Nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ cấp giúp người bệnh đạt hiệu quả cao trong điều trị

(VOH) - Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học là một kỹ thuật can thiệp hiệu quả, an toàn cho người bệnh với tỉ lệ tái thông hoàn toàn đạt 100%, tỉ lệ hồi phục tốt đạt 65,4%.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa tổ chức Hội nghị Khoa học bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn năm 2022 Khoa học với sự tham gia của hơn 200 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, các bệnh viện, phòng khám trong hệ thống y khoa Hoàn Mỹ và các chuyên gia đến từ các bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM .

Đây là hoạt động mang tính thường niên và được chú trọng đầu tư, nhằm nâng cao và phát triển chuyên môn chất lượng hơn thông qua việc trình bày các dự án nghiên cứu khoa học nổi trội của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện trong năm 2022 với 31 đề tài nghiên cứu ở tất cả các lĩnh vực Tim mạch, Tiêu hóa, Thần kinh – Đột quỵ, Sản Phụ, Chấn thương chỉnh hình, Chẩn đoán hình ảnh, Ung bướu, Dược, Dinh dưỡng…

Phó giáo sư. Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115
Phó giáo sư. Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 trình bày tại hội nghị 

Cụ thể trong lĩnh vực điều trị đột quỵ tại bệnh viện có những ứng dụng và triển khai thành công nhiều phương pháp điều trị mới có độ khó về kỹ thuật, được đánh giá cao như đánh giá kết quả lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học ở bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc động mạch máu lớn.

Từ một nghiên cứu loạt ca 26 bệnh nhân đột quỵ cấp do tắc động mạch lớn tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, có tuổi trung bình được can thiệp lấy huyết khối là 68,1. Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học là một kỹ thuật can thiệp hiệu quả, an toàn cho người bệnh với tỉ lệ tái thông hoàn toàn đạt 100%, tỉ lệ hồi phục tốt đạt 65,4%.

Nghiên cứu cũng cho thấy, để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị đột quỵ não cấp, việc người thân nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ cấp như liệt mặt, méo miệng, nói khó, yếu liệt tay chân…và nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế có đầy đủ 4 kỹ thuật chuyên môn điều trị đột quỵ cấp bao gồm điều trị nội khoa tích cực, thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch máu não, phẫu thuật não. Cùng với đó là sự vận hành hiệu quả công tác tổ chức xử trí đột quỵ cấp của bệnh viện, thể hiện qua quy trình Code Stroke và sự phối hợp liên chuyên khoa, khoảng thời gian từ khi khởi phát đột quỵ cho đến khi can thiệp được rút ngắn xuống còn trung bình là 3 giờ 40 phút.

Thời gian từ khi người bệnh nhập viện đến điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch trung bình là 46,6 phút.  Đây là những tín hiệu tích cực cho bệnh nhân đột quỵ cấp, đảm bảo xử trí kịp thời còn trong khoảng thời gian vàng, nâng cao tỉ lệ hồi phục và giảm thiểu tối đa tỉ lệ tử vong do nhồi máu não.