Mục lục
1. Bé mấy tháng thì uống được nước ép trái cây?
Theo tiến sĩ, bác sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM), trẻ dưới 6 tháng tuổi, thức uống duy nhất của bé chính là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Cha mẹ không nên cho bé uống thêm nước lọc hay bất kỳ loại nước trái cây nào khác.
Với trẻ trên 6 tháng tuổi, lượng sữa bé uống mỗi ngày khoảng 800ml – 900ml sữa. Trong sữa có các chất đường, đạm, béo, vitamin, chất khoáng. Bé cần được đảm bảo lượng dinh dưỡng này ngay cả khi bé bước sang giai đoạn tập ăn dặm.
Các loại nước ép trái cây hoặc nước ép rau quả cũng có thể được đưa vào bữa ăn phụ của bé sau 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong nước ép trái cây chủ yếu là nước, đường hòa tan trong nước và một số chất chức năng không cần thiết. Do đó, bé uống nước ép trái cây có thể không có lợi, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến nhu cầu hấp thu sữa của bé.
Cách tốt nhất để tiếp thu các chất dinh dưỡng trong trái cây là ăn trái cây tươi.
Trong trái cây tự nhiên có nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như: nước, đường Fructose, các loại vitamin nhóm B như B1, B3, B5, chất xơ, các thành phần (nằm ở lớp vỏ, tép). Còn khi vắt ra, ví dụ trong một ly nước cam có rất nhiều nước, đường hòa tan trong nước, một ít vitamin C. Còn các vitamin nhóm B, chất khoáng, chất xơ… nằm lại nơi vỏ tép cam.
Nếu mẹ muốn cho trẻ uống nước ép trái cây thì có thể pha loãng chúng với tỷ lệ 1:10 (1 phần nước trái cây, 10 phần nước lọc) và cho bé uống riêng. Không cho bé uống hơn 120ml nước trái cây 1 ngày đối với trẻ từ 8 – 12 tháng tuổi.
2. Những lưu ý khi cho trẻ ăn/ uống nước ép trái cây
Trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước ép trái cây hay ăn trái cây là không cần thiết. Trẻ từ 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho trẻ ăn trái cây bằng cách nạo ra hoặc xay nhuyễn (sinh tố). Với các loại nước ép trái cây chỉ nên cho trẻ dùng khi bé được 8 tháng tuổi.
Thời điểm tốt nhất cho trẻ ăn trái cây là buổi buổi xế chiều, sau khi bé thức dậy hoặc ở khoảng thời gian giữa 2 bữa chính (trước bữa chính 1 tiếng và sau khi ăn khoảng 2 tiếng).
Không cho trẻ ăn hoặc uống nước ép trái cây trước khi đi ngủ, Không dùng nước ép có nhiều đường.
Cho trẻ uống hoặc ăn trái cây ngay sau khi chế biến để đảm bảo việc hấp thu đầy đủ dưỡng chất. Nếu đã chế biến hơn 30 phút, mẹ nên bỏ và làm lại món mới cho con.
Xem thêm: Top 8 thực phẩm cho bé ăn dặm giai đoạn đầu ngon, bổ dưỡng
3. Gợi ý một số loại nước ép trái cây cho bé
Khi trẻ được 8 tháng tuổi mẹ có thể tự làm các loại nước ép trái cây cho bé. Không nên mua nước ép ở ngoài vì có thể sẽ không đảm bảo vệ sinh. Một số loại nước ép trái cây dễ làm mà mẹ có thể tham khảo là:
3.1 Nước ép táo
Chuẩn bị ½ quả táo, gọt vỏ, xắt miếng, ép lấy nước hoặc hấp chín táo rồi vắt lấy nước cho bé uống.
Táo loại trái cây thường được dùng cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm vì chứa nhiều vitamin C, kali, carbohydrate và chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ.
3.2 Nước ép lê
Cách làm tương tượng như nước ép táo.
Trong lê có chứa một lượng nhỏ vitamin C và khoáng chất kali, đồng và giàu chất xơ, giúp dạ dày được làm sạch hiệu quả. Có tác dụng tốt trong việc nhuận tràng, tiêu đờm, giảm ho, giải độc.
3.3 Nước ép cà chua
Để làm nước ép cà chua, mẹ dùng 2 quả cà chua cỡ vừa rửa sạch, lột vỏ, bỏ hạt, dùng thìa mài nhuyễn, lọc qua rây để bỏ hạt, lấy nước cà chua cho bé uống.
3.4 Nước ép cà rốt
Cà rốt sau khi ép lấy nước, pha với tỷ lệ 1: 10 (1 phần cà rốt, 10 phần nước lọc) cho bé uống.
Cà rốt chứa một lượng vitamin A dồi, cùng nhiều dưỡng chất đa dạng như sắt, phốt pho, natri, vitamin C, B2, B6...
Nhìn chung, trái cây là một nguồn giúp cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích mẹ nên cho trẻ ăn trái cây ngay từ 6 tháng tuổi, nhưng ở dạng nạo hoặc xay sinh tố. Việc ép lấy nước thì nên hạn chế, vì thực tế, dạng chế biến này không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho bé.
Xem thêm