Những điều cần biết về thuốc Aspirin

(VOH) - Aspirin là loại thuốc được sử dụng thường xuyên do có tác dụng giảm đau, hạ sốt... Tuy nhiên, nếu sử dụng bừa bãi loại thuốc này có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhất là phụ nữ mang thai.

1. Aspirin và những tác dụng của Aspirin

Aspirin có tên quốc tế là acid acetylsalicylic. Đây là một loại thuốc được dùng để giúp giảm đau, hạ sốt, chống viêm, ức chế kết tập tiểu cầu.

Aspirin thường được bào chế thành các dạng thuốc và hàm lượng như sau:

  • Dạng viên nén 325mg, 500mg, 650mg.
  • Dạng viên nén nhai được 75mg, 81mg.
  • Dạng viên nén giải phóng chậm (viên bao tan trong ruột) 81mg, 162mg, 165mg, 365mg, 500mg, 650mg, 975mg.
  • Dạng viên nén bao phim 325mg, 500mg.

1.1 Tác dụng của aspirin

Thuốc aspirin thường được sử dụng chủ yếu để giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Cụ thể với các trường hợp như:

  • Người bị các chứng đau nhẹ và vừa, đau nửa đầu cấp.
  • Người bị các chứng viêm xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm thoái hóa xương khớp, viêm đốt sống dạng thấp...
  • Bệnh nhân bị rối loạn huyết động như bệnh mạch vành, bệnh lý về van tim, bệnh giãn tĩnh mạch ngoại vi...
  • Hỗ trợ điều trị hội chứng Kawasaki.
  • Dùng để hạ sốt.

nhung-dieu-can-biet-ve-thuoc-aspirin-voh

Tác dụng chính của aspirin là giúp giảm đau, chống viêm (Nguồn: Internet)

Bản chất chính của aspirin là giảm đau, chống viêm. Tuy nhiên, thuốc lại có nhiều tác dụng trên hệ tiêu hóa nên hiện nay loại thuốc này đang dần được thay thế bởi thuốc paracetamol do có ưu điểm dung nạp tốt hơn.

1.2 Chống chỉ định và tác dụng phụ của aspirin

Thuốc aspirin chống chỉ định với các trường hợp:

  • Người bị mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
  • Người bệnh suy gan, thận, suy tim vừa và nặng.
  • Người bệnh giảm tiểu cầu, xuất huyết đường tiêu hóa hoặc các tình trạng xuất huyết khác.
  • Trẻ dưới 12 tuổi, trừ khi bị bệnh viêm khớp thiếu niên (bệnh Still) hoặc hội chứng kawasaki.

Vì vậy, cần thận trọng khi dùng thuốc điều trị đồng thời với các loại thuốc chống đông máu hoặc khi có nguy cơ chảy máu khác. Không nên kết hợp với các thuốc kháng viêm không steroid và thuốc glucocorticoid.

Ngoài ra, khi dùng thuốc aspirin khi điều trị cho người bị suy tim nhẹ, bệnh thận hoặc bệnh gan nếu có kết hợp với thuốc lợi tiểu cần quan tâm xem xét cẩn thận nguy cơ giữa nước và nguy cơ giảm chức năng thận.

Với trẻ em, khi dùng aspirin để điều trị đã xảy ra một số trường hợp bị hội chứng Reye, vì vậy các nhà khoa học khuyến cáo nên hạn chế chỉ định sử dụng thuốc này đối với trẻ em. Người cao tuổi có thể bị nhiễm độc bởi aspirin do chức năng thận suy giảm, vì thế trong trường hợp nếu phải dùng thì chỉ nên sử dụng liều thấp hơn so với liều dùng thông thường.

Những trường hợp cần thận trọng

  • Hen, các bệnh dị ứng
  • Suy thận hoặc gan
  • Để tránh nguy cơ chảy máu không dùng aspirin trong vòng 7 ngày khi phải phẫu thuật
  • Thiếu hụt G6PD
  • Tình trạng mất nước
  • Người cao tuổi
  • Phụ nữ mang thai

1.3 Liều lượng và cách dùng aspirin

Cách dùng: Uống thuốc trong bữa ăn hoặc với sữa, hoặc một cốc nước đầy để giảm tối đa kích ứng dạ dày. Không nhai các viên nén giải phóng chậm hoặc viên nén bao phim.

nhung-dieu-can-biet-ve-thuoc-aspirin-1-voh

Sử dụng thuốc aspirin cần phải đúng liều lượng và thời gian (Nguồn: Internet)

Liều dùng

  • Đau nhẹ tới vừa, sốt, người lớn: Uống 300 - 900mg cách nhau 4 - 6 giờ nếu cần; tối đa 4g/ngày.
  • Viên đạn trực tràng, người lớn: 600 - 900mg cách nhau 4 - 6 giờ nếu cần; tối đa 3.6g/ngày.
  • Viêm khớp và các bệnh thấp khớp: Người lớn, uống 300 - 500mg/ngày chia làm 3 - 4 lần.
  • Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp thiếu niên (bệnh Still): Trẻ em uống 60 - 110mg/kg/ngày chia làm nhiều liều nhỏ. Các thuốc chống viêm không steroid khác có thể dùng thay thế.
  • Thấp khớp cấp (thấp tim) chưa có tim to: Trẻ em uống 100 mg/kg/ngày chia làm nhiều lần, uống trong 2 tuần đầu, sau đó 75mg/kg/ngày chia làm nhiều lần, trong 4 - 6 tuần. Các thuốc chống viêm không steroid khác có thể dùng thay thế, nhưng kinh nghiệm chưa nhiều.
  • Bệnh Kawasaki: Trẻ em uống 80 - 120mg/kg/ngày chia làm 4 lần trong 14 ngày hoặc cho tới khi hết viêm.
  • Người cao tuổi rất dễ bị chảy máu đường tiêu hoá và suy thận cấp: Dùng liều thấp nhất.

Tác dụng không mong muốn: Thường nhẹ và ít xảy ra khi dùng liều 60mg. Dùng liều cao có thể gây cảm giác khó chịu ở dạ dày - ruột, buồn nôn, loét kèm theo chảy máu ẩn, xuất huyết dạ dày, chảy máu dưới dưới kết mạc, rối loạn thính lực như ù tai (hiếm có điếc), chóng mặt lú lẫn, phản ứng mẫn cảm (phù mạch, co thắt phế quản, phát ban)...

2. Sử dụng aspirin cho phụ nữ mang thai liệu có an toàn?

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai không nên sử dụng aspirin trừ khi được bác sĩ kê toa. Mặc dù hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy dùng aspirin liều thấp (75 – 300mg) có thể gây ra các vấn đề cho mẹ và bé, nhưng tốt nhất mẹ bầu chỉ nên dùng khi được sự cho phép từ bác sĩ.

nhung-dieu-can-biet-ve-thuoc-aspirin-2-voh

Phụ nữ mang thai uống aspirin cần phải được sự cho phép từ bác sĩ (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, aspirin không an toàn trong tam cá nguyệt thứ 3. Uống aspirin sau tuần thứ 30 của thai kỳ có thể gây đóng ống động mạch sớm (một mạch máu quan trọng ở thai nhi), làm chậm quá trình chuyển dạ và sinh nở.

Ngoài ra, nếu dùng aspirin liều cao vào giai đoạn đầu thai kỳ thuốc có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

2.1 Những trường hợp nào thai phụ có thể dùng aspirin?

Điều này sẽ do bác sĩ chỉ định, mặc dù việc sử dụng aspirin với bà bầu có thể gây ra một số rủi ro, nhưng bác sĩ vẫn có thể cho bạn dùng aspirin liều thấp nếu bạn bị:

  • Tăng huyết áp khi mang thai để tránh biến chứng trong quá trình sinh nở.
  • Hội chứng Hughes (hội chứng kháng phospholipid) – một hội chứng rối loạn miễn dịch tạo ra cục máu đông.
  • Tiền sản giật khi mang thai.
  • Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ hoặc rối loạn thận.

Trên đây là những chia sẻ về thuốc aspirin, hi vọng những thông tin trên đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích và cần thiết. Cần nhớ rằng, aspirin cũng giống như corticoid đều là con dao 2 lưỡi, vì thế chỉ sử dụng aspirin khi thật cần thiết và có chỉ định từ bác sĩ.