Những phát hiện này đã được công bố trên số mới nhất của tạp chí quốc tế Scientific Reports.
Trong số các chứng mất trí khác nhau, bệnh Alzheimer có liên quan nhiều nhất đến các rối loạn liên quan đến căng thẳng. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng, tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng phát triển bệnh Alzheimer cao hơn 1,22 lần so với những người không được chẩn đoán như vậy.
Những bệnh nhân lớn tuổi mắc các chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng có nhiều khả năng mắc chứng sa sút trí tuệ hơn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ ở những bệnh nhân trên 70 tuổi cao hơn 31,6 lần so với những bệnh nhân ở độ tuổi 40.
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Jang Sung-in từ khoa y tế dự phòng của Đại học Yonsei (Hàn Quốc) đã phát hiện ra mối liên hệ giữa căng thẳng và chứng mất trí nhớ bằng cách nghiên cứu 8.906 bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng và 26.718 bệnh nhân không bị rối loạn trong hơn 11 năm.
Các nhà nghiên cứu phân loại các rối loạn liên quan đến căng thẳng thành: rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rối loạn căng thẳng cấp tính và rối loạn điều chỉnh, dựa trên mức độ nghiêm trọng của các rối loạn đó để đánh giá nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ của bệnh nhân.
Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc PTSD, nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 1,78 lần so với những người không bị những rối loạn liên quan đến căng thẳng.
Những bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng cấp tính được phát hiện có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 1,2 lần, trong khi những người mắc chứng rối loạn điều chỉnh có khả năng cao hơn 1,3 lần.
PTSD là một chứng rối loạn tâm thần xuất hiện ở những cá nhân đã trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện hoặc một loạt hoàn cảnh đau thương. Những người mắc chứng PTSD có những suy nghĩ và cảm xúc mãnh liệt liên quan đến trải nghiệm của họ kéo dài rất lâu sau khi sự kiện đau buồn kết thúc.
Vì bệnh nhân PTSD có nhiều khả năng mắc chứng mất trí nhớ hơn so với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc các rối loạn liên quan đến căng thẳng khác, nên các nhà nghiên cứu cho rằng, các rối loạn liên quan đến căng thẳng nghiêm trọng, kéo dài như PTSD có mối tương quan với chứng mất trí nhớ.
Giáo sư Jang cho biết: “Mỗi người phải tìm cách kiểm soát căng thẳng thông qua lối sống điều độ hoặc tập thể dục, tận hưởng sở thích của mình hoặc trò chuyện với người khác. Nên đến gặp bác sĩ tâm thần nếu mức độ căng thẳng của họ gây ra sự thay đổi tâm trạng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ”.