Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

‘Bật mí’ 9 tác dụng của cần tây với sức khỏe ít ai biết đến

(VOH) – Là loại rau có giá thành tương đối rẻ nhưng nếu thiếu cần tây thì nhiều món ăn sẽ không ‘chuẩn vị’. Đặc biệt tác dụng của cần tây còn giúp cải thiện sức khỏe và làm đẹp hiệu quả.

Tuy có mùi hăng nồng, vị đăng đắng, hơi chát nhẹ nhưng cần tây vẫn thuộc nhóm các rau gia vị rất phổ biến trong ẩm thực. Vậy loại rau này có nguồn gốc từ đâu và mang lại lợi ích gì cho sức khỏe mà lại được ưa chuộng tới vậy? 

1. Tìm hiểu về cần tây

Cần tây có tên khoa học là Apium graveolens, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), vốn có nguồn gốc lâu đời tại các quốc gia khu vực Địa Trung Hải. Khác với cần ta - loại cần mọc ở ruộng ngập nước, có nhiều bùn, cần tây lại sinh trưởng trên cạn, ở đất có độ ẩm tốt nên còn được biết đến là cần cạn hoặc cần thơm. 

bat-mi-9-tac-dung-cua-can-tay-voi-suc-khoe-it-ai-biet-den-voh-0
Cần tây có vị hơi hăng và chát nhẹ, khác biệt hoàn toàn với cần ta (Nguồn: Internet)

2. Tác dụng của cần tây với sức khỏe

Thêm rau cần tây khi chế biến vừa góp phần tăng thêm độ hấp dẫn cho các món ăn, vừa cung cấp khá nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin E, vitamin PP, vitamin C cùng các khoáng chất kali, photpho, magie hay selen. Do vậy, nếu bổ sung cần tây đúng cách, đủ lượng, bạn có thể chủ động cải thiện được một số vấn đề sức khỏe sau: 

2.1 Giảm đau kháng viêm

Các nghiên cứu nhận thấy rằng trong cần tây có chứa hoạt chất chống viêm luteloin tương đối dồi dào. Theo đó, luteloin sẽ đảm nhiệm vai trò ức chế các nhóm enzyme gây ra tình trạng sưng viêm, đau nhức ở các khớp xương, từ đó giúp cải thiện vận động và củng cố xương chắc khỏe. (1) 

Xem thêm: Giảm đau nhức xương khớp bằng các món ăn đơn giản hàng ngày

2.2 Ổn định huyết áp

Một trong những công dụng khác của rau cần tây đó chính là hỗ trợ duy trì huyết áp ổn định. Hoạt chất apigenin cùng khoáng chất kali được tìm thấy trong cần tây có khả năng đào thải lượng muối natri dư thừa, ngăn chặn tích nước và giúp giãn nở mạch máu, không làm huyết áp tăng cao. (2) 

2.3 Làm lành vết thương

Khi không may gặp phải các vết thương hở và mất máu nhiều, bạn có thể sử dụng thêm các nhóm thực phẩm giàu vitamin K như cần tây để dưỡng thương. Nhóm vitamin này góp phần không nhỏ trong quá trình tổng hợp prothrombin làm đông máu, giảm tỉ lệ xuất huyết và giúp làm lành vết thương nhanh hơn. (3) 

2.4 Phòng chống ung thư

Cùng với đặc tính kháng viêm mạnh, luteloin trong cần tây còn kết hợp với chất chống oxy hóa apigenin bảo vệ các tế bào (nhất là tế bào DNA) khỏi sự tấn công của gốc tự do, hạn chế tối đa sự hình thành khối u gây nên các bệnh ung thư nguy hiểm. (4) 

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.5 Tốt cho tim mạch

Duy trì uống nước ép cần tây đều đặn với lượng hợp lý cũng được đánh giá là phương pháp bảo vệ sức khỏe tim mạch khá hữu hiệu. Lúc này, nhóm chất Phthalide mà cần tây cung cấp cho cơ thể sẽ giúp thư giãn cơ bắp và các mạch máu bên trong cơ thể, giảm thiểu nguy cơ tắc nghẽn do huyết khối, hệ tuần hoàn của bạn sẽ vận hành “trơn tru” hơn. (5) 

bat-mi-9-tac-dung-cua-can-tay-voi-suc-khoe-it-ai-biet-den-voh-1
Các dưỡng chất từ cần tây sẽ hỗ trợ ngăn chặn hình thành huyết khối, giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch (Nguồn: Internet)

2.6 Hỗ trợ giảm cân

Dựa trên phân tích dinh dưỡng, cần tây thuộc nhóm thực phẩm có hàm lượng calo khá nhỏ, trung bình 100g chỉ cung cấp khoảng 48kcal, vì vậy mà loại rau này được xem là lựa chọn lý tưởng để thêm vào thực đơn giảm cân. Bên cạnh đó, với lượng nước chiếm tới hơn 95% tổng thành phần, ăn cần tây sẽ khiến bạn cảm thấy nhanh no và tiếp nạp ít thức ăn.

Xem thêm: Giảm cân bằng cần tây và những điều mà bạn cần phải biết để có vóc dáng ‘vạn người mê’

2.7 Thanh nhiệt giải độc

Nhờ có hàm lượng nước lớn cùng các nhóm chất điện giải thiết yếu, cần tây còn được sử dụng như một thuốc lợi tiểu tự nhiên, hỗ trợ đào thải độc tố và giải nhiệt cơ thể hiệu quả. 

2.8 Củng cố xương chắc khỏe

Hàm lượng canxi trong cần tây rất cao nên có khả năng làm tăng độ tăng mật độ khoáng xương, thậm chí có thể giúp tái tạo xương bị hư tổn. Cùng với đó, hàm lượng vitamin K và vitamin D trong cần tây cũng là những thành tố chính tham gia hoạt hóa ostecalcin, tăng cưỡng phòng tránh loãng xương. (6) 

2.9 Ngăn ngừa lão hóa da

Không chỉ giúp duy trì vóc dáng thon gọn, các chị em phụ nữ còn sử dụng cần tây trong liệu trình chăm sóc và dưỡng ẩm làn da. Nhóm vitamin C cùng selen có trong cần tây sẽ tăng cường tính đàn hồi của lớp biểu bì dưới da, xóa mờ nếp nhăn và ngăn ngừa khả năng bị lão hóa da sớm. 

Xem thêm: Chống lão hóa sớm nhờ thói quen chăm sóc da cực đơn giản

3. Bà bầu ăn cần tây được không?

Cần tây vốn “góp mặt” ở rất nhiều món ăn nên nếu mẹ bầu lo lắng và loại bỏ nguyên liệu này thì sẽ không hấp thu được những dưỡng chất quý giá. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi mang thai, các mẹ hoàn toàn có thể sử dụng rau cần tây kết hợp với những nhóm rau củ, thực phẩm khác trong khẩu phần ăn. 

Trung bình mỗi bữa mẹ nên dùng khoảng 150 – 200g cần tây là hợp lý nhất và chú ý ngâm rửa sạch trước khi đem chế biến. 

Xem thêm: Bà bầu ăn cần tây được không? 6 lợi ích sức khỏe mẹ nên biết

4. Hướng dẫn cách chọn mua cần tây

bat-mi-9-tac-dung-cua-can-tay-voi-suc-khoe-it-ai-biet-den-voh-2
Chọn mua rau cần tây chất lượng, tươi ngon để hấp thu nhiều dưỡng chất nhất (Nguồn: Internet)

Cần tây là loại rau bổ dưỡng, tuy nhiên trong quá trình trồng loại rau này cũng dễ bị nhiễm khuẩn và còn tồn dư phân bón hữu cơ, vì vậy bạn nên áp dụng những mẹo dưới đây để có được cây cần tây ngon nhất:

  • Thân phải cứng cáp: Chọn những cây thẳng đứng, cứng cáp, không bị uống cong.
  • Lá giòn: Chọn lá có màu nhạt xanh đến xanh sáng, lá phải giòn và tươi. Tránh chọn các lá bị vàng hoặc nâu sẽ không bảo quản được lâu và mất chất dinh dưỡng.

5. Rau cần tây nấu món gì ngon?

Có thể nói cần tây là loại rau khá “đa năng”, dùng ăn sống trực tiếp, đem pha chế nước ép cần tây hay làm thành phần cho các món gỏi, món chiên xào cũng đều rất hấp dẫn.

Khi đã chọn cần tây thì trong khâu chế biến cũng phải biết các mẹo sau để có thể ăn cần tây đầy đủ chất dinh dưỡng nhất:

  • Trước khi nấu hãy cắt cần tây để giữ trọn vẹn chất dinh dưỡng của rau, nếu cắt nhỏ cần tây để lâu trong vài giờ có thể sẽ mất chất dinh dưỡng
  • Chỉ nên ăn rau cần tây trong 5 đến 7 ngày để có thể tận hưởng tối đa các tác dụng của cần tây mang lại cho sức khoẻ
  • Đừng bỏ lá cần tây vì nó chứa nhiều canxi, kali và vitamin C. Nhưng lá không thể bảo quản được lâu nên ăn trong vòng 1 - 2 ngày sau khi mua.

Không cần phải chuẩn bị thêm nhiều nguyên liệu cầu kì, ngay tại nhà bạn hãy thử bắt tay vào bếp chế biến một vài một ăn đơn giản dưới đây xem sao nhé:

  • Cần tây xào thịt bò
  • Mực xào cần tây dứa 
  • Gỏi cần tây 
  • Canh cần tây cà chua
  • Súp cần tây 
  • Cần tây xào nấm

Xem thêm: 'Mách bạn' 6 công thức đơn giản này để khỏi băn khoăn 'cần tây nấu món gì ngon?'

6. Một số lưu ý sử dụng cần tây an toàn

Cũng giống như những loại thực phẩm, rau củ khác, các tác hại của cần tây vẫn có thể xảy ra nếu chúng ta lạm dụng với liều lượng lớn và dùng thiếu khoa học.

bat-mi-9-tac-dung-cua-can-tay-voi-suc-khoe-it-ai-biet-den-voh-3
Sử dụng cần tây đúng cách để phòng chống các tác hại xấu với sức khỏe (Nguồn: Internet)

Lời khuyên là hãy đa dạng thực đơn, tránh việc sử dụng cần tây liên tục trong thời gian dài, tốt nhất trong tuần chỉ nên dùng từ 2 – 3 bữa các món ăn từ cần tây để hấp thu dưỡng chất thật hiệu quả. 

Xem thêm: 4 tác hại của cần tây dễ mắc phải nếu 'lơ là' dùng sai cách

7. Thành phần dinh dưỡng của cần tây

Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam của Bộ Y tế, cần tây có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong 100g cần tây (phần ăn được) người ta thống kê được thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng điển hình như sau:

  • Nước: 85 g
  • Năng lượng: 48 KCal
  • Carbohydrate (đạm): 7.9 g
  • Chất béo: 0.2 g
  • Chất xơ: 1.5 g
  • Canxi: 325 mg
  • Magie: 18 mg
  • Photpho: 128 mg
  • Kali: 326 mg
  • Vitamin C: 150 mg
  • Vitamin PP: 0.4 mg
  • Vitamin E: 0.27 mg
  • Vitamin K: 29.3 µg

Vừa góp phần làm trọn vẹn hương vị món ăn, vừa đem đến nhiều lợi ích quý giá nên rau cần tây vẫn luôn được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Mong rằng với những chia sẻ trong bài viết trên đây, bạn cũng đã biết cách sử dụng loại rau này an toàn, hợp lý và khoa học hơn để bảo vệ sức khỏe thật tốt.
 

Bình luận