi hóa trị (non-covalent bond) của virus, các liên kết này chính là "chất keo" giúp liên kết các thành phần phân tử lipid, protein và RNA của virus. Nhờ vậy, phân tử xà phòng sẽ đẩy virus bong tróc khỏi bề mặt da tay và bị sụp đổ cấu trúc, làm virus bị tiêu diệt.

Với cơ chế tiêu diệt virus như vậy thì ngay cả các loại nước rửa tay/dung dịch rửa tay trên thị trường chỉ cần chứa nước và chất tẩy rửa hoặc thành phần hóa nhất định là có thể giúp bàn tay sạch khuẩn.

Tuy nhiên, hiện có rất nhiều sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn, khử khuẩn, diệt khuẩn được bày bán – người tiêu dùng nhận biết sản phẩm được cấp phép như thế nào?

Khác với các loại nước rửa tay sát khuẩn và khử khuẩn, loại nước rửa tay diệt khuẩn là sản phẩm có chứa hóa chất phải tuân thủ quy định của Luật hóa chất. Ngoài tính năng diệt khuẩn, loại nước rửa tay diệt khuẩn còn phải đi kèm với tính an toàn, do đó, sản phẩm này buộc phải được kiểm định (chất lượng, an toàn - có ảnh hưởng tới da tay, sức khỏe người sử dụng hay không) và được Bộ Y tế cấp phép.

Bộ Y tế hiện quy định khá ngặt nghèo về việc sản xuất nước rửa tay diệt khuẩn (bao gồm cả quy định về nhà xưởng, quy trình, trang thiết bị sản xuất các sản phẩm diệt khuẩn); nơi sản xuất phải có phòng xét nghiệm để đảm bảo độ an toàn và sản phẩm phải được khảo nghiệm tại các Trung tâm kiểm định trước khi lưu hành.

Để nhận biết nước rửa tay diệt khuẩn được cấp phép hay chưa người tiêu dùng cần xem trên nhãn. Nếu số đăng ký sản phẩm có dòng chữ gồm 6 chữ cái VNDP-HC kèm theo một dãy số (7 số) khác thì đó là sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép.

Ví dụ như: Số ĐK: VNDP-HC-615-04-12

nước rửa tay

Một sản phẩm nước rửa tay được Bộ Y tế cấp phép

Một sản phẩm nước rửa tay/dung dịch rửa tay không có số đăng ký gồm 6 chữ cái như trên thì chỉ là sản phẩm gia dụng thông thường.

Một sản phẩm rửa tay/dung dịch rửa tay diệt khuẩn (dù được cấp phép hay không) chỉ cần chứa nồng độ cồn 60-70% vẫn đủ sức giúp tay sạch khuẩn. Tuy nhiên, về khía cạnh an toàn cho sức khỏe, các chuyên gia vẫn khuyên người dân chọn mua các sản phẩm nước rửa tay được cấp phép vì các sản phẩm được kiểm định, kiểm soát chặt chẽ bởi hành lang pháp lý, như vậy sẽ an toàn hơn cho người sử dụng.

Chiều 31/3/2020, TPHCM đã yêu cầu mọi người dân hạn chế ra khỏi nhà, chỉ ra trong trường hợp cần thiết như đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc tây, các cơ sở nhà máy… Do việc ở nhà thường xuyên hơn nên người dân có thể dễ dàng phòng bệnh bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong vòng 20-30 giây.

Khi có việc đột xuất phải ra ngoài hoặc phải đi làm việc, người dân có thể dùng dung dịch rửa tay khô được cấp phép, có chứa ít nhất 60% cồn, xoa dung dịch vào tay trong ít nhất 20 giây để làm sạch cả bàn tay.

Làm gì để bớt nhàm chán trong 15 ngày “cách ly toàn xã hội”? - Trong 15 ngày “cách ly toàn xã hội”, nhiều người sẽ cảm thấy "cuồng cẳng" vì loanh quanh  ở nhà. Tuy nhiên, có vô số cách để cuộc sống bớt nhàm chán hơn trong những ngày tới.

Làm thế nào để làm việc trực tuyến hiệu quả? - Một trong những rào cản lớn nhất của làm việc trực tuyến là khả năng tự chủ và tự giác của người lao động.

Những hành động tích cực giúp bạn có giấc ngủ ngon - Bạn muốn có giấc ngủ ngon và yên bình nhưng cứ trăn trở, xoay qua, xoay lại, vò đầu bứt tai mà không ngủ được… Đó là khi bạn cần có những hành động tích cực để có dễ ngủ và ngon giấc ...