GS.Bs Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Chủ tịch Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM) cho biết, cả nam giới và nữ giới khi bắt đầu có tuổi đều có những vấn đề sức khỏe riêng, tuy nhiên, phụ nữ trên 40 tuổi sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn nam giới.
1. Loãng xương ở phụ nữ nghiêm trọng như thế nào?
Theo bác sĩ Phượng, loãng xương là vấn đề thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi. Nếu phụ nữ không dự phòng trước ngay từ khi còn trẻ thì khi tuổi càng cao càng có nguy cơ bị gãy xương hơn.
Phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới (Nguồn: Internet)
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tỷ lệ phụ nữ bị gãy xương ở tuổi 40 trở lên chiếm tỷ lệ cao hơn so nam giới. Theo số liệu của nước Anh, số tiền để điều trị cho tất cả phụ nữ lớn tuổi bị gãy xương là rất cao, nó chiếm gấp 10 đến 20 lần so với số tiền mà họ có thể sử dụng để phòng ngừa loãng.
Hơn nữa, người ta chưa kể đến chất lượng cuộc sống của những người bị loãng xương, gãy xương phải nằm một chỗ và cần sự trợ giúp, chăm sóc của người thân.
2. Vì sao phụ nữ dễ bị loãng xương?
Khi phụ nữ càng lớn tuổi, trục hạ đồi tuyến yên buồng trứng cũng bắt đầu suy yếu, buồng trứng không sản xuất nội tiết sinh dục nữ, do đó canxi không cố định được vào trong bộ xương, đây là nguyên nhân phổ biến khiến phụ nữ dễ bị loãng xương và thoái hóa khớp hơn.
Ngoài ra, phụ nữ sau 35 tuổi, chức năng buồng trứng giảm dần, mật độ xương giảm thấp sẽ đưa đến tình trạng loãng xương.
Loãng xương thường diễn biến từ từ, chậm, không có triệu chứng ồ ạt nên rất khó nhận biết. Đến một giai đoạn nào đó, người bệnh vô tình vấp ngã nhẹ nhưng lại gây ra tình trạng gãy xương, thì lúc bấy giờ họ mới biết mình đã bị loãng xương.
Tuy nhiên, phụ nữ sau 35 tuổi vẫn có thể nhận biết mình có nguy cơ loãng xương hay không bằng cách đi đo mật độ xương. Hiện nay, tại các bệnh viện lớn đều có máy đo mật độ xương, giúp chẩn đoán tình trạng loãng xương.
3. Làm sao để phòng tránh loãng xương sớm?
Theo bác sĩ Phượng, trước tiên chúng ta cần biết mình có nằm trong nhóm dễ bị loãng xương hay không. Nhóm người có nguy cơ cao bị loãng xương bao gồm:
- Phụ nữ có thân hình nhỏ bé, gầy yếu.
- Phụ nữ mãn kinh sớm.
- Đang sử dụng corticoid để điều trị hen suyễn hay thấp khớp.
- Đang sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch.
Nếu nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị loãng xương thì chúng ta nên đi đo mật độ xương khi bước qua tuổi 35. Nếu bác sĩ chẩn đoán mật độ xương thấp thì chúng ta phải sử dụng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện đúng mức.
3.1 Về chế độ tập luyện
Nếu mật độ xương thấp thì chúng ta nên chọn lựa các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với cơ thể để tập luyện mỗi ngày như đi bộ, dưỡng sinh, yoga,…để tránh nguy cơ gãy xương, gây đau đớn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chúng ta có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trực tiếp thăm khám cho chúng ta.
Mật độ xương giảm dần theo thời gian (Nguồn: Internet)
3.2 Về chế độ ăn uống
Nếu có mật độ xương thấp thì chúng ta phải chú ý chế độ ăn nên có đầy đủ canxi để sự thành lập xương tăng và mật độ xương tốt. Có rất nhiều thực phẩm giàu canxi như:
- Nghêu, sò, ốc, hến.
- Tôm ăn luôn vỏ.
- Những loại cá nhỏ ăn luôn xương.
- Đậu hũ.
- Rau có màu xanh đậm.
- Trứng.
- Thịt.
- Sữa không chất béo, không đường.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dùng các loại thuốc uống giúp bổ sung canxi. Bác sĩ Phượng cũng nhấn mạnh, ngay từ khi còn trẻ, người phụ nữ đang có đầy đủ nội tiết của buồng trứng (nội tiết sinh dục nữ) thì chúng ta nên chú ý chế độ ăn uống, đặc biệt là bổ sung canxi để khi bước qua tuổi 35, mặc dù mật độ xương sẽ giảm nhưng nó sẽ không giảm đến mức gây loãng xương do chúng ta có mật độ xương tốt lúc còn trẻ.
Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này: