Những điều cần biết về suy tuyến thượng thận

(VOH) - Suy tuyến thượng thận nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy thận, thiếu máu, thậm chí ung thư tuyến thượng thận.

1. Suy tuyến thượng thận là gì?

Thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ nằm ngay phía trên 2 quả thận, nó có vai trò đặc biệt quan trọng là tiết ra những hormone đem lại sự cân bằng cho mọi hoạt động của cơ thể.

Tuyến thượng thận tiết ra adrenalin và cortisol, hai hormone đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm stress của con người. Tuyến thượng thận cũng tiết ra hormone DHEA (dihydroepiandrosterone) và aldosterone. DHEA có vai trò trong điều tiết cơ thể như góp phần tăng cường và sửa chữa các phân tử protein trong mô tế bào, đặc biệt là trong cơ. Còn aldosterone là hormone tham gia điều khiển các chất khoáng trong cơ thể, góp phần giúp duy trì lượng chất lỏng và huyết áp.

nhung-dieu-can-biet-ve-suy-tuyen-thuong-than-voh-1

Suy tuyến thượng thận khiến chức năng thận bị suy giảm (Nguồn: Internet)

Suy tuyến thượng thận là là một dạng rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận hoạt động không hiệu quả khiến tuyến thượng thận sản xuất quá ít cortisol, dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, thâm chí gây tử vong.

2. Nguyên nhân suy tuyến thượng thận

Suy tuyến thượng thận chia làm 2 loại:

  • Suy tuyến thượng thận nguyên phát: Còn gọi là bệnh Addison do tuyến thượng thận bị phá hủy không tiết đủ 2 loại hormone chính là cortisol và aldosteron. Suy tuyến thượng thận nguyên phát do nguyên nhân tự miễn là khi hệ miễn dịch chống lại vỏ thượng thận. Nguyên nhân khác là do lao, nhiễm khuẩn, nấm, ung thư di căn từ nơi khác đến,…
  • Suy tuyến thượng thận thứ phát: Còn gọi là hội chứng cushing, là bệnh lý do rối loạn sản xuất hormone vỏ tuyến thượng thận gây gia tăng mạn tính hormone glucocorticoid không kìm hãm được. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh dùng thuốc glucocorticoid trị bệnh không đúng cách. Khi uống quá nhiều glucocorticoid sẽ ức chế các hoạt động của tuyến thượng thận và khi ngừng uống thuốc này thì tuyến thượng thận mất khả năng phục hồi về hoạt động bình thường. Đặc biệt, nếu khi đó mà bệnh nhân đồng thời gặp phải stress mạnh về tinh thần hoặc thể xác (chấn thương, phẫu thuật...) thì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng.

3. Dấu hiệu suy tuyến thượng thận

Người bệnh suy tuyến thượng thận có thể gặp một số triệu chứng như:

  • Người mệt mỏi, stress thường xuyên.
  • Huyết áp không ổn định.
  • Sụt cân nghiêm trọng.
  • Rối loạn tiền đình.
  • Buồn nôn, nôn và có khi đau bụng dữ dội.
  • Ở nữ giới thường bị rối loạn kinh nguyệt, ở nam giới thường giảm khả năng sinh lý.
  • Người bệnh thường cảm thấy thèm muối.
  • Nước tiểu giảm.

Nếu bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận nặng với các triệu chứng như đau bụng, đau lưng, đau chân, tiêu chảy nhiều gây mấy nước, lơ mơ, có thể hôn mê thì cần phải đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

4. Suy tuyến thượng thận có nguy hiểm không?

Theo TS.BS Nguyễn Minh Hùng, Trưởng khoa Thận tiết niệu – Bệnh viện Nội tiết TW, suy tuyến thượng thận là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là suy thượng thận nội cấp.

Nếu không được hỗ trợ điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Suy thận.
  • Bạch cầu giảm xuống dưới mức cho phép.
  • Thiếu máu.
  • Ung thư tuyến thượng thận.

Vì thế, để đề phòng những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, cách tốt nhất là ngay sau khi có dấu hiệu suy tuyến thượng thận, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám để được các bác sĩ hỗ trợ điều trị kịp thời.

5. Phương pháp điều trị suy tuyến thượng thận

Dưới đây là một số phương pháp điều trị suy tuyến thượng thận phổ biến hiện nay:

5.1 Điều trị suy tuyến thượng thận mạn tính

Bổ sung các hormone thượng thận mà chủ yếu là cortison dưới dạng các thuốc uống như hydrocortison, prednisolon. Do nguyên nhân phổ biến gây suy tuyến thượng thận là bệnh tự miễn nên điều trị thường là suốt đời, nhưng liều lượng có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe cũng như tuổi tác của từng bệnh nhân.

5.2 Điều trị suy tuyến thượng thận cấp tính

Do suy thượng thận cấp là bệnh nặng, có thể gây tử vong do các nguyên nhân huyết áp tụt, hạ đường huyết, tăng kali máu... nên người bệnh cần được điều trị tích cực và nhanh chóng. Các thuốc phải được dùng bằng đường tiêm như tiêm tĩnh mạch hydrocortison, truyền tĩnh mạch các dung dịch đường glucose hoặc muối natri clorua.

Ngoài việc tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân suy tuyến thượng thận cần phối hợp với chế độ ăn uống khoa học và hợp lý.

6. Suy tuyến thượng thận nên ăn gì?

nhung-dieu-can-biet-ve-suy-tuyen-thuong-than-voh-2

Người bị suy giảm tuyến thượng thận cần ăn uống khoa học (Nguồn: Internet)

Người bị suy tuyến thượng thận nên bổ sung protein từ cá, thịt gia cầm, trứng, sữa và các loại đậu. Ngoài ra, khi bổ sung chất béo cần chọn các chất béo lành mạnh bao gồm cá béo, các loại hạt, ô liu và quả bơ.

Thực phẩm giàu vitamin C sẽ giúp cải thiện căng thẳng, stress nên rất tốt cho người bệnh suy tuyến thượng thận. Các thực phẩm giàu vitamin C gồm có: ớt chuông, cải xoăn, cải xanh, đu đủ, dây tây, cam, bưởi, kiwi,…

Vitamin B5 và B6 là các dưỡng chất cần thiết cho tuyến thượng thận làm việc hiệu quả. Ngoài ra, các thực phẩm giàu folate và vitamin B12 cũng giúp cơ thể sản sinh năng lượng, giúp người bệnh cảm thấy khỏe khoắn hơn.

Người bệnh suy tuyến thượng thận cũng đừng quên bổ sung đầy đủ nước mỗi ngày cho cơ thể (trung bình khoảng 2 lít nước mỗi ngày).

Bình luận