Sỏi thận là căn bệnh thuộc đường tiểu – sinh dục phổ biến thứ 3 sau các bệnh viêm nhiễm và tuyến tiền liệt. Nguyên nhân gây bệnh là do rối loạn trao đổi chất khoáng không tan và tích tụ trong cơ thể, lâu dần hình thành sỏi. Loại sỏi hay gặp nhất là sỏi canxi gồm canxi oxalat, canxi photphat và sỏi canxi oxalat photphat. Các loại sỏi ít gặp hơn là sỏi acid uric, sỏi cystin.
1. Người bị sỏi thận nên ăn gì?
Chế độ ăn uống cho người sỏi thận rất đa dạng, phụ thuộc vào thành phần của sỏi. Phương pháp đa năng và đơn giản nhất để phòng ngừa hình thành sỏi thận là pha loãng nước tiểu, do đó người bệnh sỏi thận cần uống nhiều nước để thải ra khoảng 2 – 2,5 lít nước tiểu. Để làm được điều này thì người bệnh cần phải uống từ 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày.
Việc uống nhiều nước mỗi ngày vừa giúp tránh bị sỏi thận vừa giúp tống xuất những viên sỏi nhỏ ra ngoài nếu có. Tuy nhiên, theo khuyến cáo trong sách Bệnh thận và chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh thận của bác sĩ Bạch Sĩ Minh tổng hợp, biện pháp uống quá nhiều nước mỗi ngày không thích hợp cho người vừa mắc bệnh thận và bệnh tim cùng một lúc.
Bên cạnh việc uống đủ nước mỗi ngày, người bệnh thận cần:
1.1 Đảm bảo chế độ ăn có chứa canxi đầy đủ
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, lời khuyên dùng thức ăn nghèo canxi để phòng bệnh sỏi thận là hoàn toàn sai, thậm chí còn phản tác dụng.
Các nhà nghiên cứu đã chia 120 nam giới thành 2 nhóm:
- Nhóm 1: Tuân thủ chế độ ăn nghèo canxi.
- Nhóm 2: Chế độ ăn có hàm lượng canxi bình thường nhưng ít đạm và muối.
Kết quả cho thấy, sau 5 năm, những người ở nhóm 1 có tỷ lệ bị sỏi thận cao hơn so với nhóm 2 khoảng 40%.
Người bệnh sỏi thận không nên kiêng hoàn toàn các thực phẩm chứa canxi (Nguồn: Internet)
Vì thế, người bệnh có thể dùng các thực phẩm chứa canxi như sữa và phô mai. Mỗi ngày có thể dùng khoảng 3 ly sữa tươi hoặc một lượng tương đương các sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai.
Người bệnh sỏi thận không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi vì như thế sẽ gây mất cân bằng trong hấp thụ canxi khiến cơ thể hấp thu oxalate nhiều hơn từ ruột và sẽ tạo sỏi thận. Ngoài ra, việc kiêng cữ thực phẩm chứa canxi cũng sẽ gây ra loãng xương.
1.2 Bổ sung chất xơ không hòa tan
Chất xơ không hòa tan được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và gạo, có thể giúp làm giảm canxi trong nước tiểu. Nó kết hợp với canxi trong ruột, để canxi được bài tiết phân thay vì thông qua thận, chất xơ không hòa tan cũng tăng tốc độ chuyển động của các chất thông qua ruột, vì vậy sẽ có ít thời gian hơn cho canxi được hấp thụ.
1.3 Bệnh sỏi thận nên ăn trái cây gì?
Người bị sỏi thận không nên bỏ qua (tuy nhiên cũng không nên lạm dụng ăn quá nhiều) những loại trái cây dưới đây:
- Chanh, cam, bưởi: Nếu mắc bệnh sỏi thận thì người bệnh nên bổ sung vitamin C từ cam, chanh, bởi vào thực đơn hàng ngày vì đây là những thức uống chứa nhiều citrate giúp chống tạo sỏi.
- Táo tươi: Trong táo có nhiều vitamin C dễ tan trong nước, có thể làm giảm cholesterol dư thừa trong cơ thể chuyển hóa thành axit trong dịch mật – thành phần chủ yếu tạo sỏi. Táo cũng giúp kiềm hóa nước tiểu, giảm nguy cơ tạo tinh thể acid uric.
- Dứa: Cách đơn giản nhất là ăn dứa chín hoặc ép dứa lấy nước uống để giúp tiêu sỏi. Trong dứa có vitamin C, vitamin B1, mangan, axit hữu cơ,…rất tốt cho sức khỏe.
2. Bị sỏi thận nên kiêng ăn gì?
Tùy theo từng loại sỏi thận, chế độ kiêng cũng khác nhau:
2.1 Sỏi canxi
Giới hạn lượng canxi đưa vào không quá 600 mg/ngày. Người bệnh sỏi thận không nên dùng các loại nước “cứng” (nước có hàm lượng canxi cao) mà nên dùng các loại thuốc lợi tiểu để làm trôi những viên sỏi đã hình thành.
2.2 Sỏi oxalat
Không ăn các loại măng tây, đậu cô ve, củ cải đường, đào lộn hột, rau diếp cá, đậu bắp, nho, mận, khoai lang và trà. Nghĩa là nên cảnh giác với thức ăn chua hay các viên vitamin C liều cao.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên kiêng rau bina và rau muống vì đây là những thực phẩm được cho là tạo nhiều oxalat nhất.
Ngoài ra, người bệnh cũng không nên dùng quá 50g chất béo mỗi ngày.
2.3 Sỏi axit uric
Mắc bệnh sỏi thận nên kiêng lòng heo, lòng bò (Nguồn: Internet)
Các sỏi này liên quan đến chuyển hóa purin và đôi khi là một biến chứng của bệnh gout. Do đó, người bệnh nên kiêng ăn những chất có chứa purin như cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò,…
Việc tăng hàm lượng cholesterol trong dịch mật có thể là nguyên nhân hình thành sỏi thận. Do đó, người bệnh sỏi thận nên kiêng các thực phẩm hàm chứa cholesterol như thịt mỡ, nội tạng động vật, trứng cá, gạch cua,…đặc biệt là lòng đỏ trứng.
Lưu ý: Việc kiêng khem cũng chỉ giúp tránh hình thành sỏi thận và hỗ trợ bệnh điều trị tốt hơn. Vì thế, người mắc bệnh sỏi thận nên đi thăm khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh và đưa ra hướng điều trị thích hợp cho từng giai đoạn.