Sử dụng huyết tương của người đã mắc để điều trị cho người mới mắc COVID-19

(VOH) - Ngày 21/4/2020, WHO đã chính thức ra khuyến cáo về phương pháp truyền huyết tương của người đã mắc đang ở giai đoạn hồi phục cho những người mới mắc COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đang đánh giá thử nghiệm phương pháp điều trị này.

Với chuyên đề “Regulatory considerations on authorization of the use of convalescent plasma (PC) to address the COVID-19 emergency”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) muốn đưa ra các khuyến cáo nhằm đảm bảo an toàn cho người hiến máu, cho người bệnh và cả nhân viên y tế tham gia vào quá trình hiến máu, bào chế và sử dụng sản phẩm máu một cách an toàn và chất lượng.

Đồng thời, WHO cũng đưa ra những khuyến cáo để tạo thuận lợi cho việc sản xuất thêm các bằng chứng khoa học có chất lượng cho việc sử dụng sản phẩm này trong các tình huống dịch bệnh.

huyết tương, covid-19

Một bệnh nhân nhiễm COVID-19, sau khi hồi phục hiến huyết tương chứa kháng thể chống lại virus (Ảnh: Science new)

WHO cho biết, từ thế kỷ trước, giải pháp tạo ra miễn dịch thụ động đã được áp dụng để phòng ngừa và điều trị một số bệnh truyền nhiễm ở người. Huyết thanh của bệnh nhân ở giai đoạn phục hồi là lựa chọn điều trị cho bệnh Sốt xuất huyết Argentine (Argentine hemorrhagic fever - AHF). Ngoài ra, tạo miễn dịch thụ động còn được sử dụng trong các đợt bùng phát dịch bệnh Ebola ở Châu Phi và cả trong dịch SARS và MERS, vì không có một lựa chọn điều trị nào khác.

Tính đến ngày 11/3/2020, cả thế giới đã có hơn 118.000 trường hợp mắc COVID-19 tại 114 quốc gia và đã có 4.291 trường hợp tử vong và tính đến thời điểm phát hành tài liệu này, tháng 4/2020, vẫn chưa có biện pháp điều trị căn nguyên hoặc vắc-xin nào được phê duyệt đối với COVID-19.

Phương pháp điều trị hiện tại vẫn là hỗ trợ chăm sóc và theo dõi nếu bệnh nhẹ và sử dụng liệu pháp oxy và thở máy đối với các trường hợp diễn tiến nặng.

Giải pháp điều trị bằng huyết thanh đã thành công trong quá khứ để điều trị một số bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn và virus ở những giai đoạn mà quả điều trị của chúng chưa được chứng minh. Đây là phương pháp điều trị được lựa chọn trong nhiễm virus Junin (gây ra sốt xuất huyết Arghentina - AHF) và trong các đợt bùng phát dịch Ebola.

Riêng đối với COVID-19, kinh nghiệm về việc sử dụng giải pháp điều trị này vẫn còn rất hạn chế, nhưng những kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy tiềm năng hữu ích của giải pháp này.

Hiện nay, một số thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát đang được tiến hành nhằm giúp thu thập các bằng chứng khoa học để xác nhận sự an toàn và hiệu quả của giải pháp can thiệp điều trị này.

Trong bối cảnh này, các khuyến nghị về sử dụng giải pháp này phải nằm trong khuôn khổ pháp luật của mỗi quốc gia. Hơn nữa, còn có những thách thức đối với việc thu thập, xử lý và phân phối huyết tương từ những người ở giai đoạn hồi phục để đáp ứng các nhu cầu lâm sàng có tiềm năng.

Hiện đã có một số hướng dẫn đã được công bố về việc thu thập và sử dụng huyết tương từ người bệnh ở giai đoạn hồi phục trong các trường hợp bệnh truyền nhiễm, dịch Ebola và ngay cả dịch COVID-19.

Các loại sản phẩm của máu khác nhau có thể sử dụng (convalescent blood products) để tạo ra miễn dịch thụ động nhân tạo bao gồm: máu toàn phần giai đoạn hồi phục (CWB: convalescent whole blood), huyết tương giai đoạn hồi phục (CP: convalescent plasma), hoặc huyết thanh giai đoạn hồi phục (CS: convalescent serum); Globulin miễn dịch ở người tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp (Ig); Ig người cao hơn; và kháng thể đa dòng hoặc đơn dòng.

Huyết tương của người nhiễm COVID-19 giai đoạn hồi phục đã được xác định là một liệu pháp thử nghiệm để điều trị COVID-19, hiện các công trình nghiên cứu lâm sàng khác nhau đang được tiến hành. Từ quan điểm đạo đức, việc tiến hành nghiên cứu về các phương pháp điều trị COVID-19 càng nhanh càng tốt để sớm có các bằng chứng khoa học cần thiết để ứng phó với đại dịch.

Tại một số nước, dựa trên kinh nghiệm về các giải pháp cho các trường hợp khẩn cấp trước đó và phù hợp với các hướng dẫn về đạo đức có liên quan, đã biện minh cho việc sử dụng huyết tương điều trị COVID-19 như là một biện pháp can thiệp đã được chứng minh hiệu quả trong các tình huống đặc biệt và dưới sự giám sát sử dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp mà không cần đăng ký và nghiên cứu khẩn cấp (MEURI: monitored emergency use of unregistered and investigational interventions).

Theo WHO, việc sử dụng (theo kinh nghiệm) huyết tương của người đã nhiễm COVID-19 ở giai đoạn hồi phục để điều trị cho người mới bị nhiễm COVID-19 không được xem là một phương pháp điều trị thường quy, có rất ít chứng cứ khoa học về tính hữu dụng của giải pháp này.

WHO khuyến cáo khi quyết định sử dụng các giải pháp theo kinh nghiệm như vậy đòi hỏi phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật đã được phê duyệt nhằm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức.

Hơn nữa, cần đánh giá chi tiết giữa rủi ro và lợi ích của giải pháp này, đảm bảo có đủ năng lực để chiết tách các sản phẩm của máu, xử lý, lưu trữ và quản lý sử dụng một cách an toàn và đảm bảo chất lượng.

Giải pháp "sàng lọc không tiếp xúc” giúp truy tìm dấu vết người nghi nhiễm  COVID-19 - Giải pháp "sàng lọc không tiếp xúc nguy cơ lây nhiễm” do nhóm sáng kiến của Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công ...

Nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện khuôn mặt khi đeo khẩu trang - Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo VinAI Research vừa nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện khuôn mặt khi đeo khẩu ...