Đăng nhập

Những nguyên nhân gây rụng tóc nhiều và cách khắc phục

00:00
00:00
00:00
VOH - Nguyên nhân gây rụng tóc là gì mà thường phổ biến ở cả nam và nữ? Thông thường, tóc rụng không phải là vấn đề nghiêm trọng nếu tóc của bạn vẫn có thể mọc lại theo thời gian.

Tuy nhiên, nếu bạn bị rụng tóc do nguyên nhân bệnh lý thì cần điều trị bệnh dứt điểm mới giúp tóc mọc lại được. Dưới đây là những nguyên nhân gây rụng tóc nhiều và cách khắc phục.

Ảnh minh họa – 27-09-2024Xem toàn màn hình
Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân gây rụng tóc

Tuổi tác

Nhiều người thắc mắc tại sao tóc rụng không mọc lại. Nguyên nhân là do tuổi tác tăng cao dẫn đến quá trình lão hóa, làm nang tóc yếu đi, dễ gãy rụng và đổi màu. Do đó, người trung niên thường có tóc mỏng, bạc hơn so với khi còn trẻ.

Di truyền

Nguyên nhân gây rụng tóc do di truyền có thể xảy ra đối với nam lẫn nữ. Điều này xảy ra khi bạn thừa hưởng các gene khiến nang tóc thu nhỏ theo thời gian và cuối cùng là ngừng phát triển.

Đối với phụ nữ, rụng tóc do di truyền sẽ khiến tóc bạn mỏng dần và ngày càng lộ rõ da đầu. Đối với nam giới, chứng rụng tóc do di truyền có thể gây hói đầu.

Stress

Rụng tóc do căng thẳng có thể diễn ra tạm thời và ngưng trong vòng 6 đến 8 tháng. Tóc rụng nhiều nhất là khi chải tóc, gội đầu... Tuy nhiên, rụng tóc do stress liên tục sẽ dễ thành bệnh mạn tính.

Thay đổi nội tiết tố và bệnh lý

Một loạt các rối loạn liên quan đến hormone có thể gây rụng tóc vĩnh viễn hoặc tạm thời, bao gồm thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, sinh nở, mãn kinh và các vấn đề về tuyến giáp.

Những nguyên nhân từ bệnh lý bao gồm bệnh rụng tóc từng vùng (alopecia areata), nhiễm trùng da đầu như khi nhiễm giun đũa và một hội chứng gọi là “nghiện giật tóc” (trichotillomania).

Chăm sóc tóc sai cách

Gội đầu sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn trên da đầu, giúp tóc sạch hơn. Tuy nhiên, gội đầu nhiều mỗi ngày có thể làm mất đi lượng dầu tự nhiên trên tóc, có thể gây khô và khiến cho sợi tóc yếu dễ rụng.

Ngoài ra, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhưng không đội mũ bảo vệ, chải tóc mạnh, thường xuyên sử dụng các thiết bị nhiệt như máy sấy, máy duỗi... đi ngủ khi tóc... cũng là những thói quen làm tóc yếu, dễ gãy rụng.

Thiếu dinh dưỡng

Khi thiếu dinh dưỡng, cơ thể không vận chuyển đủ oxy, vitamin, khoáng chất. đặc biệt là chất đạm - Thành phần sừng hóa của tóc lên nang tóc, khiến chân tóc suy yếu và dễ rụng.

Bên cạnh đó, việc cung cấp không đủ dưỡng chất còn làm mái tóc xơ rối và khô hơn.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là tóc rụng nhiều. Vì vậy, nếu bạn đang dùng một loại thuốc nào đó và cùng lúc nhận thấy tóc mình rụng nhiều hơn thì nên hỏi lại bác sĩ về các loại thuốc đang dùng.

Lưu ý là bạn không nên vì tóc rụng mà tùy tiện bỏ dùng thuốc và không hỏi ý kiến bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến việc trị bệnh.

Cách khắc phục tình trạng rụng tóc

- Nên kiểm tra thường xuyên nguồn nước, gội đầu bằng nguồn nước đảm bảo an toàn vệ sinh.

- Gội đầu bằng dầu gội dịu nhẹ, chiết xuất từ thiên nhiên, giúp tránh kích ứng da đầu.

- Khi tóc đang ướt, không nên dùng lược chải.

- Hạn chế sử dụng hóa chất mạnh như thuốc nhuộm hay uốn tóc quá thường xuyên.

- Massage da đầu nhẹ nhàng để tăng cường tuần hoàn máu.

- Nếu tình trạng rụng tóc do bệnh lý, cần tìm cách điều trị bệnh nền để cải thiện vấn đề.

- Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho tóc thông qua chế độ ăn uống với nhiều rau xanh, trái cây và các loại hạt.

- Tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, và giải trí bằng các hoạt động yêu thích.

- Nếu tình trạng rụng tóc kéo dài và không có dấu hiệu cải thiện, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bình luận