Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thai nhi 5 tuần tuổi: Bắt đầu xuất hiện tim thai và nhiều cơ quan khác

(VOH) – Thai nhi 5 tuần tuổi đã bắt đầu phát triển các bộ phận và cơ quan trong cơ thể nhanh chóng. Ở tuần thứ 5, bé bắt đầu hình thành mũi, miệng, tai và rất nhiều phát triển khác cũng đang diễn ra.

1. Sự phát triển của thai nhi 5 tuần tuổi

Thai nhi 5 tuần tuổi đang phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt, kích thước cũng đã có sự tăng trưởng đáng kể, dài khoảng 6mm và trông giống như một con nòng nọc hơn một con người.

Tại thời điểm này, phôi thai đã chứa một khối lượng tế bào khá lớn. Hệ tuần hoàn và hệ thần kinh bắt đầu phân hóa, các cơ quan khác cũng phát triển mạnh. Khi thai ở tuần thứ 4 đã hình thành 3 lớp: ngoại bì, trung bì và nội bì thì ở tuần thai thứ 5 các cơ quan và bộ phận cơ thể bé vẫn sẽ được tiếp tục hình thành và phát triển từ 3 lớp này.

  • Ngoại bì (ectoderm): Hình thành nên hệ thần kinh, màng tai trong, thủy tinh thể, tầng biểu bì, lông, tóc và móng.
  • Trung bì (mesoderm): Hình thành cơ thịt, xương, hệ bài tiết và mô liên kết hệ tuần hoàn.
  • Nội bì: Phân hóa thành hệ tiêu hóa, tuyến thể, tổ chức thượng bì của hô hấp, bàng quang, tiền đình, niệu đạo.

Thai nhi 5 tuần trông giống như một con nòng nọc hơn là một con người (Nguồn: Internet)

Một điểm nổi bật trong sự phát triển thai nhi 5 tuần tuổi là tim và hệ tuần hoàn của bé bắt đầu hình thành ở trung bì (mesoderm). Ở tuần này, các ống thần kinh sẽ tạo thành tủy sống chạy dọc theo phôi thai và tạo nên não bộ, phần phình ra ở trung tâm phôi thai sẽ phát triển thành trái tim của bé. Trái tim của bé cũng bắt đầu phân chia thành các buồng, đập và bơm máu vào tuần thứ 5 thai kỳ.

Lúc này, nhau thai và màng nhau có hình dạng như ngón tay cũng đang bắt đầu phát triển. Dinh dưỡng từ mẹ sẽ đi qua nhau thai và màng nhau để nuôi dưỡng em bé.

1.1 Thai nhi 5 tuần có tim thai chưa ?

Như đã nói, tim thai đã xuất hiện vào tuần thai thứ 5 của thai kỳ với tần suất từ 100 – 160 nhịp/phút, gấp đôi nhịp tim của người lớn và máu bắt đầu lưu thông khắp cơ thể bé. Bác sĩ thường sẽ căn cứ vào hoạt động của tim thai để theo dõi tình trạng sức khỏe của bé.

Một số mẹ bầu khi khám thai ở tuần này có thể sẽ chưa phát hiện tim thai của bé. Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng, có thể đợi thêm khoảng 1 – 2 tuần nữa vì mỗi bé sẽ có những sự phát triển khác nhau. Xét theo trường hợp cụ thể từng bé, bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử trí phù hợp.

2. Những nguyên nhân khiến thai vào tử cung muộn

Cùng với việc xác định nhịp tim thai nhi thì ở tuần này bạn sẽ muốn biết thai đã vào tử cung chưa, tuy nhiên, rất khó để đưa ra kết luận chính xác. Thông thường, sau khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau sẽ làm tổ ổn định trong buồng tử cung người phụ nữ trong khoảng 7 – 10 ngày, nhưng một số người có thể lên đến 13 – 15 ngày.

Nguyên nhân khiến thai vào tử cung muộn có thể do thai nằm ngoài tử cung (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, bác sĩ thường tính tuổi thai dựa vào ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng, cách tính này có thể làm xê dịch khoảng 1 – 2 tuần. Do đó, nhiều mẹ bầu được tính là thai 5 tuần nhưng vẫn chưa vào tử cung.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác khiến thai vào tử cung muộn đó là:

  • Sự bất thường của ống dẫn trứng và vòi trứng.
  • Cơ địa của mẹ.
  • Mang thai ngoài tử cung.

3. Dấu hiệu mang thai 5 tuần

Ở tuần này, các dấu hiệu có thai đã được thể hiện rõ rệt hơn rất nhiều. Bạn hoàn toàn có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu:

  • Cơ thể mệt mỏi.
  • Nhiệt độ cơ thể tăng.
  • Ra máu báo thai.
  • Đi tiểu thường xuyên hơn.
  • Có thể xuất hiện triệu chứng nôn hoặc buồn nôn.

3.1 Mang thai 5 tuần cơ thể mẹ thay đổi ra sao?

Bạn sẽ nhận thấy tính cách mình đang có sự thay đổi, bạn có thể ủ rủ cả ngày và hôm sau lại vui vẻ như chưa từng xảy ra điều gì. Đó là sự thay đổi tâm trạng bất thường trong thai kỳ. Tất cả các cảm xúc như phấn chấn, chán nản, giận dữ, vui vẻ, bất an... bạn đều có thể gặp phải.

Bên cạnh đó, hầu như sự phát triển của thai nhi trong tuần thứ 5 đều tập trung vào não với khoảng 100 tế bào được hình thành mỗi phút. Chính vì thế, bạn sẽ thường có cảm giác đói bụng và cồn cào vì cơ thể bạn đang cần nhiều nguồn năng lượng hơn để cung cấp cho sự phát triển của bé.

4. Những điều lưu ý khi thai nhi 5 tuần tuổi

Khi mang thai ở tuần thứ 5, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Lên lịch khám thai lần đầu tiên nếu bạn chưa làm việc này. Để chuẩn bị cho lần đầu khám thai bạn cần ghi lại ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng để bác sĩ có thể xác định ngày dự sinh của bạn.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng.
  • Đảm bảo nơi sinh sống và môi trường làm việc an toàn.
  • Thư giãn cơ thể bằng những hoạt động nhẹ nhàng.
  • Tránh tiếp xúc với mèo để hạn chế lây bệnh toxoplasmosis.
  • Bỏ hút thuốc lá. Ngừng uống rượu.

Thực hiện khám thai lần đầu nếu bạn chưa làm điều này (Nguồn: Internet)

4.1 Có thai 5 tuần nên kiêng gì ?

Ngay cả khi không có cảm giác buồn nôn, bạn cũng cần phải tránh xa một số thực phẩm có thể gây hại trong suốt thai kỳ, đó là:

  • Phô mai mềm, không tiệt trùng, sữa chưa tiệt trùng, nước trái cây và rượu táo;
  • Trứng sống hoặc thực phẩm có chứa trứng sống;
  • Các loại thịt chế biến như: xúc xích, thịt nguội (nếu muốn ăn, hãy nấu chín);
  • Cá có thể chứa hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm, cá ngói, cá kình...

4.2 Thai nhi 5 tuần tuổi nên ăn gì ?

Mang thai 5 tuần bạn cần tích cực bổ sung:

  • Axit folic để hạn chế tối đa khả năng dị tật bẩm sinh, khuyết tật ống thần kinh hoặc bệnh tim bẩm sinh cho thai nhi.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin, sắt và canxi thông qua ăn uống đủ chất và dùng vitamin tổng hợp.

Như vậy, đối với thai nhi 5 tuần tuổi mẹ bầu đã có thể cảm nhận rõ ràng sự hiện diện của con. Đây cũng là giai đoạn bé cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển khỏe mạnh, chính vì vậy bạn cần hết sức lưu ý việc bổ sung dưỡng chất và nghỉ ngơi nhiều hơn nhé!

Bình luận