Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhịp Sống Khỏe 20/3: Laptop phát nổ khiến bé trai bị bỏng cấp độ 3 | Tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi

VOH - Phát hiện u tủy sống sau 4 tháng yếu liệt; Thủng ruột do lạm dụng thuốc đau khớp mua trên mạng; Nguy kịch do ngộ độc thuốc gây tê nhổ răng… là các tin nổi bật khác.

Phát hiện u tủy sống sau 4 tháng yếu liệt

Suốt 4 tháng yếu liệt và đã đi khám ở nhiều cơ sở y tế, ông M.V.L (68 tuổi) mới được phát hiện mắc u tủy sống.

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Bảo Ngọc, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh nhận định ông L. có biểu hiện của tổn thương ở vùng tủy ngực chứ không phải ở cổ và thắt lưng như các chẩn đoán của những bệnh viện trước đó. Triệu chứng điển hình là liệt hai chân, mất cảm giác da từ khoảng ngang rốn trở xuống.

Người bệnh được chỉ định chụp MRI 3 Tesla cột sống ngực có tiêm thuốc tương phản. Kết quả, phát hiện khối u tủy nằm trong ống sống ở đoạn đốt sống ngực D8, kích thước 3x4cm, chiếm hết lòng ống sống, đẩy lệch tủy sống sang một bên.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật ngay ngày 19/3 để giải phóng tê liệt vùng chi dưới. Cuộc mổ kéo dài hơn một giờ, ứng dụng kính vi phẫu có chức năng chụp huỳnh quang 3D hiện đại kết hợp định vị thần kinh Neuro Navigation tích hợp trí tuệ nhân tạo thế hệ mới. Bốn ngày sau mổ sức cơ chân bên phải hồi phục 4/5, chân bên trái hồi phục 2/5. Ông L. có thể đứng, dự kiến xuất viện sau một tuần điều trị.

Nhịp Sống Khỏe 20/3: Laptop phát nổ khiến bé trai bị bỏng cấp độ 3 | Tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi 1
Người bệnh cảm ơn bác sĩ trước khi xuất viện. Ảnh: BVCC

Laptop phát nổ khiến bé trai bị bỏng cấp độ 3

Ngày 19/3, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân 8 tuổi (Lục Ngạn, Bắc Giang), nhập viện trong tình trạng bị bỏng nghiêm trọng do laptop phát nổ.

Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định trẻ bị bỏng độ 3 vùng mặt, ngực và hai bàn tay, vết bỏng có dấu hiệu nhiễm trùng. Rất may vùng mắt và miệng trẻ không bị tổn thương. Bệnh nhi được hồi sức, chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết. Tiếp đó các bác sĩ tiến hành truyền dịch, tiêm kháng sinh, dùng thuốc giảm đau và theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của trẻ.

Sau một thời gian nhận thấy thấy vùng bỏng ngực và tay trái sưng nề nhiều, tiết dịch thấm băng, môi trẻ sưng nề hơn, ăn uống kém, tiên lượng tình trạng bệnh nhi có thể diễn biến nặng hơn. Do đó, các bác sĩ đã quyết định cho bé chuyển tuyến trung ương để điều trị.

Theo BSCKI Nguyễn Văn Lâm - Bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho bé M. thì đây là trường hợp bị bỏng nặng nhất (trong số 20 bệnh nhi bị bỏng) mà Khoa Ngoại tiếp nhận điều trị từ đầu năm 2024 tới nay. Vết bỏng liên quan tới vùng mặt, ảnh hưởng thẩm mỹ và các chức năng của trẻ.

Nhịp Sống Khỏe 20/3: Laptop phát nổ khiến bé trai bị bỏng cấp độ 3 | Tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi 2
Cháu L.N.M. (8 tuổi, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị bỏng 10% diện tích cơ thể. Ảnh: BVCC

Thủng ruột do lạm dụng thuốc đau khớp mua trên mạng

Ngày 19/3, Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa, Quảng Bình cho biết, vừa phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân bị thủng ruột do lạm dụng thuốc kháng viêm mua qua mạng xã hội.

Theo đó, nữ bệnh nhân T.T.T. (SN 1977) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, sốt cao... Người nhà cho biết, bệnh nhân xuất hiện tình trạng này từ nhiều tiếng trước đó, khi tình trạng đau không thuyên giảm mới đưa đến bệnh viện.

Sau thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán trường này bị thủng tạng rỗng, cần phải phẫu thuật cấp cứu. Ê-kíp phẫu thuật và gây mê tiến hành hội chẩn quyết định phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân.

Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện lỗ thủng kích thước 5mm ở mặt trước hành tá tràng nên đã tiến hành súc rửa và khâu lại lỗ thủng. Sau 1 tiếng thực hiện ca mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định, được chuyển tới khu vực điều trị phục hồi.

Theo bệnh nhân T., trước đó đã dùng thuốc điều trị đau khớp mua trên mạng suốt 3 tháng.

Nguy kịch do ngộ độc thuốc gây tê nhổ răng

Ngày 19/3, bác sĩ Trần Công Cẩn-Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) thông tin vừa tiếp nhận cấp cứu 1 nữ bệnh nhân 40 tuổi (trú tại TP. Hạ Long) khó thở, đau ngực, chóng mặt, mắt nhìn mờ sau tiêm thuốc gây tê Lidocain tại phòng khám răng tư nhân.

Khi có biểu hiện ngộ độc thuốc gây tê, bệnh nhân dù đã được phòng khám xử trí tiêm Adrenalin theo phác đồ phản vệ nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.

Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy đã khẩn trương tiến hành truyền tĩnh mạch dung dịch Lipid 20% theo phác đồ, kiểm soát đường thở. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực và chống độc để tiếp tục theo dõi. Sau 24 giờ, huyết động của bệnh nhân ổn định, không còn các triệu chứng ngộ độc.

Nhịp Sống Khỏe 20/3: Laptop phát nổ khiến bé trai bị bỏng cấp độ 3 | Tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi 3
Người phụ nữ được cấp cứu kịp thời sau khi ngộ độc thuốc gây tê. Ảnh: BVCC

Tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi

Ngày 19/3, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi khi căn bệnh này đang diễn biến bất thường.

Bộ Y tế nêu rõ, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới. Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi từ năm 2022 đến năm 2023 đã tăng 255%.

Đối với Việt Nam, từ đầu năm 2024 tới nay ghi nhận 42 ca mắc sởi tại 13 tỉnh thành. Hơn nữa, thời gian qua do ảnh hưởng của việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi vaccine sởi là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm sởi.

Để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh. Đồng thời tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vaccine sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.

Nhịp Sống Khỏe 20/3: Laptop phát nổ khiến bé trai bị bỏng cấp độ 3 | Tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi 4
Trẻ mắc sởi thường bị sốt phát ban. Ảnh: SGGP

 

Bình luận