Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tác dụng phụ của hóa trị ung thư trực tràng

(VOH) - Hiện nay có nhiều cách điều trị ung thư trực tràng, trong đó có phương pháp hóa trị liệu. Sau điều trị, hầu như bệnh nhân đều gặp tác dụng phụ. Vậy có cách nào giảm thiểu tác dụng phụ không?

Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ! Tôi bị ung thư trực tràng. Tôi đã điều trị ở Bệnh viện Đại học Y dược bằng phương pháp phẫu thuật, mổ cắt bỏ hết 10cm ruột. Tôi cũng đã vô hóa trị 8 lần và trong thời gian vô hóa trị tôi thường bị giật và tê. Tuy nhiên, sau khi điều trị và về nhà thì tôi vẫn bị tê 2 bàn tay và chân, thậm chí cầm đũa gắp thức ăn cũng khó khăn. Bên cạnh đó, tôi còn bị táo bón, đi cầu rất khó. Tôi muốn hỏi bác sĩ có cách nào để giảm các bớt các triệu chứng này hay không? nhờ bác sĩ tư vấn cho tôi.

Thính giả: tên Vĩnh, 77 tuổi

Tác dụng phụ của hóa trị liệu và cách khắc phục

Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), tê giật bàn tay, bàn chân hay táo bón,…có thể là hậu quả của hóa trị. 

  • Với tình trạng tê bàn chân, bàn tay

Khi hóa trị liệu, theo thời gian hóa chất sẽ được thải ra ngoài, khi tất cả các thành phần được loại bỏ thì cơ thể sẽ phục hồi. Tuy nhiên, nếu nó ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và cơ tại chỗ thì người bệnh sẽ gặp tình trạng tê.

tac-dung-phu-cua-hoa-tri-ung-thu-truc-trang-voh

Tê tay, chân sau khi hóa trị nên làm gì? (Nguồn: Internet)

Chính vì vậy, sau điều trị ung thư bằng hóa trị, người bệnh phải tích cực điều trị và khắc phục các tác dụng phụ không mong muốn. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc và hướng dẫn tập luyện để giúp lưu thông khí huyết, máu di chuyển đến các cơ dễ dàng để nuôi dưỡng cơ tốt hơn.

  • Với tình trạng táo bón

Bị táo bón sau điều trị ung thư trực tràng có thể do chế độ ăn uống của người bệnh thiếu khoa học hoặc quá trình hồi phục vết thương chưa tốt. 

Đối với tình trạng táo bón sau điều trị ung thư trực tràng thì người bệnh có thể khắc phục bằng cách:

tac-dung-phu-cua-hoa-tri-ung-thu-truc-trang-voh

Để khắc phục táo bón nên tăng cường chất xơ (Nguồn: Internet)

  • Uống nhiều nước mỗi ngày (1.5 – 2 lít/ngày).
  • Bổ sung đầy đủ chất xơ từ rau củ và trái cây.
  • Ăn đu đủ chín.
  • Mè đen rang lên, rắc hoặc trộn vào cơm để ăn mỗi ngày.
  • Dùng lá muồng (cây muồng trâu) hấp cơm rồi nhai ăn bình thường như ăn các loại rau khác. Lưu ý: Mỗi ngày chỉ lên dùng 2 lá muồng vì dùng nhiều có thể gây hiện tượng sổ, tiêu chảy. 

Lời khuyên: Sau điều trị ung thư trực tràng người bệnh cần có lối sống khoa học, ăn uống hợp lý, đồng thời phải tái khám đúng lịch để sớm nhận biết các hiện tượng bất thường sau phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị,…từ đó sẽ có biện pháp khắc phục kịp thời, tránh bệnh tái phát.

 
Bình luận