Chờ...

Răng lung lay có tự lành được không?

(VOH) - Ở trẻ em, răng lung lay là một hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, với người trưởng thành răng lung lay không còn là hiện tượng bình thường nữa và cần đặc biệt quan tâm đến chiếc răng này.

Ở độ tuổi trưởng thành, răng của bạn là răng vĩnh viễn và sẽ tồn tại cho đến suốt cuộc đời bạn. Nếu một ngày nào đó, phát hiện một hoặc nhiều chiếc răng bị lung lay thì bạn cần biết cách chăm sóc để tránh những rủi ro về sức khỏe do cây răng này gây ra.

1. Vì sao răng bị lung lay?

Đối với trẻ em, răng bị lung lay là một hiện tượng tự nhiên và không có gì đáng lo ngại, cha mẹ chỉ cần chăm sóc răng miệng cho bé thật tốt, đến khi chiếc răng lung lay bị rụng đi thì răng mới sẽ mọc lên. Ở người trưởng thành, răng lung lay là vấn đề răng miệng cần được quan tâm. Nguyên nhân khiến răng người trưởng thành bị lung lay thường do:

rang-lung-lay-co-tu-lanh-duoc-khong-voh-1

Răng lung lay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân (Nguồn: Internet)

1.1 Bệnh nướu răng

Bệnh nướu răng còn được gọi là viêm nha chu, thường có liên quan đến viêm và nhiễm trùng nướu răng. Nguyên nhân thường do thói quen vệ sinh răng miệng kém.

Nếu bạn không loại bỏ mảng bám (còn gọi là cao răng) trên răng, bệnh nướu răng có thể phát triển. Mảng bám có chứa vi khuẩn, dính vào răng và cứng lại theo thời gian. Mảng bám làm cho răng bị tụt khỏi nướu, tạo ra những khoảng trống có thể gây nhiễm bệnh. Theo thời gian, quá trình này có thể phá vỡ xương và mô hỗ trợ răng, làm cho răng trở nên lung lay.

1.2 Mang thai

Trong thời gian mang thai, cơ thể bạn sẽ tăng nồng độ estrogen và progesterone, điều này có thể ảnh hưởng đến xương và mô trong miệng. Các loại hormone này có thể làm thay đổi nha chu, bao gồm xương và dây chằng có chức năng hỗ trợ răng và giữ cho chúng ở đúng chỗ. Điều này có thể khiến răng bạn bị lung lay.

Tuy nhiên, các mẹ bầu không nên quá lo lắng vì những thay đổi này của cơ thể sẽ tự hết sau khi sinh con.

1.3 Tổn thương răng

Nguyên nhân khiến răng bạn bị lung lay có thể do bạn bị tác động từ một lực vào mặt hoặc bị tai nạn giao thông. Những tác động này làm hỏng răng và mô xung quanh răng, từ đó khiến một hoặc nhiều chiếc răng của bạn bị sứt mẻ, lung lay hoặc mất răng.

Ngoài ra, một số người có thói quen nghiến răng, thói quen này có thể làm tổn thương các mô răng và khiến răng bị lung lay.

1.4 Loãng xương

Loãng xương thường ảnh hưởng đến cột sống, hông, cổ tay và cũng có thể làm hỏng xương hàm. Xương ổ răng không chắc chắn, loãng xương làm suy yếu chất xương nơi ổ răng sẽ khiến chúng bị lung lay.

2. Răng lung lay có tự lành được không?

Những chiếc răng hàm bị lung lay hay răng cửa bị lung lay có tự lành hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tổn thương chân răng và xương ổ răng,…

Có một số trường hợp răng lung lay sẽ tự phục hồi, tự cứng chắc lại. Có một số trường hợp phải nhờ sự can thiệp của bác sĩ nha khoa. Ví dụ như răng được cố định bằng cách sử dụng một loại dây thép chuyên ngành nha khoa, hoặc vật liệu trám dính để cố định lại răng bị lung lay vào răng còn chắc chắn bên cạnh. Đồng thời, để đảm bảo cho răng không bị chấn động bởi hoạt động ăn nhai hàng ngày, răng bị lung lay nên được mài chỉnh khớp cắn cho ngắn lại.

3. Khi nào răng lung lay cần nhổ bỏ?

rang-lung-lay-co-tu-lanh-duoc-khong-voh-2

Răng lung lay và tổn thương xương ổ răng nặng thì nên nhổ bỏ răng (Nguồn: Internet)

Nếu răng bị lung lay nhẹ thì bạn có thể khắc phục bằng những cách trên theo chỉ định của nha sĩ. Tuy nhiên, trong trường hợp răng lung lay nhiều, xương ổ răng bị tổn thương nghiêm trọng thì răng sẽ không được giữ lại mà phải nhổ bỏ. Nếu không nhổ bỏ răng trong trường hợp này, tình trạng tổn thương sẽ lây lan sang các mô khác và ảnh hưởng đến những chiếc răng khỏe mạnh khác.

Để biết răng lung lay khi nào cần nhổ bỏ thì bạn nên đi khám ở bác sĩ nha khoa. Họ sẽ thăm khám và chỉ định những phương pháp phù hợp nhất cho bạn.

4. Biện pháp phòng ngừa răng lung lay ở người trưởng thành

Để có hàm răng khỏe mạnh và không bị lung lay thì bạn hãy:

  • Tránh hút thuốc.
  • Khám răng miệng định kỳ.
  • Đánh răng kỹ lưỡng hai lần/ ngày.
  • Dùng chỉ nha khoa một lần/ ngày.
  • Nhận thức được các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến răng.
  • Hỏi bác sĩ về việc bổ sung canxi và vitamin D để giúp ngăn ngừa chứng loãng xương.
  • Giữ kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, vì bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ cho bệnh nướu răng.