Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tìm hiểu bệnh hẹp môn vị ở trẻ em

(VOH) – Hẹp môn vị là một bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, có thể gây cản trở thức ăn từ dạ dày xuống ruột non. Bệnh thường gặp ở nhiều đối tượng nhưng xuất hiện chủ yếu ở trẻ em.

Môn vị nằm ở cuối dạ dày chỗ tiếp nối với hành tá tràng. Môn vị là một bộ phận giống như một van cơ bắp giữ thức ăn trong dạ dày cho đến khi thức ăn sẵn sàng để được chuyển xuống ruột non và tiếp tục quá trình tiêu hóa.

Hẹp môn vị là gì?

Hẹp môn vị (hay còn gọi là tắc nghẽn môn vị) là tình trạng thức ăn từ dạ dày không xuống được ruột non hoặc xuống rất hạn chế. Khi bị tắc nghẽn môn vị, các cơ của môn vị bị phù lớn và dày lên làm tắc đường dẫn, khiến thức ăn cả dạng lỏng lẫn đặc đều không thể từ dạ dày xuống ruột non được.

Tình trạng này có thể dẫn đến dạ dày bị giãn to, dịch và thức ăn ứ đọng ở dạ dày sau 6 giờ vẫn chưa được lưu thông hết.

Bệnh nhân hẹp môn vị phần lớn là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Trẻ trên 6 tháng tuổi hiếm khi mắc bệnh. Đôi khi hẹp môn vị cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành.

Nguyên nhân nào gây hẹp môn vị?

Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây hẹp môn vị ở trẻ em vẫn chưa được xác định, tuy nhiên lại có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ hẹp môn vị, chẳng hạn như:

  • Di truyền: Nếu người mẹ từng bị hẹp môn vị thì bé trai có đến 20% và bé gái là khoảng 10% nguy cơ gặp phải tình trạng này.
  • Giới tính: Hẹp môn vị có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở bé trai.
  • Chủng tộc: Bệnh hẹp môn vị phổ biến hơn ở người da trắng có nguồn gốc Bắc Âu. Ít gặp ở người Mỹ gốc Phi hay người Châu Á.
  • Sinh non: Hẹp môn vị thường gặp ở những trẻ sinh non hơn những bé sinh đủ tháng.
  • Hút thuốc khi mang thai: Thành phần độc hại trong khói thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề ở trẻ nhỏ, trong đó có hẹp môn vị.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Nếu trẻ sơ sinh dùng kháng sinh sớm, trẻ có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn. Không những thế, trẻ cũng có thể mắc phải bệnh lý này nếu người mẹ sử dụng thuốc kháng sinh trong giai đoạn cuối thai kỳ.

Ngoài ra, nếu hẹp môn vị xuất hiện ở người trưởng thành thì nguyên nhân có thể do: viêm, loét dạ dày – tá tràng, loét bờ cong nhỏ dạ dày. Các cơ quan này gần môn vị, do đó khi tổ chức của tá tràng bị xơ hóa, môn vị có thể bị tổn thương và thu hẹp.

Những triệu chứng nhận biết bệnh hẹp môn vị

tim-hieu-benh-hep-mon-vi-o-tre-em-voh

Nôn sau khi bú là dấu hiệu thường gặp nhất khi trẻ bị hẹp môn vị (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu hẹp môn vị ở trẻ thường xuất hiện trong vòng 3 – 5 tuần sau khi sinh. Các dấu hiệu thường gặp là:

  • Nôn sau khi bú: Vì thành môn vị dày lên nên sữa không thể di chuyển xuống ruột non. Tình trạng này sẽ dẫn đến ứ đọng sữa tại dạ dày khiến trẻ bị nôn mửa sau khi bú. Nôn mửa thường nhẹ khi mới xuất hiện nhưng sẽ ngày càng nghiêm trọng khi thành môn vị dày hơn.  Khi nôn, sữa thường có mùi khó chịu do có lẫn axit dạ dày, trường hợp nặng dịch nôn có thể chứa máu.
  • Cơn đói dai dẳng: Trẻ bị hẹp môn vị thường rất nhanh đói, chính vì thế bé thường muốn bú sữa mẹ ngay sau khi nôn.
  • Co thắt dạ dày: Mẹ có thể nhận thấy các cơn co thắt giống như sóng (nhu động) gợn trên bụng trên của bé ngay sau khi bú nhưng trước khi nôn. Điều này được tạo ra bởi cơ bụng bé đang cố gắng ép thức ăn qua môn vị.
  • Phân có dấu hiệu bất thường: Phân trẻ bị hẹp môn vị có thể sẽ ít hơn bình thường do thức ăn không được chuyển xuống tá tràng. Ngoài ra, sự thay đổi bất thường ở môn vị sẽ khiến cho hoạt động của hệ tiêu hóa mất cân bằng, khiến trẻ có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Đau bụng: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của hẹp môn vị. Lượng thức ăn khi không được tiêu hóa sẽ gây khó chịu trong dạ dày và tạo ra những cơn đau. Trẻ thường có xu hướng quấy khóc khi cơn đau xuất hiện.
  • Không tăng hoặc bị giảm cân: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có xu hướng tăng cân rất nhanh. Tuy nhiên, trẻ bị hẹp môn vị lại không tăng cân hoặc bị giảm cân nhanh chóng.

Đối với người trưởng thành, hẹp môn vị chỉ gây nôn mửa nhẹ, đau bụng âm ỉ, cảm thấy bị đau bụng hoặc đầy hơi sau khi ăn.

Hẹp môn vị có nguy hiểm không?

Trẻ bị hẹp môn vị nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gặp phải các biến chứng:

  • Mất nước: Nôn thường xuyên có thể gây mất nước và mất cân bằng điện giải trong cơ thể.
  • Kích ứng dạ dày: Nôn nhiều có thể gây kích ứng dạ dày của bé và có thể gây chảy máu nhẹ (xuất huyết dạ dày).
  • Vàng da: Tình trạng này tương đối hiếm, nhưng đôi khi một chất bilirubin do gan tiết ra có thể tích tụ, gây ra sự đổi màu vàng của da và mắt.

Cách chữa bệnh hẹp môn vị ở trẻ em

Thông thường, việc chẩn đoán hẹp môn vị thường dựa trên bệnh sử của trẻ và kiểm tra lâm sàng. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát bụng để xem có chỗ nào u lên bất thường không.

tim-hieu-benh-hep-mon-vi-o-tre-em-1-voh

Việc chẩn đoán hẹp han vị ở trẻ thường dựa trên khám lâm sàng và bệnh sử của trẻ (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, bác sĩ sẽ thực hiện thêm chụp X-quang nuốt bari hoặc siêu âm để bác sĩ thấy rõ môn vị cũng như thuận tiện trong phẫu thuật điều trị. Một số trường hợp sẽ tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra dấu hiệu của việc mất chất điện giải do nôn mửa liên tục và mất nước.

Phương pháp điều trị hẹp môn vị hiện nay là phẫu thuật. Có 2 phương pháp phẫu thuật phổ biến là: mổ hở và nội soi. Trong quá trình phẫu thuật, phần cơ bị phù và dày sẽ được cắt bỏ. Bé có thể ăn/bú sữa mẹ trong khoảng từ 6 – 8 tiếng sau phẫu thuật. Bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc an thần nhẹ để giảm đau.

Trường hợp người trưởng thành bị hẹp môn vị cũng cần phải được phẫu thuật hoặc điều trị các nguyên nhân gây hẹp môn vị.

Đôi khi môn vị có thể được nới ra mà không cần phẫu thuật bằng cách đặt bong bóng nội soi làm nở môn vị. Trong thủ thuật này, bác sĩ đặt một ống dẫn có bong bóng ở đầu vào dạ dày thông qua đường miệng. Bong bóng sau đó được bơm lên và kéo dãn môn vị để môn vị mở ra.

Sau khi phẫu thuật, mẹ cần lưu ý một số điều sau đây trong quá trình chăm sóc trẻ:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Mẹ có thể đặt túi ấm trên vùng mổ để trẻ cảm thấy đỡ đau và khó chịu.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Khi nhận thấy cơ thể bé có những bất thường, nhất là sau khi mổ như: trẻ bị chảy máu, viêm vùng mổ hoặc bị sốt liên tục... hãy liên hệ bác sĩ ngay.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang vinmec.com
  2. Trang hellobacsi.com
  3. Trang dieutri.vn
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh và những điều cần biết : Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể gặp ở những trẻ sinh non lẫn những trẻ đủ tháng. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Trẻ sơ sinh chậm tăng cân - nguyên nhân thường gặp nhất là gì? :  Trẻ sơ sinh chậm tăng cân luôn là nỗi lo lắng của nhiều ông bố bà mẹ. Vậy chuyện gì đã xảy ra khiến bé bị chậm tăng cân và liệu có cách nào giúp trẻ lên cân đúng chuẩn?
Bình luận