Nội soi đại tràng là gì?
Nội soi đại tràng là một thủ thuật sử dụng một ống nhựa mềm có gắn camera và đèn ánh sáng lạnh ở đầu ống để đưa vào lòng ống tiêu hóa quan sát. Đại tràng (ruột già) là đoạn cuối ống tiêu hóa, do đó việc thực hiện nội soi đại tràng sẽ khác so với nội soi dạ dày, đó là ống nội soi sẽ đi từ đường hậu môn vào bên trong.
Nội soi đại tràng là thủ thuật rất hiệu quả trong việc tìm ra các bất thường trong lòng ruột. Nếu nói về các phương pháp nội soi ống tiêu hóa dưới thì nội soi đại tràng sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hiện hành như siêu âm, chụp X-quang, chụp CT cắt lớp, chụp MRI...
Nội soi đại trạng là phương pháp tốt nhất để tầm soát các bất thường ở ống tiêu hóa dưới (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, trong một số trường hợp nếu phát hiện ra những polyp (khối u thịt nhỏ nằm trên đại tràng) hoặc mầm ung thư của đại tràng thì bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ ngay trong quá trong quá trình thực hiện nội soi. Do đó, nội soi đại tràng được xem là một trong những phương pháp có thể giúp phòng ngừa bệnh ung thư đại tràng giai đoạn sớm.
Nội soi đại tràng có nguy hiểm hay không?
Theo TS, BS Quách Trọng Đức (Tổng thư ký Hội khoa học Tiêu hóa TPHCM) về nguyên tắc chung nội soi đại tràng cũng giống như các phương pháp nội soi khác đó là đều cần phải thực hiện theo một quy trình tiệt khuẩn chuẩn, bởi vì hầu hết các phương tiện nội soi khá đắt tiền và ngay cả những những nước phát triển thì vẫn phải tái sử dụng nhiều lần.
Đối với phương pháp nội soi đại tràng vẫn có thể xuất hiện những biến chứng như thủng đại tràng hoặc xuất huyết đại tràng. Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ xảy ra với tỷ lệ rất thấp và nếu được phát hiện kịp thời sẽ có thể giải quyết sớm cũng như tránh được biến chứng lâu dài.
Nội soi đại tràng cần chuẩn bị gì?
Đối với nội soi đại tràng sẽ cần có những biện pháp để làm sạch đại tràng trước khi thực hiện nội soi và biện pháp cơ bản nhất mà bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện đó là:
- Dùng dung dịch thuốc tẩy xổ để làm sạch hết thức ăn và phân còn trong khung đại tràng để đảm bảo cuộc soi có kết quả tốt nhất.
- Đối với những trường hợp bệnh nhân đau bụng nhiều, bác sĩ nghi ngờ có ung bướu hoặc tổn thương gây tắc nghẽn thì bác sĩ có thể áp dụng phương pháp bơm nước hoặc dung dịch tẩy sổ qua đường hậu môn để làm sạch khung đại tràng cho bệnh nhân.
Lưu ý: Các bước chuẩn bị trước khi nội soi đại tràng rất quan trọng để nhằm tạo thuận lợi cho quá trình khảo sát diễn ra tốt nhất. Nếu đảm bảo được đại tràng sạch, trong cuộc soi cũng không phát hiện tổn thương gì thì giá trị cuộc soi đó có thể kéo dài từ 5 – 10 năm.
Quy trình nội soi đại tràng diễn ra như thế nào?
Nội soi đại tràng thường kéo dài khoảng từ 7 – 10 phút. Trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể được tiêm thuốc an thần hoặc thuốc giảm đau.
Quá trình nội soi thường diễn ra từ 7 - 10 phút (Nguồn: Internet)
Bác sĩ sẽ đưa một ống nhựa dẻo có gắn camera và đèn soi từ dưới hậu môn đi lên lòng ống tiêu hóa dưới. Sau đó, bác sĩ sẽ bơm không khí vào ruột già để làm cho cả đoạn ruột phồng ra, để có thể khảo sát hết cấu trúc bên trong khung đại tràng. Trong quá trình nội soi nếu phát hiện tổn thương tiền ung thư hoặc polyp, u lành nhưng có khả năng tiến triển lớn lên, tuy nhiên những tổn thương đó không quá lớn và bệnh nhân không có bệnh lý kèm phối hợp quan trọng thì các tổn thương có thể sẽ được thực sinh thiết và chụp ảnh để giúp cho việc chẩn đoán.
Do đó, người bệnh cần lưu ý, nếu được chỉ định nội soi đại tràng thì bạn cần thông báo với bác sĩ các bệnh lý nền mình đang mắc phải ví dụ như bệnh tim, bệnh đường hô hấp, thận, gan... đặc biệt là việc sử dụng những loại thuốc nhằm làm loãng máu, chẳng hạn như thuốc aspirin...
Sau nội soi cần lưu ý điều gì?
Sau nội soi đại tràng có khoảng ¼ số trường hợp bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, đau quặn bụng... Tuy nhiên đây là hiện tượng bình thường, do trong quá trình nội soi bác sĩ có bơm một lượng hơi vào ống ống soi mềm đề làm căng đại tràng nhằm giúp quan sát dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, nếu sau cuộc nội soi người bệnh có tình trạng đau bụng kéo dài, đi tiêu ra máu hoặc có sốt thì đây là dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xác định vấn đề.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: