Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

7 tác hại của nước ép cần tây dễ mắc phải khi dùng sai cách

(VOH) – Cần tây vốn được ‘ưu ái’ sử dụng để chăm sóc sức khỏe, dưỡng nhan và giữ dáng. Song nếu dùng sai cách thì sẽ không nhận kết quả tối ưu, thậm chí còn gặp phải các tác hại của nước ép cần tây.

Rất nhiều phân tích dinh dưỡng đã chỉ ra rằng, cần tây là một loại rau chứa nguồn dưỡng chất vô cùng dồi dào, đem đến đa dạng nhóm vitamin như vitamin E, vitamin K, vitamin B2 cùng nhiều chất chống oxy mạnh. Tuy nhiên nếu sử dụng cần tây thiếu khoa học với liều lượng quá lớn thì khó tránh khỏi những rủi ro sức khỏe. 

1. Những tác hại của nước ép cần tây bạn nên biết 

Dù sử dụng cần tây để chế biến món ăn hay làm nước ép cần tây, bạn cũng nên kiểm soát liều lượng hợp lý, mỗi lần chỉ nên dùng từ 150 – 200g rau cần tây vào khoảng 2 – 3 bữa trong tuần. Điều chỉnh đúng lượng và dùng đúng cách sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc những tác hại của cần tây dưới đây:

1.1 Gây tiêu chảy

Nhiều phân tích dinh dưỡng tìm thấy trong cần tây có chứa hoạt chất mannitol với đặc tính hút nước mạnh. Theo đó nếu tiếp nạp quá nhiều chất đường rượu này sẽ gây ra tình trạng tích nước trong đường ruột, làm lỏng phân và dẫn tới bị tiêu chảy. (1) 

4-tac-hai-cua-can-tay-de-mac-phai-neu-lo-la-dung-sai-cach-voh-0
Không nên sử dụng quá nhiều cần tây trong thời gian dài để giảm tình trạng tiêu chảy (Nguồn: Internet)

1.2 Hạ huyết áp quá mức

Nhờ cung cấp hàm lượng apigenin cùng khoáng chất kali dồi dào nên cần tây được đánh giá là thực phẩm tương đối lành mạnh với người bệnh đang điều trị huyết áp cao. Thế nhưng không vì thế mà sử dụng liên tục trong thời gian dài bởi có thể dẫn tới tình trạng huyết áp xuống mức quá thấp, làm ảnh hưởng tới hoạt động luân chuyển máu lên não. 

Xem thêm: Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp

1.3 Tăng áp lực lên thận

Cần tây thuộc nhóm thực phẩm có chứa hàm lượng nước tương đối dồi dào, chiếm tới hơn 90% tổng thành phần, do đó có tác động không nhỏ tới quá trình kích thích sản xuất nước tiểu và tăng thêm “gánh nặng” cho thận, khiến nhu mô thận sưng phồng.

Bên cạnh đó, tình trạng “quá tải nước” kéo dài sẽ làm mất cân bằng chất điện giải và gây ra hiện tượng phù nề. 

1.4 Dị ứng phát ban 

Thực tế tỉ lệ mắc dị ứng phát ban khi dùng các món ăn hay thức uống từ cần tây khá nhỏ. Tác dụng phụ này thường xảy ra khi làn da của chúng ta tiếp xúc trực tiếp với hoạt chất psoralen gây ngứa ngáy tiết ra từ thân của rau cần tây.

Dù vậy nếu bạn từng có tiền sử bị dị ứng, đặc biệt là dị ứng cà rốt hay củ cải trắng thì cũng phải cẩn trọng khi dùng cần tây. (2)

1.5 Uống nhiều nước ép cần tây gây bướu cổ

Trong cần tây có chứa chất goitrogen, chất này có thể can thiệp vào quá trình hoạt động của i-ốt trong cơ thể, gây thiếu hụt i-ốt và dễ mắc bệnh bướu cổ. Vì thế khi tiêu thụ nhiều cần tây quá mức quy định sẽ dễ nguy cơ mắc bệnh bướu cổ.

1.6 Giảm khả năng sinh sản

Không nên uống nhiều nước ép cần tây do trong cần tây có chứa chất apigenin, chất này có tác dụng làm giảm chất lượng tinh trùng trong nam giới, ức chế khả năng hình thành testosterone trong cơ thể, giảm lượng tinh trùng và gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới.

1.7 Tăng độ mẫn cảm của da dưới ánh nắng mặt trời

Do khi uống nhiều nước ép cần tây sẽ làm cho làn da dễ bị bắt ánh nắng mặt trời hơn do trong cần tây có chứa nhiều chất psoralen, đây là hóa chất có phản ứng với ánh nắng mặt trời. Vì thế khi sử dụng nước ép cần tây thì cần phải bảo vệ và chăm sóc làn da cẩn thận.

2. Những người không nên uống nước ép cần tây

Mặc dù là loại nước uống tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể uống nước ép cần tây. Để tránh các tác hại của nước ép cần tây mang lại thì một số đối tượng không nên uống như:

2.1 Người đang bị huyết áp thấp

Mặc dù đây được xem là loại thực phẩm tốt cho người bị bệnh cao huyết áp nhưng đối với những người đang bị huyết áp thấp thì không nên sử dụng nước ép cần tây vì sẽ làm cho huyết áp không ổn định và làm cho cơ thể bị tụt huyết áp đột ngột.

Vì thế những người đang bị huyết áp thấp không nên uống nước ép cần tây để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

2.2 Người đang bị bệnh thận

Những người đang mắc bệnh thận hoặc đang dùng thuốc lợi tiểu thì không nên uống nước ép cần tây vì trong cần tây có chứa nhiều nước, đây được xem như là một thuốc lợi tiểu. Vì thế khi uống nhiều quá mức sẽ gây áp lực cho thận và dễ làm suy giảm chức năng của thận.

2.3 Phụ nữ khó mang thai hoặc đang có tình trạng sẩy thai

Phụ nữ đang có dấu hiệu sẩy thai hoặc khó mang thai thì không nên uống nước ép cần tây, vì khi tiêu thụ loại thực phẩm này sẽ làm tử cung bị kích thích co bóp, gây ảnh hưởng cho mẹ bầu và thai nhi.

2.4 Người mắc bệnh ngoài da

Trong cần tây có chứa chất psoralen, chất này sẽ phản ứng với ánh nắng mặt trời. Vì thế những người đang mắc bệnh ngoài da thì không nên uống vì sẽ làm cho da bị nhạy cảm và bệnh thêm trầm trọng.

3. Cách uống nước ép cần tây đúng cách

Để uống nước ép cần tây đúng cách thì nên uống vào buổi sáng hoặc nếu sợ lạnh bụng thì uống một ly nước chanh ấm trước rồi uống nước ép cũng được.

Ngoài ra có thể uống sau 1 tiếng bữa ăn sáng và uống trước bữa ăn chính hoặc xế chiều.

Một ngày chỉ nên uống khoảng 500ml, nên chia ra uống hai lần vào buổi sáng hoặc buổi chiều.

4. Những lưu ý khi sử dụng cần tây

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như hạn chế mắc phải những tác dụng phụ của cần tây trên đây, bạn hãy chú ý thực hiện đúng theo một số hướng dẫn sau:  

4.1 Ngâm rửa sạch

Giống như bất cứ loại rau củ khác, bước làm sạch và ngâm rửa cần tây kĩ lượng là điều bạn cần ưu tiên thực hiện. Công đoạn này sẽ giúp bạn loại bỏ bụi bẩn, bùn đất bám trên rau trong quá trình trồng, đồng thời giảm đi lượng chất gây dị ứng. 

Tốt nhất nên ngâm rửa cần tây với nước muối loãng khoảng 20 – 30 phút trước khi đem chế biến món ăn hay ép lấy nước uống. 

4-tac-hai-cua-can-tay-de-mac-phai-neu-lo-la-dung-sai-cach-voh-1
Nên ngâm rửa sạch cần tây trước khi đem sử dụng, chế biến (Nguồn: Internet)

4.2 Không chế biến ở nhiệt độ cao

Để bảo toàn tối đa chất dinh dưỡng có trong cần tây, không nên chế biến ở nhiệt cao và trong thời gian dài. Rau cần tây nên là thành phần cuối cùng bạn thêm vào khi đun nấu món ăn vì loại rau này rất nhanh chín.

4.3 Hạn chế ăn cùng nghêu, sò, hàu

Kết hợp cần tây cùng các loại hải sản như nghêu, sò, hàu thường không được khuyến khích, bởi chúng sẽ làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B và các khoáng chất từ cần tây của cơ thể. 

Xem thêm: Khi ăn hải sản bạn tuyệt đối không nên ăn những phần này

4.4 Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang dùng thuốc 

Nếu đang sử dụng thuốc lợi tiểu hay thuốc hạ huyết áp, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi thêm cần tây vào thực đơn nhằm tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm của bệnh. 

Phần lớn những tác hại của cần tây xảy ra khi chúng ta lạm dụng và dùng sai cách, do vậy bạn hãy “nằm lòng” những hướng dẫn quan trọng trên đây để sử dụng thật an toàn, từ đó cải thiện sức khỏe một cách hiệu quả nhất nhé.