Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Thuốc trị mỡ máu uống bao lâu thì ngưng?

(VOH) - Mỡ máu cao là một bệnh mãn tính, đòi hỏi người bệnh phải điều trị lâu dài. Vậy người bệnh mỡ máu cao cần uống thuốc trong thời gian bao lâu thì ngưng?

Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Tôi bị mỡ máu cao, uống thuốc đã 2 đợt. Sau 3 tháng tôi đi xét nghiệm lại thì mỡ máu vẫn cao, bên cạnh đó tôi còn bị tắc nghẽn phổi mãn tính. Tôi muốn hỏi bác sĩ, bệnh của tôi có phải uống thuốc lipistad suốt đời không? nhờ bác sĩ giải đáp.

PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Chào chị!

Mỡ máu cao thực tế là một vấn nạn. Chúng ta biết rằng, khi bị mỡ xấu (thường là LDL hoặc Triglyceride) thường được chỉ định dùng Lipistad để kiểm soát. Chị đã dùng loại thuốc này nhưng sau 3 tháng chị đi xét nghiệm lại thì tình trạng mỡ máu vẫn cao. Thực tế, vẫn có nhiều trường hợp giống chị, đã dùng thuốc một thời gian nhưng mỡ máu vẫn cao. Do đó, khi dùng thuốc chữa mỡ trong máu thì chị không nên kỳ vọng quá nhiều vào thuốc, bên cạnh đó chị cần phối hợp với chế độ ăn uống và tập luyện để hỗ trợ quá trình chuyển hóa tốt hơn.

thuoc-tri-mo-mau-uong-bao-lau-thi-ngung-voh

Chữa mỡ máu cao bao lâu thì khỏi? (Nguồn: Internet)

Về chế độ ăn uống, chị nên ăn dầu nhưng chỉ nên ăn dầu từ thực vật (nên dùng dầu loãng, không nên dùng dầu ăn cô đặc rồi pha loãng). Chị cũng cần giảm tinh bột, vì khi ăn nhiều tinh bột thì nó sẽ chuyển hóa nghịch, đường bột sẽ chuyển hóa thành triglyceride (gây ra tình trạng mỡ trong máu). Bên cạnh đó, chị cần phải vận động đúng cách mỗi ngày.

Nếu chị đã dùng lipistad 2 đợt mà vẫn không cải thiện mỡ trong máu thì có thể do cơ thể không đáp ứng với loại thuốc này. Vì thế, chị không phải sử dụng thuốc lipistad suốt đời. Chị chỉ sử dụng ở từng đợt nhất định, mỗi đợt sử dụng khoảng 8 tuần, sau đó đi khám, nếu không hiệu quả thì sử dụng thêm một đợt nữa. Nếu vẫn không thấy cải thiện thì chị nên đi khám và xét nghiệm lại, nhờ bác sĩ chẩn đoán loại mỡ trong máu mà chị đang gặp phải để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, chị còn bị tắc nghẽn phổi mãn tính, mắc song song 2 bệnh mãn tính cùng một lúc thì chị rất cần chú ý đến chế độ ăn uống cũng như tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày.

Bạn có thể nghe lại lời giải đáp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

 
Bình luận