Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Những loại thức uống ‘tàn phá’ sức khỏe

VOH - Bạn hãy cân nhắc trước khi chọn các loại đồ uống chứa chất phụ gia và đường nếu muốn đặt sức khỏe của mình lên hàng đầu.

Thị trường đồ uống vốn vô cùng phong phú với nhiều loại thức uống thơm ngon, khiến bạn không thể ngừng uống mỗi ngày.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, nếu bạn là người đặt sức khỏe lên hàng đầu thì nên cân nhắc trước khi chọn mua các loại đồ uống và hạn chế uống các loại thức uống dưới đây.

đồ uống
Nhiều loại đồ uống đóng chai, đóng hộp chứa nhiều đường hay chất phụ gia không tốt cho sức khỏe 

Đồ uống năng lượng và đồ uống trước khi tập luyện

Kylie Ivanir, một chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại New York cho biết, loại đồ uống trước khi tập luyện (đang được bán phổ biến hiện nay) và nước tăng lực có thể dẫn đến “tăng huyết áp, căng thẳng và ảnh hưởng đến giấc ngủ” vì chúng chứa quá nhiều caffein và chất kích thích.

Cô nói: “Tác dụng phụ khác của chất kích thích dư thừa có trong nước tăng lực và đồ uống trước khi tập luyện là đau đầu và buồn nôn. Các loại đồ uống này cũng chứa chất làm ngọt và hương vị nhân tạo, gây ảnh hưởng tới sức khỏe đường ruột và sức khỏe não bộ”.

Thay vì uống loại đồ uống trên, Ivanir khuyên bạn nên chọn cà phê hoặc trà matcha.

Đọc thêm: Đồ uống có đường bị đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt, vì sao?

Cocktail ngọt có cồn

Ivanir cho biết, sự kết hợp giữa rượu và siro fructose (đôi khi có trong cocktail), không tốt cho gan của bạn.

Ivanir giải thích: “Điều này ảnh hưởng đến khả năng lọc chất độc của gan và cản trở quá trình chuyển đổi fructose thành glucose. Kết quả là, chúng ta không thể giải độc và cuối cùng chúng ta cũng tích trữ lượng đường fructose dư thừa đó dưới dạng chất béo.

Điều này sau đó có thể gây ra sự gia tăng chất béo trung tính, một loại lipid máu có hại - và là một trong những nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ”.

Soda truyền thống

Các chuyên gia cho biết, soda có hại cho sức khỏe do có thêm đường. Amy Gorin, một chuyên gia dinh dưỡng cho biết: “Tôi khuyên bạn nên chọn nước lọc hoặc nước có ga và thêm một chút nước cốt chanh, chanh hoặc cam để tạo hương vị”.

Gorin cho biết, theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, những người từ 2 tuổi trở lên nên hạn chế lượng đường bổ sung ở mức dưới 10% tổng lượng calo tiêu thụ hàng ngày.

Cô nói thêm: “Đối với một người theo chế độ ăn kiêng 2.000 calo hàng ngày, điều này có nghĩa là họ nên nạp không quá 200 calo từ đường bổ sung — hoặc khoảng 12 muỗng cà phê. Một lon cola 354 ml chứa khoảng 10 thìa cà phê đường bổ sung”.

Trà đá đóng chai

Jinan Banna, một chuyên gia dinh dưỡng và giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Hawaii cho biết, không chỉ trà đá có thêm đường mà các loại trà đóng chai hoặc pha chế thương mại có thể có cùng lượng đường như soda.

“Việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường như trà đá đã được chứng minh là có liên quan đến sự phát triển của hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường loại 2” - cô trích dẫn một phân tích tổng hợp năm 2010.

Đồ uống ngọt với mật hoa thùa

Siro cây thùa được làm từ nhựa cây thùa, ngày càng phổ biến để thay thế cho chất làm ngọt truyền thống (như đường ăn và mật ong), theo một phân tích hóa học và hồ sơ dinh dưỡng về siro cây thùa được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia.

Hãy cẩn thận với đồ uống có đường từ cây thùa vì “cây thùa là một loại siro ngô có hàm lượng đường fructoza cao” - Ivanir nói.

Cô nói thêm: “Mật hoa cây thùa có thể chứa từ 55 - 90% đường fructose - cao hơn lượng đường fructose trong siro ngô có hàm lượng đường fructose cao.

Ivanir chỉ ra, hầu hết mật hoa thùa bán trong siêu thị chứa khoảng 80 - 90% đường fructose.

“Vấn đề khi hấp thụ nhiều đường fructose là cơ thể bạn phải chuyển hóa nó thành glucose trong gan, nhưng nếu bạn nạp quá nhiều, nó sẽ được tích trữ dưới dạng chất béo. Cụ thể là mỡ bụng” - cô nói.

“Fructose dư thừa cũng khá tệ cho đường ruột của bạn. Vi khuẩn đường ruột của bạn không thích lượng lớn fructose. Đối với những người có đường ruột nhạy cảm, điều này có thể gây đầy hơi, tiêu chảy và khó chịu. Nó dẫn đến tăng cholesterol xấu và giảm độ nhạy insulin”.

Nước ép 'cocktail'

Theo các chuyên gia, đôi khi, nước trái cây được pha trộn với các chất phụ gia được dán nhãn “cocktail” trên nhãn.

“Đây là một từ khóa cần chú ý khi bạn vào các cửa hàng tạp hóa. Từ 'cocktail' chỉ ra rằng một loại nước trái cây được pha thêm đường” - Gorin nói.

Theo CDC, đồ uống có đường là nguồn cung cấp đường bổ sung hàng đầu trong chế độ ăn uống của người Mỹ, tuy nhiên, việc thêm đường là không cần thiết. “Thay vào đó, hãy mua nước ép trái cây 100%” - cô nói thêm.

Đồ uống ngọt nhân tạo

Ivanir đã chỉ ra, các loại đường nhân tạo như aspartame và sucralose “làm xáo trộn hệ vi sinh vật và gây hại cho sức khỏe đường ruột của chúng ta”.

“Điều này có hại cho sức khỏe tổng thể vì ruột đóng vai trò quan trọng trong nhiều hệ thống của cơ thể như sức khỏe miễn dịch, tái chế hormone, sản xuất serotonin và hấp thụ chất dinh dưỡng” - Ivanir nói thêm.

Cô đề nghị làm tăng hương vị cho đồ uống bằng cách thêm các loại thảo mộc như bạc hà và húng quế hoặc trái cây tươi vào nước.

Frappuccino

Frappuccino và các loại đồ uống cà phê ngọt khác có chứa thứ gọi là 'chất béo ngọt' - sự kết hợp của đường [từ siro và hương vị] và chất béo bão hòa [từ kem].

Ivanir cho biết: “Mặc dù sự kết hợp giữa đường và chất béo này làm cho đồ uống có vị kem thơm ngon, nhưng nó lại dẫn đến việc tích trữ chất béo dư thừa do sự gia tăng hormone insulin - hormone lưu trữ chất béo”.

Những 'chất béo ngọt' này chiếm quyền điều khiển mạch não của chúng ta, khiến chúng ta ngày càng muốn nhiều hơn nữa.

Ivanir cũng cho biết thêm, chúng cũng làm tăng insulin, dẫn đến tình trạng kháng insulin, mức lipid cao hơn và cuối cùng là hội chứng chuyển hóa.