Đó là một số thông tin được bác sĩ CKII Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) cho biết tại hội thảo Giải pháp mới trong chẩn đoán và điều trị béo phì vào ngày 2/3.
Theo Bác sĩ Chiến, tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh tại Việt Nam, cùng với tình hình chung của nhiều nước trên thế giới.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy, lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều tinh bột, dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau.
Đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Béo phì được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mãn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài, bởi chúng gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường...
Béo phì và đái tháo đường là hai bệnh liên kết như "hình với bóng". Hiện đái tháo đường đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới với tỷ lệ mới mắc và tần suất lưu hành ngày càng gia tăng. Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam ngày càng cao.
Năm 2019, tỷ lệ người mắc đái tháo đường type 2 chiếm khoảng 5,7% dân số (khoảng 3,8 triệu người). Dự báo đến năm 2045, tỷ lệ này ước tính có thể tăng lên 7,7%, tức số người mắc đái tháo đường tăng lên gần gấp đôi khoảng 6 triệu người.