Chờ...

Tìm hiểu 8 tác dụng của cỏ mần trầu trong chữa bệnh

(VOH) - Tuy là loài cỏ dại mọc ven đường nhưng cỏ mần trầu lại có nhiều công dụng tuyệt vời, đặc biệt là cỏ mần trầu thường xuyên có mặt trong các bài thuốc chữa bệnh theo dân gian.

1. Cỏ mần trầu có tác dụng gì?

Trong Đông y, cỏ mần trầu có vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm, cầm máu, tán ứ và mát gan. Theo đó, tác dụng cỏ mần trầu gồm có:

1.1 Trị nóng gan, giải độc gan

Cỏ mần trầu có tính mát nên thường được dùng để thanh nhiệt, mát gan, làm ra mồ hôi. Để phát huy hết công dụng của cỏ mần trầu trong việc làm mát gan, bạn có thể dùng 16 – 20g cỏ mần trầu khô hoặc 40 – 200g tươi, sắc lấy nước uống . Ngoài ra, bạn có thể dùng phối hợp với các dược liệu có tính mát khác như rễ cỏ tranh, rau má, cam thảo,…

1.2 Chữa cao huyết áp

Cỏ mần trầu từ lâu được dùng làm thuốc chữa tăng huyết áp. Theo GS. Đỗ Tất Lợi, muốn trị cao huyết áp thì bạn dùng 500g cỏ mần trầu, rửa sạch, giã nát, sau đó thêm khoảng 1 bát nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước cốt, lọc thêm qua vải mỏng. Uống nước này ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều, dùng trong thời gian dài đến khi huyết áp ổn định.

1.3 Phòng viêm màng não truyền nhiễm

Để tránh viêm não truyền nhiễm thì lấy 30g cỏ mần trầu sắc nước uống. Uống liền 3 ngày, nghỉ 10 ngày, sau đó lại uống tiếp 3 ngày.

1.4 Chữa băng huyết

Theo lương y Vương Đăng, để chấm dứt tình trạng băng huyết có thể dùng cỏ mần trầu, cây muồng trâu (thái nhỏ), cam thảo nam, rễ tranh, cỏ mực, rau má, cây ké, mỗi thứ 1 nắm tay và 10 lá ngải cứu, 10 lát củ sả, 10 lát gừng tươi, vỏ của 1 trái quýt. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, đổ ngập nước sắc còn 2 bát nước, chia 2 lần uống trong ngày.

Công dụng cỏ mần trầu trong bài thuốc này là giúp cầm máu, máu sẽ ngưng chảy, tốt cho người bị băng huyết. Ngoài ra, để cầm máu cho vết thương, bạn cũng có thể lấy cỏ mần trầu tươi giã nát rồi đắp vào vết thương, tuy nhiên hãy đảm bảo rằng cỏ mần trầu bạn dùng đã rửa sạch.

1.5 Chữa viêm da, vàng da

Dùng 60g cỏ mần trầu tươi, 30g rễ cây tổ kén đực. Sắc lấy nước uống đến khi bệnh thuyên giảm thì dừng.

1.6 Chữa bệnh trĩ

Nguyên liệu cho bài thuốc gồm: cỏ mần trầu, lá hương nhu, lá trầu không, lá sung, lá cây cải cúc mỗi loại 30g. Rửa sạch nguyên liệu rồi cho tất cả vào nồi đun sôi với 1.5 – 2 lít nước, có thể cho thêm 1 chút muối tinh. Dùng nước này để xông hậu môn mỗi tối trước khi đi ngủ, xông đến khi nước nguội thì dùng nước này rửa hậu môn. Tác dụng cỏ mần trầu khi kết hợp với các dược liệu trên giúp kháng viêm, ngưng sự phát triển của búi trĩ.

tim-hieu-8-tac-dung-cua-co-man-trau-trong-chua-benh-voh-2

Có thể dùng cỏ mần trầu chữa bệnh dưới dạng tươi hoặc khô (Nguồn: Internet)

1.7 Chữa sốt cao co giật, hôn mê

Dùng 120g cỏ mần trầu sắc với 600ml nước còn 400ml, thêm ít muối, cho bệnh nhân uống nhiều lần trong 12 giờ.

1.8 Tốt cho tóc

Theo lương y Hoàng Duy Tân, dân gian đã truyền miệng rằng “bồ kết sạch gàu, mần trầu tốt tóc”. Chính vì vậy, để chữa chứng tóc khô, dễ gãy thì bạn hãy dùng khoảng 40 – 50g cỏ mần trầu, nấu sôi, để nguội rồi dùng nước này gội đầu hàng ngày. Sau 2 tuần sẽ thấy sự chuyển biến của tóc rõ rệt, sau 1 tháng áp dụng, tóc bạn sẽ dày và óng mượt.

Như vậy, tuy là một loại cỏ nhưng tác dụng của cây cỏ mần trầu rất nhiều, đặc biệt là trong điều trị và phòng bệnh.

Lưu ý: Khi dùng cỏ mần trầu để chữa bất kỳ bệnh lý nào thì bạn cũng cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Điều này sẽ giúp bạn điều trị đúng cách và hiệu quả hơn.

2. Thông tin về cỏ mần trầu

Cỏ mần trầu có nhiều tên gọi khác nhau (tùy vùng miền) như cỏ vườn trầu, màn trầu, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, ngưu cân thảo,…loại cỏ này có tên khoa học là  Eleusine indica, là loài thực vật xâm thực thuộc họ lúa (Poaceae).

Cây mần trầu thường cao từ 20 – 90cm, có rễ mọc khỏe, thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau đó mọc thẳng thành bụi. Cỏ mần trầu thường mọc hoang ở nhiều nơi.

tim-hieu-8-tac-dung-cua-co-man-trau-trong-chua-benh-voh-1

Cỏ mần trầu có hình dạng giống với cây lúa (Nguồn: Internet)

Phần trên mặt đất của cỏ mần trầu có chứa dẫn chất của beta-sitosterol và palmitoyl, cành và lá tươi có chứa flavonoid. Hầu hết tất cả bộ phận của cỏ mần trầu đều có thể dùng làm thuốc dưới dạng tươi hoặc khô.