Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bị tê tay khi ngủ liên quan đến bệnh lý nào?

( VOH ) - Thức giấc lúc nửa đêm và phát hiện bị tê tay một bên, không còn cảm giác gì như bị bại liệt, đây là một hiện tượng khá phổ biến. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Câu hỏi:

Chào bác sĩ Bay! Tôi thường xuyên bị tê tay khi ngủ, nhất là những lúc tôi nằm nghiêng. Khi đó, tôi cầm tay lên mà không còn cảm giác là tay của mình nữa, giống như bị bại liệt vậy. Mỗi lần như thế, tôi phải ngồi dậy đỡ tay lên khoảng 10 phút thì nó mới có cảm giác và trở lại bình thường. Tôi muốn hỏi bác sĩ hiện tượng này là dấu hiệu của bệnh gì? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi.

(Anh Việt, 46 tuổi, ở Biên Hòa – Đồng Nai)

PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Chào anh!

Triệu chứng cảm giác tê một bên người, nhất là ở tay khi anh nằm nghiêng, đây là tư thế chèn lên hệ thống thần kinh hoặc hạch bạch huyết ở cổ, vai và tay.

Thứ nhất, tôi muốn nói đến bệnh lý ở cổ. Nếu có thể anh nên đi chụp hình xem có bị thoái hóa cột sống cổ hay đĩa đệm cột sống cổ hay không. Đối với đĩa đệm cột sống cổ thì anh cần phải chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện chính xác. Tuy nhiên, chụp MRI sẽ có chi phí cao hơn chụp X-quang, giá có thể trên 1 triệu đến 2 triệu đồng. Tốt nhất, nếu có điều kiện tôi khuyên anh nên chụp MRI vì đĩa đệm cột sống cổ mà chụp Xquang thì rất khó phát hiện.

bi-te-tay-khi-ngu-lien-quan-den-benh-ly-nao-voh

Nằm nghiêng khi ngủ bị tê tay có liên quan đến bệnh lý đĩa đệm cột sống cổ (Nguồn: Internet)

Bệnh lý đĩa đệm là do đĩa đệm vượt ra bên ngoài, chèn ép vào các dây chằng, gân, dây thần kinh và mạch máu. Với tư thế nằm nghiêng, vị trí đĩa đệm có thể xoay và ảnh hưởng xuống các vùng thấp như vai và tay. Từ đó xuất hiện tình trạng tê tay như anh vừa chia sẻ.

Thứ hai là bệnh lý khớp vai. Vai là vị trí rất phức tạp bởi nó vừa có khớp, vừa có sụn, vừa có hệ thống dây chằng và bao hoạt dịch. Nếu vùng này bị tổn thương sẽ gây tê, đau, mỏi. Đặc biệt, với các tư thế nằm tì đè lên vùng tổn thương sẽ ảnh hưởng đến máu nuôi vùng đó cũng đưa đến triệu chứng như anh nói.

Với trường hợp của anh, khi anh nằm xoay người trở lại hoặc ngồi dậy một lúc thì tay hết tê và trở lại bình thường, thì tôi nghĩ nhiều đến tình trạng mạch máu, hệ thống thần kinh, dây chằng, gân nối và cơ đều bị ảnh hưởng nên đưa đến tình trạng tê một bên người, nhất là tê ở tay.

Như vậy, theo tôi anh cần chú ý đến 2 bệnh lý đó là khớp vai và cột sống cổ. Cả 2 bệnh lý này đều cần được thăm khám ở bệnh viện để chẩn đoán chính xác. Vì thế, anh phải đi khám để nhận diện đúng bệnh và từ đó bác sĩ mới có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho anh.

Bình luận