Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước và ngộ độc nước uống ở trẻ?

(VOH) - Chăm sóc trẻ sơ sinh là việc làm không hề đơn giản, trong đó vấn đề "có nên cho trẻ sơ sinh uống nước hay không" đang trở thành đề tài tranh luận của nhiều mẹ hiện nay.

Những câu chuyện về cách chăm sóc trẻ sơ sinh luôn thu hút sự quan tâm của các bà mẹ. Cùng với việc tìm hiểu về những bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ thì ở một khía cạnh khác cũng đang khiến cho nhiều mẹ băn khoăn chính là việc trẻ sơ sinh uống nước được không?

1. Ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi là gì?

Ngộ độc nước uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi là tình trạng trẻ dưới 1 tuổi, khi bị cho uống nước lọc quá nhiều trong thời thời gian ngắn, khiến cơ thể bị “nhiễm độc nước” gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Có khá nhiều nguyên nhân có thể gây ra ngộ độc nước ở trẻ, tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất chính là sự chưa trưởng thành của thận trẻ. Thông thường, trẻ trên 1 tuổi khi uống nước, lượng nước dư sẽ được thải ra khỏi cơ thể bằng cách tè ra nước lọc.

tre-so-sinh-uong-nuoc-va-ngo-doc-nuoc-uong-o-tre-nhu-nhi-voh
Ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe và tính mạng bé (Nguồn: Internet)

Nhưng với trẻ dưới 1 tuổi, thận vẫn chưa trưởng thành nên khi trẻ uống nhiều nước lọc, trẻ không chỉ tè ra nước lọc mà còn có cả một số chất điện giải quan trọng, trong đó quan trọng nhất là kali.

Mặc dù, trong sữa mẹ hay sữa công thức vẫn có chứa kali nhưng chỉ với hàm lượng căn bản đủ để cung cấp cho cơ thể. Vì vậy, khi lượng natri thải ra nhiều hơn lượng natri nạp vào sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng natri, gây tổn thương cho các tế bào, phù não, viêm màng não, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Biểu hiện thường gặp nhất của hiện tượng hạ natri máu do ngộ độc nước là:

  • Trẻ bị lừ đừ
  • Trẻ quấy khóc
  • Trẻ bị phù nề
  • Ngủ liên miên
  • Bị hạ thân nhiệt và co giật.

2. Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước không?

Các bác sĩ Nhi khoa cho biết, không nên cho trẻ sơ sinh uống nước dù là nước lọc hay bất kỳ loại nước nào. Ở giai đoạn này, sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Trong sữa mẹ có khoảng 80% là nước, đủ để cung các chất lỏng mà em bé cần. Vì thế, trẻ không cần phải uống thêm nước ngay cả khi trời nóng và khô. Việc cho bé uống thêm nước có thể sẽ gây ảnh hưởng cho sức khỏe của bé.

Nếu, bé của mẹ đang được cho uống sữa công thức, thì thỉnh thoảng mẹ có thể cho bé uống thêm một ít nước. Sữa công thức thường chứa nhiều muối hơn sữa mẹ, việc cho bé uống thêm 1 ít nước sẽ giúp việc bài tiết trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc này mẹ không nên thực hiện một cách thường xuyên bởi làm thiếu hụt natri trong máu.

Xem thêmNgũ cốc và sự quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ

3. Vì sao không cho trẻ sơ sinh uống nước?

Cho trẻ uống nước sớm có thể khiến trẻ gặp phải nhiều vấn đề, các vấn đề thường gặp nhất là:

3.1 Trẻ bị ngộ độc nước

Khi bị ngộ độc nước, trẻ có thể gặp phải một số vấn đề như sốt co giật, tổn thương não, hôn mê, hoặc thậm chí tử vong.

3.2 Uống nhiều nước khiến trẻ còi cọc, chậm tăng cân

Trong sữa mẹ có khoảng 80% là nước, đủ để cung các chất lỏng mà em bé cần. Vì thế, trẻ không cần phải uống thêm nước ngay cả khi trời nóng và khô.

tre-so-sinh-uong-nuoc-va-ngo-doc-nuoc-uong-o-tre-nhu-nhi-1-voh
Cho trẻ uống nước sớm sẽ khiến bé bị đầy bụng, bỏ bú (Nguồn: Internet)

Nếu cho trẻ trong giai đoạn này uống nước sẽ làm cản trở khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và sữa bột. Bên cạnh đó, việc uống thêm nước cũng sẽ khiến bé dễ bị đầy bụng và không thèm sữa, từ đó lượng hấp thu sữa cũng sẽ bị giảm.

3.3 Dễ mắc bệnh

Cho trẻ sơ sinh uống nước có thể dẫn đến tăng nồng độ bilirubin gây bệnh vàng da ở trẻ. Ngoài ra, nước còn có thể là mầm gây bệnh cho trẻ nếu nguồn nước không an toàn, sạch sẽ. Nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn do hệ miễn dịch trẻ còn yếu.

3.4 Ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống nước không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe người mẹ. Cụ thể, việc bé lười bú khi được uống nước sẽ khiến sữa mẹ không còn được sản xuất đều đặn như trước.

4. Trẻ có thể uống nước khi nào?

Không chỉ riêng với trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi), những trẻ dưới 6 tháng tuổi nếu muốn uống nước cũng phải có chỉ định từ bác sĩ. Một số mốc thời gian và lượng nước mà bé có thể tiêu thụ được mà mẹ cần nắm rõ là:

4.1 Trẻ dưới 6 tháng tuổi

Tương tự như trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng không được phép uống nhiều nước. Bởi trẻ trong giai đoạn này thường sẽ được bú mẹ hoàn toàn và không cần phải uống nước thêm.

Việc cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước sẽ sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như giảm cảm giác thèm ăn, giảm bú mẹ, dẫn đến việc sản xuất sữa của mẹ cũng bị giảm. Đồng thời, trẻ cũng có thể sẽ không được cung cấp đủ nhu cầu năng lượng vì giảm bú.

Đặc biệt, cho trẻ uống nhiều nước có khả năng gây ra tình trạng nhiễm độc nước uống ở trẻ em.

Nếu trẻ muốn uống nước, mẹ có thể cho trẻ uống nước với lượng tối đa là 60ml nước/ngày và việc này chỉ được áp dụng cho những trẻ trên 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, lời khuyên tốt của các bác sĩ là mẹ nhất vẫn nên cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức khi trẻ khát.

tre-so-sinh-uong-nuoc-va-ngo-doc-nuoc-uong-o-tre-nhu-nhi-2-voh
Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ nên bú sữa mẹ là đủ (Nguồn: Internet)

4.2 Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi

Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước. Lúc này, sau mỗi bữa ăn mẹ có thể cho bé uống một lần khoảng 60ml nước để không làm ảnh hưởng đến vấn đề ăn và bú của bé.

Tổng lượng nước trẻ uống được trong giai đoạn này sẽ dao động trong khoảng 120 – 240ml/ngày, tùy vào nhu cầu của trẻ.

Ngoài ra, một lưu ý nhỏ dành cho mẹ trong giai đoạn này là có thể tập cho trẻ uống nước bằng ly và để bé tự uống theo nhu cầu của mình (dưới 240ml/ngày là được).

4.3. Trẻ bị bệnh

Việc cho trẻ đang bị bệnh uống nước để giảm nguy cơ mất nước là không hợp lý. Trong nước uống bình thường vốn không có bất kỳ chất điện giải nào mà trẻ cần trong giai đoạn trẻ đang bị bệnh. Thậm chí, nếu cho trẻ uống quá nhiều nước lọc còn có thể gây mất điện giải nhiều hơn.

Do đó, khi trẻ bị bệnh, thay vì cho bé uống nước, mẹ nên bù nước cho bé bằng cách cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu muốn bù nước điện giải, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Xem thêm: Khi nào cho bé uống nước ép trái cây?

5. Cách phòng ngừa ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi

Mặc dù tình trạng ngộ độc nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi là hiếm, nhưng việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa là không hề thừa thãi. Dưới đây là một số nguyên tắc giúp tránh được sự cố ngộ độc nước xảy ra:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần phải uống nước lọc hay bất kỳ loại nước nào khác như nước cam, nước dừa,...
  • Pha sữa bột với tỷ lệ nước đúng trên bao bì, không pha loãng hơn.
  • Không cho phép trẻ chơi với cốc trong bồn tắm hoặc hồ bơi, cho đến khi bé có thể hiểu rằng không được uống nước từ các nơi đó.
  • Có thể cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm uống nước dựa trên nhu cầu của con.

Hiện nay vẫn chưa có một hướng dẫn nào cụ thể để giúp cha mẹ biết nên cho trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi uống nước bao nhiêu đủ. Vì thế, để bảo bảo an toàn cho con, mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước, với các bé trên 6 tháng tuổi hãy căn cứ vào nhu cầu thực tế của con để bổ sung nước kịp thời cho bé.

Bình luận