Bệnh gout có liên quan chặt chẽ đến hàm lượng protein trong đồ ăn thức uống hàng ngày. Do đó, một trong những biện pháp chống bệnh gout là người bệnh nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng phù hợp, dùng các thực phẩm được khuyên dùng.
1. Các loại thực phẩm dành cho người bệnh gout
Bệnh gout là một dạng viêm khớp, kết quả của sự lắng đọng tinh thể urat ở một số tổ chức, cơ quan.
Bệnh gout ở nước ta đang ngày một gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do đời sống của người dân được nâng lên, kéo theo đó là một số người có thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh.
Chính vì thế, để phòng ngừa cũng như cải thiện tình trạng bệnh gout, người bệnh nên ăn những thực phẩm sau đây:
1.1 Rau cần
Có 2 loại rau cần:
- Rau cần nước: Có tính mát, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt.
- Rau cần đất: Có tính mát, vị đắng ngọt, có công dụng thanh nhiệt, khu phong và lợi thấp.
Rau cần hầu như không chứa nhân purin
Người bệnh gout cấp tính có thể dùng cả 2 loại rau cần này. Rau cần giàu các sinh tố, khoáng chất và hầu như không chứa nhân purin. Có thể ăn sống, ép lấy nước uống hoặc nấu canh ăn hàng ngày.
1.2 Súp lơ
Súp lơ là thực phẩm thích hợp cho những người có acid uric máu cao
Súp lơ là một trong những loại rau ít nhân purin. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, súp lơ có tính mát, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, thông tiện nên là thực phẩm thích hợp cho những người có acid uric máu cao.
1.3 Bí xanh
Bí xanh có tác dụng thanh nhiệt, thích hợp cho người bệnh gout
Bí xanh có tính mát, có tác dụng thanh nhiệt tiêu đàm, lợi tiểu tiện, giải độc, giảm béo. Đây là loại thực phẩm kiềm tính, nhiều nước và chứa rất ít nhân purin, có khả năng thanh thải acid uric qua đường tiết niệu khá tốt.
1.4 Bí đỏ
Bí đỏ giúp giảm mỡ máu và hạ đường huyết tốt
Bí đỏ có tính ấm, vị ngọt, có công dụng bổ trung ích khí, giảm mỡ máu và hạ đường huyết. Đây là loại thực phẩm kiềm tính và hầu như không chứa nhân purin, rất thích hợp cho người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì và tăng acid uric trong máu.
1.5 Cải bắp
Cải bắp là thực phẩm mà người bệnh gout nên ăn
Cải bắp bổ tinh tủy, lợi ngũ tạng lục phủ, lợi quan tiết (có ích cho khớp), thông kinh hoạt lạc. Vì thế, cải bắp là thực phẩm tốt cho người có acid uric trong máu cao.
1.6 Cải xanh
Cải xanh có tính kiềm, không chứa nhân purin
Đây cũng là loại thực phẩm kiềm tính, không chứa nhân purin. Cải xanh có tác dụng thanh nhiệt trừ phiền, thông lợi tràng vị, lợi tiểu, rất thích hợp cho người bị bệnh gout.
1.7 Đậu đỏ
Người bệnh gout nên ăn đậu đỏ
Đậu đỏ có tính bình, vị ngọt chua. Trong thành phần hóa học của đậu đỏ hầu như không có nhân purin, là thực phẩm rất tốt cho bệnh nhân bị bệnh gout.
1.8 Lê và táo
Táo và lê hầu như không có nhân purin, tốt cho người bệnh gout
Đây là 2 loại trái cây có tính mát, vị ngọt, công dụng thanh nhiệt. Trong thành phần có chứa nhiều nước, sinh tố, muối kali và hầu như không có nhân purin. Đây là loại trái cây thích hợp cho bệnh nhân bị gout cấp tính và mãn tính.
1.9 Dâu tây
Dâu tây giúp chữa bệnh gout hiệu quả
Dâu tây chứa lượng calo khá thấp nhưng lại là một loại quả giàu dinh dưỡng và vitamin C, flavonoid. Vì vậy, quả dâu tây không những có tác dụng làm đẹp da, chống lão hóa, vitamin C trong dâu tây còn giúp chữa bệnh gout hiệu quả.
1.10 Khoai tây
Khoai tây là thực phẩm tốt cho người bệnh gout
Khoai tây là thực phẩm kiềm tính, giàu muối kali. Trong thành phần hóa học hầu như không có nhân purin.
2. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người bệnh gout
Để đảm bảo cải thiện bệnh gout, người bệnh có thể tham khảo các nguyên tắc xây dựng chế độ ăn như sau:
- Sử dụng thức ăn ít chứa nhân purin như ngũ cốc, các loại hạt, bơ, rau quả. Hạn chế thức ăn chứa nhiều acid uric như thịt, cá, hải sản, gia cầm, óc, gan động vật.
- Tuyệt đối không uống rượu, bia, cà phê, chè vì nó làm giảm khả năng bài xuất axit uric qua thận, hậu quả là làm tăng lactat máu.
- Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý, nếu người thừa cân và béo phì không nên giảm cân quá nhanh mà nên giảm từ từ.
- Tăng cường đào thải axit uric qua thận bằng cách uống nhiều nước.
- Mỗi ngày bệnh nhân gout nên ăn khoảng 1kg rau xanh, 4 – 5 quả các loại nhưng nên tránh các loại quả chua.
3. Lời khuyên
Gút là bệnh nan y nên rất khó điều trị. Một khi đã mắc phải căn bệnh này thì bạn cần xác định sống chung với nó suốt đời.
Vì thế, để giảm thiểu các cơn đau mỗi ngày cũng như ngăn ngừa các biến chứng xảy ra thì bạn nên xây dựng chế độ ăn uống thích hợp với các thực phẩm vừa kể trên.
Tốt nhất nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên để giảm đau và viêm.