Những lợi ích khi ngủ đủ giấc

VOH - Giấc ngủ là một phần quan trọng của đời sống. Ngủ đủ giấc không chỉ giúp tỉnh táo mà còn đem lại vô số lợi ích không ngờ đối với sức khỏe.

Nhưng thiếu ngủ thành thói quen dài có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe. Dưới đây là những lợi ích khi ngủ đủ giấc.

Ảnh minh họa – 25-09-2024

Ảnh minh họa: Internet

Giảm căng thẳng

Khi thần kinh bị căng thẳng do thiếu ngủ, bạn có thể trở nên cáu kỉnh, bồn chồn, lo lắng, đưa ra các quyết định nóng vội khiến cho mọi hoạt động trong ngày trở nên kém hiệu quả, giảm năng suất làm việc.

Một giấc ngủ ngon sẽ giúp cơ thể hồi phục, lấy lại trạng thái cân bằng và thư giãn thần kinh.

Kiểm soát cân nặng tốt hơn

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bạn ngủ, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone là leptin. Hormone này giúp não bộ nhận biết rằng bạn đã đủ no và không có nhu cầu ăn thêm.

Thiếu ngủ khiến não bộ không nhận được tín hiệu rằng bạn đã no, làm cho bạn thấy đói và thèm ăn vào buổi đêm.

Ghi nhớ tốt hơn

Ngủ không đủ giấc ảnh hưởng đến khả năng tập trung và ghi nhớ những điều mới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, não bộ xử lý thông tin mới trong khi chúng ta ngủ. Thiếu ngủ làm giảm khả năng này, khiến bạn nhanh quên, khó tập trung.

Đảm bảo hoạt động của hệ miễn dịch

Nghiên cứu chứng minh rằng ngủ đủ giấc sẽ giúp hệ miễn dịch làm việc hiệu quả và năng suất hơn, từ đó tăng sức đề kháng để bảo vệ cơ thể, tránh cảm giác mệt mỏi và kiệt sức vào ban ngày.

Ngược lại, tình trạng thiếu ngủ kéo dài sẽ làm thay đổi cách thức hoạt động của các tế bào miễn dịch, khả năng bảo vệ cơ thể bị suy giảm nghiêm trọng khiến bạn thường xuyên bị ốm và mắc nhiều chứng bệnh khác nhau.

Hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch

Khi cơ thể bước vào giai đoạn ngủ sâu, nghiên cứu chỉ ra rằng huyết áp sẽ dần giảm xuống cho phép tim và mạch máu nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc liên tục.

Bạn ngủ càng ít, thời gian huyết áp phải duy trì làm việc sẽ càng tăng, điều này vô tình sẽ tạo áp lực lên tim và mạch máu có thể dẫn đến bệnh huyết áp cao.

Huyết áp cao chính là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, thậm chí là cả hiện tượng đột quỵ.

Điều hòa lượng đường trong máu

Giấc ngủ tác động đến mối quan hệ của cơ thể với hormone insulin, giúp lượng đường trong máu, hoặc glucose, đi vào các tế bào của cơ thể. Các tế bào sau đó sử dụng glucose làm năng lượng.

Ngủ 7 tiếng trở lên mỗi đêm giúp đảm bảo lượng đường trong máu được điều hòa trong cơ thể. Người trưởng thành ngủ ít hơn 7 tiếng vào ban đêm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Nếu không ngủ đủ giấc, khả năng kháng insulin của cơ thể sẽ tăng lên do các tế bào không thể sử dụng insulin một cách thích hợp, dẫn đến quá nhiều đường trong dòng máu.

Tăng chức năng điều hành của não

Ngủ đủ giấc giúp bảo vệ chức năng điều hành của não bộ. Chức năng này liên quan đến việc hình thành các suy nghĩ phức tạp như giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, đưa ra quyết định trong công việc, học hành và xã hội.

Phát triển thể chất cơ thể

Giấc ngủ là một yếu tố quan trọng của phục hồi thể chất và cơ thể sản xuất hormone tăng trưởng cao nhất trong khi ngủ.

Những hormone tăng trưởng này cần thiết cho việc sửa chữa mô và có khả năng góp phần vào sự phát triển của cơ bắp.

Hầu hết các vận động viên cần ngủ 8 tiếng mỗi đêm để phục hồi và tránh tập luyện quá sức cũng như cải thiện thành tích của họ.

Nếu không ngủ, các vận động viên có nguy cơ bị giảm thành tích, mệt mỏi và thay đổi tâm trạng. Khả năng chấn thương tăng lên nhiều hơn khi thời gian ngủ của vận động viên giảm và thời gian tập luyện tăng lên.

Bình luận