Estrogen là gì? Dấu hiệu giúp bạn nhận biết cơ thể đang thiếu estrogen

(VOH) – Estrogen là một loại hormone có ở phụ nữ. Loại hormone này đóng vai trò trong việc duy trì sức khỏe, sắc khỏe và sinh lý phái đẹp. Vậy estrogen là gì và có tác dụng thế nào đối với phụ nữ?

1. Estrogen là gì?

Estrogen là một loại hormone được sản xuất bởi buồng trứng, mà cụ thể là từ tế bào vỏ trong và tế bào hạt của nang noãn (hay nang trứng), thể vàng (hay còn gọi là hoàng thể). Ngoài ra, tuyến thượng thận và nhau thai cũng sẽ sản xuất một lượng nhỏ.

Ở tuổi dậy thì, buồng trứng bắt đầu tiết ra hormone estrogen có giới hạn cho từng chu kỳ kinh nguyệt. Mức estrogen tăng đột ngột ở giữa các chu kỳ sẽ kích hoạt sự giải phóng trứng. Sau đó, lượng hormone này sẽ giảm nhanh sau khi trứng rụng.

Estrogen thường đi qua các mạch máu, đến tiếp xúc với các tế bào trong nhiều loại mô có trong cơ thể, chịu trách nhiệm phát triển và quy định hệ thống sinh sản nữ cũng như đặc điểm giới tính.

2. Phân loại estrogen

Estrogen tồn tại tự nhiên trong cơ thể ở 3 dạng là: estron (E1), 17β-estradiol (E2) và estriol (E3).

estrogen-la-gi-dau-hieu-giup-ban-nhan-biet-co-the-dang-thieu-estrogen-voh

Estron tự nhiên trong cơ thể được chia thành 3 dạng (Nguồn: Internet)

  • Estron (E1): Đây là một dạng estrogen yếu và là loại duy nhất được tìm thấy ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh. Một lượng nhỏ estrone có hầu hết trong các mô của cơ thể. Cơ thể có thể chuyển đổi estrone thành estradiol và ngược lại.
  • 17β-estradiol (E2): Đây là loại estrogen mạnh nhất. Estradiol là một steroid được sản xuất bởi buồng trứng. Nó được cho là một trong những nguyên nhân gây ra một loạt các vấn đề phụ khoa, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung và ung thư, đặc biệt là ung thư nội mạc tử cung.
  • Estriol (E3): Đây là loại estrogen yếu nhất và là chất thải được tạo ra sau khi cơ thể sử dụng estradiol. Mang thai là thời gian duy nhất mà tại đó một lượng đáng kể estriol được tạo ra. Estriol không thể được chuyển đổi thành estradiol hoặc estrone.

3. Estrogen có tác dụng gì?

Các chuyên gia cho biết, estrogen có ảnh hưởng đến phụ nữ ở nhiều khía cạnh:

3.1 Tác dụng của estrogen lên cơ quan sinh sản

  • Buồng trứng: Estrogen giúp kích thích sự phát triển của nang trứng.
  • Âm đạo: Hormone estrogen kích thích sự phát triển của âm đạo đến khi âm đạo đạt kích thước chuẩn. Làm dày thành âm đạo và tăng độ axit làm giảm nhiễm khuẩn. Hormone này cũng giúp bôi trơn âm đạo.
  • Ống dẫn trứng: Estrogen giúp làm tăng độ dày, thành cơ trong ống dẫn trứng và tạo sự co thắt các cơ giúp di chuyển trứng và tế bào tinh trùng.
  • Tử cung: Tăng cường và duy trì lớp chất nhầy lót tử cung. Làm tăng kích thước nội mạc tử cung cũng như tăng cường lưu lượng máu, protein và hoạt động của enzym. Estrogen cũng kích thích các cơ trong tử cung phát triển và co bóp, từ đó hỗ trợ quá trình sinh sản và trong cả chu kỳ kinh nguyệt.
  • Cổ tử cung: Giúp điều chỉnh dòng chảy và độ dày của dịch tiết niêm mạc tử cung. Điều này giúp tăng cường sự di chuyển của tế bào tinh trùng đến trứng, thuận lợi cho quá trình thụ tinh.
  • Tuyến vú: Estrogen có mối liên hệ với các hormone khác trong tuyến vú. Chúng chịu trách nhiệm cho sự phát triển của vú, sắc tố núm vú và giúp ngừng tiết sữa khi trẻ không còn bú mẹ.

3.2 Estrogen – hormone quyết định đến sự khác biệt cơ thể giữa nam và nữ

  • Estrogen làm cho xương nhỏ hơn và ngắn hơn, xương chậu rộng hơn và vai hẹp hơn.
  • Làm tăng lưu trữ chất béo xung quanh hông và đùi.
  • Làm lớp lông trên cơ thể trở nên mềm mỏng và ít hơn, nhưng tóc lại nhiều hơn.
  • Estrogen làm cho thanh quản nhỏ hơn và dây thanh âm ngắn hơn, mang đến cho nữ giới giọng nói có tần số cao hơn nam giới.
  • Làm ức chế hoạt động của các tuyến trên da sản sinh ra chất nhờn.

3.3 Vai trò của estrogen với các bộ phận khác

  • Não: Estrogen có thể giúp duy trì nhiệt độ cơ thể, điều chỉnh phần não liên quan đến sự phát triển tình dục và tăng cường tác dụng của các chất tốt cho não.
  • Da: Estrogen cải thiện độ dày và chất lượng của da cũng như hàm lượng collagen giúp ngăn ngừa lão hóa.
  • Xương: Estrogen giúp bảo tồn sức mạnh của xương và ngăn ngừa thoái hóa xương.
  • Gan và tim: Với 2 cơ quan này, estrogen sẽ giúp điều chỉnh sản xuất cholesterol trong gan, giúp bảo vệ tim và động mạch.

4. Làm sao nhận biết cơ thể bị thiếu hụt estrogen?

Suy giảm estrogen thường xảy ra khi phụ nữ chuẩn bị bước vào giai đoạn mãn kinh. Tuy nhiên, ngày nay do tác động từ môi trường và áp lực cuộc sống khiến cho nhiều phụ nữ tuổi ngoài 30 đã phải đối mặt với tình trạng này.

estrogen-la-gi-dau-hieu-giup-ban-nhan-biet-co-the-dang-thieu-estrogen-1-voh

Phụ nữ ngoài 30 thường sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nồng độ estrogen trong cơ thể (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Trần Quang Học - Đại học Y Hà Nội, khi nồng độ estrogen bị suy giảm sẽ gây ra nhiều vấn đề khác nhau trên cơ thể:

  • Về da: Da trở nên khô, không còn giữ được sự đàn hồi, bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn và chảy xệ. Bên cạnh đó, vết nám, sạm da, đồi mồi, tàn nhang... cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
  • Về chuyện chăn gối: Phụ nữ sẽ không có hoặc giảm ham muốn, khô âm đạo, có cảm giác đau và khô rát khi quan hệ, khó đạt khoái cảm... từ đó dẫn đến ngại ngùng, tránh né “chuyện vợ chồng”.
  • Về toàn thân: Xuất hiện tình trạng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt (kỳ kinh lúc ngắn, lúc dài, thiếu kinh, có thể vô kinh và dẫn đến mãn kinh sớm. Các tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn giảm hoạt động nên lông tóc khô giòn, dễ gãy, rụng và bạc sớm. Vòng một không còn săn chắc, mỡ tập trung nhiều vùng eo bụng, đùi... vì vậy cơ thể bị sồ sề và dễ tăng cân.
  • Ngoài ra, khi nồng độ estrogen giảm mạnh sẽ làm rối loạn vận mạch gây ra các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, người lúc nóng, lúc lạnh, mất ngủ, tiểu đêm. Thiếu hụt estrogen có thể làm thay đổi tâm trạng hoặc trầm cảm. Bên cạnh đó, còn làm tăng nguy cơ bị loãng xương, xốp xương, mắc các bệnh lý về tim mạch.

5. Biện pháp điều trị khi thiếu hụt estrogen

Không phải tất cả mọi phụ nữ điều cần phải điều trị khi nồng độ estrogen bị thấp. Nhưng nếu tình trạng estrogen thấp gây khó chịu thì việc điều trị có thể sẽ được khuyến nghị. Phương pháp điều trị sẽ được dựa trên nguyên nhân gây ra estrogen thấp cũng như các triệu chứng xảy ra ở hiện tại.

Các phương pháp điều trị vấn đề này gồm có:

5.1 Liệu pháp thay thế hormone (HRT)

HRT được sử dụng để làm tăng mức độ estrogen tự nhiên của cơ thể. Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện HRT nếu phụ nữ sắp đến tuổi mãn kinh. Thời kỳ mãn kinh sẽ khiến nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm đáng kể nhưng HRT có thể giúp đưa các nồng độ này trở lại bình thường.

HRT có thể sử dụng qua các hình thức: sử dụng viên uống, miếng dán hoặc viên đặt âm đạo. Một số trường hợp có thể thông qua tiêm. Liều lượng sẽ do bác sĩ chỉ định.

Tuy nhiên, liệu pháp này có nhược điểm là gây đầy hơi, đau đầu và chảy máu âm đạo. Và đặc biệt, HRT không phù hợp với những phụ nữ có tiền sử đột quỵ, đau tim hoặc huyết áp cao.

5.2 Liệu pháp estrogen

Phụ nữ trong độ tuổi từ 25 – 50 nếu bị thiếu hụt estrogen thường được bác điều trị bằng liệu pháp estrogen. Phương pháp này có thể làm suy giảm nguy cơ loãng xương, bệnh tim mạch và mất cân bằng nội tiết tố khác.

Liều dùng sẽ do bác sĩ kê đơn. Estrogen có thể được sử dụng thông qua đường uống, tiêm hoặc viên đặt âm đạo.

Lưu ý: Trừ những trường hợp đặc biệt bác sĩ chỉ định sử dụng estrogen dài hạn. Còn tất cả các trường hợp khác, liệu pháp estrogen được khuyến cáo là chỉ nên áp dụng từ 1 đến 2 năm, bởi sử dụng lâu dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

5.3 Sử dụng sản phẩm có chứa estrogen

Có khá nhiều các sản phẩm chức năng có tác dụng bổ sung estrogen từ thảo dược mà chị em có thể tìm hiểu ở những trang thông tin uy tín.

estrogen-la-gi-dau-hieu-giup-ban-nhan-biet-co-the-dang-thieu-estrogen-2-voh

Một số loại thuốc tránh thai có sử dụng estrogen (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, estrogen cũng được ứng dụng trong việc điều chế thuốc tránh thai, điều đó có nghĩa sử dụng thuốc tránh thai có chứa estrogen cũng giúp bổ sung estrogen cho cơ thể. Estrogen có trong thuốc tránh thai thường được kết hợp cùng với hormone progestin. Tuy nhiên, uống thuốc tránh thai có nhiều tác dụng phụ như đau tim, đánh trống ngực, gây ra các cục máu đông, buồn nôn và nôn.... Sử dụng lâu dài có nguy cơ dẫn đến ung thư vú.

5.4 Sử dụng thực phẩm giúp tăng cường estrogen

Đây là phương pháp tự nhiên và khá an toàn cho sức khỏe phụ nữ. Một số loại thực phẩm có chứa phytoestrogen, có thể ảnh hưởng đến mức độ estrogen trong cơ thể. Bao gồm các loại rau cải, đậu nành và một số thực phẩm có chứa protein đậu nành, các loại quả mọng, hạt và ngũ cốc, quả hạch, trái cây, rượu nho.

Một số người cho rằng chất phytoestrogen có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng các thực phẩm có chứa phytoestrogen được liệt kê ở trên có thể làm giảm nguy cơ ung thư, giảm bốc hỏa, cải thiện các triệu chứng mãn kinh và mang lại lợi ích sức khỏe khác.