1. Những nguyên tắc cần tuân thủ để tăng cường sức đề kháng cơ thể
Theo ThS, BS Dương Công Minh (Trưởng Khoa Dinh dưỡng tiết chế của Bệnh viện Nhi đồng TP), gia tăng sức đề kháng của cơ thể (hay gọi là nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể) là một quá trình lâu dài, cần được thực hiện và duy trì liên tục qua nhiều năm tháng. Để giữ cho hệ miễn dịch làm việc tốt, sức đề kháng ổn định và không bị bệnh tật thì bạn cần nhớ những nguyên tắc sau:
- Phân bố giờ ăn: Một ngày bạn cần phải ăn 3 bữa chính. Trong đó bữa ăn sáng là bữa ăn cực kỳ quan trọng, bởi vì ban đêm cơ thể đã tiêu hao năng lượng qua 8 giờ trong khi bạn ngủ, vì thế buổi sáng cơ thể cần được cung cấp năng lượng lại để tái tạo sức lao động và để phục vụ cho cả một ngày làm việc. Như vậy, trong 3 bữa chính thì bữa ăn sáng bắt buộc không được bỏ qua.
Để tăng sức đề kháng bạn cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản (Nguồn: Internet)
- Ăn thêm bữa phụ: Đối với trẻ nhỏ hoặc các trẻ thanh thiếu niên trong độ tuổi đang phát triển, cần có sự tăng trưởng thì bạn nhớ phải cho các bé ăn thêm các bữa phụ vào các khoảng thời gian chẳng hạn như: 9 giờ sáng, 3 giờ chiều hoặc vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Bổ sung nước cho cơ thể: Người lớn và trẻ lớn một ngày cần được cung cấp nước từ 2 - 2.5 lít, không nên uống dưới 1.5 lít nước. Các loại nước có thể sử dụng là nước lọc, sữa... Hạn chế sử dụng các loại nước từ trái cây có nồng độ đường cao, hoặc sử dụng rượu, bia...
- Đảm bảo giấc ngủ đủ: Bạn cần phải đảm bảo có được một giấc ngủ tốt. Nếu giấc ngủ không được đảm bảo sẽ không tái tạo được sức lao động và sức đề kháng của cơ thể cũng sẽ không đạt. Đối với người lớn giấc ngủ trong đêm rất quan trọng, bạn có thể bắt đầu ngủ từ 22 giờ và một đêm nên ngủ từ 7 - 8 tiếng. Đối với trẻ em một ngày nên ngủ khoảng từ 8 - 10 tiếng.
Lưu ý: Ở những đối tượng khác nhau sẽ có những hỗ trợ nguyên tắc dinh dưỡng khác nhau. Ví dụ người già và trẻ nhỏ thì là những đối tượng rất lười uống nước vì thế bạn cần chuẩn bị nước sẵn và nên đo lượng nước hằng ngày. Người lớn tuổi phải uống khoảng từ 2 - 2.5 lít nước mỗi ngày, uống nhiều ngụm nhỏ và uống liên tục. Nước sử dụng tốt nhất là nước ấm.
2. Những lưu ý cần nhớ khi bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng
2.1 Dinh dưỡng từ mì tôm
Nhiều người cho rằng ăn mì tôm dễ bị cao huyết áp, đái tháo đường, thậm chí bị ung thư. Tuy nhiên, theo bác sĩ Dương Công Minh, quan điểm này cần phải nhìn từ 2 chiều bởi nó có những mặt tốt và mặt xấu.
Mì tôm cũng được xem là một loại lương thực nhưng ít dinh dưỡng (Nguồn: Internet)
Mặt tốt là hiện nay các nhãn hiệu mì khi đã được sự chấp thuận của của Tổng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế thì đều được nghiệm về tính an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng mì tôm bạn cần biết ăn như thế nào mới là khoa học.
Theo Ths, BS Dương Công Minh, thành phần chính trong mì tôm là carbohydrate (lúa mì), cho nên mì tôm cũng được xem như lương thực. Nhưng với những người đang có vấn đề về sức khỏe như bệnh lý huyết áp, đái tháo đường thì nên ăn mì tôm một cách có chừng mực để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Ngoài ra, ăn mì tôm sẽ không thể đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể vì thế nếu muốn cần thêm những thành phần khác cho đủ đạm, đường, chất béo thì bạn có thể dùng mì tôm để nấu canh và thêm các thực phẩm khắc như lạc, gừng, sả hay chanh, tiêu, ớt, thịt hoặc xúc xích để có được một món ăn đầy đủ các thành phần dinh dưỡng.
2.2 An toàn vệ sinh thực phẩm
Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc tăng sức đề kháng cơ thể đó là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến và ăn uống, đặc biệt trong mùa dịch bệnh.
Nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tốt nhất là nên ăn những loại thực phẩm quen thuộc và hạn chế việc khám phá các loại thực phẩm mới, bởi nếu chẳng may sử dụng thực phẩm không phù hợp bạn có thể bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm... và tất cả những tình trạng này đều có thể khiến bạn mất nước, giảm sức đề kháng, từ đó làm tăng khả năng nhiễm bệnh.
2.3 Không nên lạm dụng vitamin C
Nhiều người hiện nay nghĩ rằng để bổ sung vitamin C nên ăn nhiều cam, quýt… tuy nhiên, theo ThS, BS Dương Công Minh, cam quýt đều không phải là loại trái cây chứa nhiều vitamin C nhất, loại trái cây bổ sung vitamin C nhiều nhất chính là trái ổi, sau đó là bắp cải xanh, dâu tây, đu đủ, súp lơ, cam, quýt.
Bổ sung vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể (Nguồn: Internet)
Nhiều người nhầm tưởng vị chua trong cam, quýt là vitamin C, thế nhưng trên thực tế vị chua này là axit citric. Axit citric không phải là vitamin C, do đó, nếu bạn ăn quá nhiều cam, quýt, nước ép cam... thì lượng axit citric sẽ có tính axit hóa dạ dày, gây kích ứng khó chịu, tức bụng, ậm ịch khó tiêu.
Cần nhớ rằng, lượng vitamin C trong cơ thể con người thường sẽ dao động từ 90 -100 miligam/ngày và lượng vitamin C được vắt ra từ một trái cam nguyên chất sẽ khoảng 60 - 100ml, đây là lượng vừa đủ cho 1 ngày, vì thế, bạn không cần phải uống quá nhiều nước ép cam, quýt hoặc ăn cam quýt.
Ngoài ra, bạn cũng không nên lạm dụng viên sủi vitamin C vì hàm lượng vitamin C trong viên sủi thường rất cao, khoảng 500 miligam hoặc thậm chí có những viên hàm lượng lên đến 1000 miligam. Do đó, viên sủi C chỉ nên dùng khi bạn đang trong giai đoạn kiệt sức, làm việc nặng nề, đang bị cảm cúm...
Viên sủi C chỉ nên sử dụng khoảng 1 tuần đến 10 ngày rồi ngưng, không nên dùng kéo dài. Việc sử dụng viên sủi kéo dài với hàm lượng vitamin C cao sẽ khiến cơ thể không thể hấp thụ hết và nó sẽ đào thải qua thận gây mất canxi cũng như dễ dẫn đến tình trạng bị sỏi thận.
Như vậy, việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ là một trong những điều quan trọng cần nhớ để tăng sức đề kháng cơ thể giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của bệnh tật, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh hoành hành như hiện nay.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: