1. Tập dưỡng sinh là gì?
PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, dưỡng sinh gồm có 4 nội dung cơ bản là cách sống, thực dưỡng, thái độ tinh thần và tập luyện dưỡng sinh. Trong đó, tập luyện dưỡng sinh được xem là quan trọng nhất, bởi vì nếu có cách sống, ăn uống và thái độ tinh thần tốt nhưng thiếu đi việc tập luyện thì không giúp cơ thể hoạt động khỏe mạnh, máu huyết không được lưu thông tốt, cơ khớp không linh hoạt,…Chính vì vậy, tập luyện có vai trò rất quan trọng trong dưỡng sinh.
Dưỡng sinh giúp duy trì sức khỏe (Nguồn: Internet)
Bác sĩ Bay cũng cho biết, dưỡng sinh đã có từ rất lâu đời. Ở Trung Quốc, dưỡng sinh nổi tiếng với các bài tập khí công, thái cực quyền, luyện võ,…Ở Ấn Độ thì có yoga. Người ta cũng tổng hợp và kết luận rằng dưỡng sinh là một hình thức vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Các phương pháp tập luyện đều nhằm cân bằng các hoạt động của cơ thể, điều tiết năng lượng và duy trì sức khỏe tốt nhất.
Ở Việt Nam, nổi tiếng có Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Khắc Viện, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng,…họ đã biến những kinh nghiệm dưỡng sinh xưa trở thành phong trào để mọi người cùng nhau tập luyện dưỡng sinh cho đến bây giờ.
2. Tập dưỡng sinh như thế nào để mang lại lợi ích cho sức khỏe?
Tập dưỡng sinh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như chữa bệnh, giúp cơ thể thoải mái, giảm căng thẳng,…Tuy nhiên, nếu bạn tập không đúng và không phù hợp với thể trạng sẽ dẫn đến những nguy cơ sức khỏe. Chính vì vậy, để mang lại những lợi ích cho sức khỏe từ việc tập dưỡng sinh thì bạn phải tập một cách khoa học. Tập khoa học tức là tập vừa sức, phù hợp với thể trạng, sức khỏe.
Bác sĩ Bay cho biết, tập dưỡng sinh là một “triết lý” sống khỏe, dưới đây là một số gợi ý về các bài tập dưỡng sinh đơn giản, có thể thực hiện tại nhà mà không cần phải đến phòng tập hay câu lạc bộ nào:
2.1 Luyện khí, luyện thần
Luyện khí, luyện thần là một bài tập tĩnh trong dưỡng sinh. Bạn có thể tập bằng cách ngồi thư giãn, tập trung vào một điểm, dùng hết khí lực để hít sâu và thở ra thật chậm. Bài tập này vô cùng đơn giản và bất cứ ai cũng có thể thực hiện người.
Nếu bạn không thể tập trung vào một điểm thì hãy thư giãn cơ thể bằng những suy nghĩ nhẹ nhàng, vui tươi để nhịp thở trở nên đều đặn.
Ngồi thư giãn cũng là một hình thức dưỡng sinh (Nguồn: Internet)
2.2 Vận động tại chỗ
Nếu không có điều kiện di chuyển và tập luyện ngoài trời thì bạn có thể vận động ngay khi ngồi hoặc nằm.
Buổi sáng thức dậy, đừng vội xuống giường ngay mà hãy xoay trở người, uốn éo thân hình, đánh lưỡi qua lại, nháy mắt, vận động ngón tay, ngón chân. Sau đó bật người dậy, đứng rướn người lên rồi thả người xuống trên gót chân nhiều lần…Cách này sẽ giúp “đánh thức” các giác quan, mọi đốt xương trên cơ thể sau một đêm dài nằm yên.
Hoặc nếu bạn đang ngồi, hãy vặn mình qua trái, qua phải; co chân, duỗi chân; cúi cổ, gập cổ, xoay cổ; …các động tác này giúp các khớp của bạn được vận động ngay cả khi bạn đang ngồi một chỗ.
2.3 Tập cho cột sống
Đối với cột sống, bạn có thể cúi gập người, ngửa người ra sau; vặn cột sống sang phải, vặn cột sống sang trái;…những bài tập này giúp bạn phòng bệnh xương khớp cũng như giảm đau khớp hiệu quả.
Nhìn chung, tập dưỡng sinh là tập chậm – chắc – từ từ - nhanh dần, hãy lựa chọn biên độ tập phù hợp cho mình để nhận được những lợi ích từ hình thức duy trì sức khỏe này.
Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: