Phấn rôm không phải là sản phẩm xa lạ với nhiều người, đặc biệt là những bà mẹ có con nhỏ, bởi sản phẩm này thường có mặt trong danh sách những vật dụng cần thiết dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
1. Tác dụng của phấn rôm với trẻ
Phấn rôm hay còn gọi là phấn em bé, có thành phần chủ yếu là bột talc, một khoáng chất được tạo thành từ sự kết hợp của magie, silicon và oxy, có mùi thơm nhẹ và có tác dụng làm da khô thoáng, thấm hút mồ hôi cực hiệu quả. Chính vì thế, nhiều bà mẹ thường sử dụng phấn rôm để trị rôm sảy và hăm tã ở trẻ em.
Đa số các loại phấn rôm trên thị trường hiện nay đều được kiểm duyệt an toàn bởi FDA, đảm bảo cho làn da của trẻ, tuy nhiên, trước khi sử dụng các mẹ vẫn nên đọc kỹ hướng dẫn từ nhà sản xuất .
Bên cạnh đó, mẹ không nên dùng cùng lúc một lượng lớn phấn rôm trên da của bé vì có thể làm tăng nguy cơ dị ứng da, thậm chí làm phồng rộp da nếu da bé bị dị ứng với hóa chất có trong sản phẩm.
Hơn nữa, khi sử dụng phấn rôm cho bé các mẹ cũng cần lưu ý, tránh việc bé hít phải phấn rôm, vì theo thời gian lượng phấn bé hít sẽ tồn đọng trong phổi và gây tổn thương.
2. Chọn loại phấn rôm nào cho bé an toàn?
Để những tác dụng của phấn rôm trẻ em được phát huy một cách tốt nhất, các mẹ nên lựa chọn phấn rôm của các nhãn hàng có uy tín để đảm bảo về chất lượng và giảm thiểu nguy cơ dị ứng da cho trẻ.
Mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về các nhãn hàng đảm bảo chất lượng. Lưu ý, chỉ nên sử dụng các sản phẩm đã được kiểm nghiệm bởi FDA.
Cần lưu ý kỹ việc lựa chọn loại phấn rôm đảm bảo an toàn cho làn da của bé (Nguồn: Internet)
Nếu da bé bị khô, mẹ nên sử dụng các loại kem giúp cân bằng và làm mềm da bé, không nên tiếp tục cho con sử dụng phấn rôm trẻ em.
Có rất nhiều loại phấn rôm được bán trên thị trường nhưng mẹ nên lưu ý đến các công dụng của phấn rôm cũng thành phần điều chế. Chẳng hạn, các loại phấn được điều chế từ tinh bột bắp phần lớn đều được kiểm nghiệm và được kiểm chứng là an toàn hơn cho trẻ em.
3. Tác dụng phụ của phấn rôm đối với trẻ em
Bột talc là thành phần chính có trong phấn rôm, tác dụng là giúp làm khô bề mặt và vùng thân dưới của em bé nhằm ngăn ngừa hăm tã. Tuy nhiên, khi sử dụng loại phấn này các mẹ cần phải cẩn thận vì nếu để trẻ hít phải phấn rôm sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là ở hệ hô hấp.
Một số dấu hiệu giúp mẹ nhận biết bao gồm:
- Bé thở nhanh và nhịp thở nông
- Bé bị ho
- Da chuyển sang màu xanh
- Bé bị tiêu chảy hoặc ói mửa
- Co giật
- Có những cử động không tự nguyện ở cánh tay và chân
Đối với bé gái, việc sử dụng bột talc lâu dài ở vùng sinh dục có thể khiến bé có nguy cơ bị ung thư buồng trứng cao hơn và nếu tiếp xúc thường xuyên với bột talc sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
4. Những lưu ý khi sử dụng phấn rôm cho trẻ em
Để đảm bảo an toàn cho bé trong lúc sử dụng phấn rôm, mẹ cần lưu ý một số điều sau đây:
- Khi thay tã cho bé, mẹ nên để phấn ở xa tầm tay của trẻ, tránh để bé nghịch, chơi với chai đựng phấn.
- Không nên sử dụng phấn trực tiếp trên da bé, mẹ nên cho phấn lên tay và xoa nhẹ lên da của con.
- Không nên mở quạt hay ngồi gần cửa sổ khi đang thực hiện việc thoa phấn cho bé, để tránh làm bé hít phải bột phấn.
- Đặc biệt chú ý đến vùng da có nếp gấp như da cổ, nách thì không nên sử dụng phấn quá nhiều, bởi lượng phấn dư thừa có thể kết hợp với mồ hôi gây kích ứng da.
- Không nên sử dụng phấn ở những vùng nhạy cảm như mũi và mắt.
- Ngưng sử dụng phấn rôm nếu nhận thấy da bé nổi các mẩn đỏ, ngứa, sưng tấy.
Trên đây là những tác dụng của phấn rôm đối với trẻ em cũng như một số lưu ý khi sử dụng phấn rôm cho trẻ. Hi vọng với những thông tin vừa chia sẻ sẽ giúp các mẹ có được thông tin hữu ích trong việc chăm sóc bé yêu của mình.