Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm thường gặp

VOH - Người bị trầm cảm thường có tâm trạng buồn bã, vô vọng, cô đơn và mất hứng thú với những gì mình từng yêu thích.

Người bệnh gặp ảnh hưởng cả cảm xúc, hành vi, tư duy tiêu cực, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề với cả thể chất và tinh thần. Dưới đây là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm thường gặp.

Ảnh minh họa – 13-10-2024

Ảnh minh họa: Internet

Suy nhược cơ thể

Trầm cảm khiến trạng thái tinh thần của người bệnh rơi vào tiêu cực với một loạt cảm xúc xấu như: Đau khổ, chán nản, vô vọng, khóc lóc nhiều nhưng không rõ lý do.

Bản thân người bệnh cũng nhạy cảm hơn, dễ buồn chán khi cảm thấy mình không được quan tâm, bị bỏ rơi. Tất cả những vấn đề tinh thần này dẫn đến tình trạng mệt mỏi cơ thể, suy nhược kéo dài.

Gặp vấn đề với giấc ngủ

Những người bị trầm cảm thường sẽ có cảm giác khó ngủ về đêm, khi ngủ thường hay bị tỉnh giấc lúc giữa đêm và không thể ngủ tiếp dẫn đến thời gian ngủ được rất ít.

Cũng có lúc người bệnh rất thèm ngủ nhưng khi đi ngủ lại không ngủ được hoặc sinh ra những cảm giác mệt mỏi.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngược lại là người bệnh lại ngủ nhiều quá mức nhưng thường không nhiều bằng tình trạng khó ngủ về đêm.

Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe của con người nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng. Vấn đề đối với giấc ngủ càng trầm trọng, càng gây ảnh hưởng nhiều đến người bị trầm cảm.

Căng thẳng

Dấu hiệu căng thẳng thường xuyên có thể là do trầm cảm, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này.

Loại căng thẳng này không thể điều trị bằng thuốc an thần, tuy nhiên có thể hiệu quả với các thuốc khác ít tính phụ thuộc hơn.

Ngại giao tiếp

Đây có lẽ là triệu chứng thường thấy nhất của bệnh trầm cảm, những người bị mắc bệnh trầm cảm thường có biểu hiện ngại giao tiếp với bất kì ai và ngại vận động. Thường thì họ sẽ thích ở một mình im lặng và chìm trong thế giới của riêng họ.

Thay đổi về sự thèm ăn và cân nặng

Cân nặng và sự thèm ăn có thể thay đổi ở những người mắc chứng trầm cảm. Tuy nhiên trải nghiệm này thường sẽ khác nhau đối với mỗi người. Một số người thèm ăn và tăng cân, trong khi những người khác có thể không đói và sẽ giảm cân.

Bạn cần xác định rõ những thay đổi trong chế độ ăn có phải là do chủ ý hay không. Nếu không thì nguy cơ cao là do chứng trầm cảm gây ra.

Có cảm giác bất lực, tội lỗi quá mức, tự thấy bản thân kém cỏi

Lòng tự trọng hay sự tự tin thấp có đặc trưng là cảm giác vô giá trị và thấy bản thân không có khả năng để làm bất kỳ điều gì.

Tuy lòng tự trọng không phải nguyên nhân gây ra trầm cảm, nhưng nó có thể làm trầm trọng thêm hoặc khiến một người tự làm tổn thương chính mình.

Chậm chạp, chán nản, không có hứng thú với bất kỳ điều gì

Người bệnh cũng thường suy nghĩ và hành động chậm chạp hơn so với người bình thường, họ rất khó tập trung, luôn luôn do dự trước các quyết định, không đối phó được các tình huống cần xử lý.

Luôn có những biểu hiện mệt mỏi, cảm thấy xung quanh ảm đạm, buồn tẻ. Trong công việc cũng như sinh hoạt thường ngày đều không có hứng thú, dù cho đó có là với người thân của họ đi chăng nữa.

Bình luận