Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) vừa phát đi cảnh báo về mối nguy khi trẻ nuốt phải nam châm – một loại dị vật đường tiêu hóa hay xảy ra ở trẻ nhỏ, thường từ 6 tháng đến 3 tuổi.
Nuốt phải nam châm là một tình trạng đặc biệt có thể dẫn tới tử vong cao, nhất là khi trẻ nuốt phải nhiều nam châm hoặc nuốt đồng thời nam châm với dị vật kim loại khác. Do đó việc nhận biết sớm và xử trí, phòng ngừa đúng cách giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Triệu chứng khi trẻ nuốt phải nam châm?
Theo bác sĩ Dương Lê Hiển Đạt - Trung tâm đào tạo liên tục, Bệnh viện Nhi Đồng 1, phần lớn khi trẻ có dị vật đường tiêu hóa nói chung và hoặc nuốt nam châm nói riêng sẽ được đưa đến cơ sở y tế sớm ngay khi phụ huynh chứng kiến.
Tuy nhiên chỉ có khoảng 1/2 số trẻ có triệu chứng tại thời điểm nuốt như cảm giác đau sau xương ức, tím tái, hay khó nuốt. Trong nhiều trường hợp, triệu chứng chỉ thoáng qua.
Nguy cơ và biến chứng khi trẻ nuốt nam châm
Bác sĩ Đạt cho biết, việc trẻ nuốt nhiều nam châm có nguy cơ cao chèn ép các quai ruột do lực hút lẫn nhau của chúng dẫn đến thiếu máu cục bộ, hoại tử, thủng, tắc nghẽn… đưa đến biến chứng viêm phúc mạc sau đó và có khả năng tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Nếu nuốt đồng thời một nam châm và một dị vật có tính sắt từ khác (chẳng hạn như kim loại sắc nhọn hoặc pin) cũng có thể dẫn đến các biến chứng đáng kể.
Nguy cơ gia tăng không chỉ liên quan đến tác động áp lực lên thành các quai ruột mà còn liên quan đến khả năng gây tổn thương bởi hóa chất do pin hoặc tổn thương rách/thủng với dị vật kim loại sắc nhọn đi kèm.
Các biến chứng thường gặp khi trẻ nuốt nam châm bao gồm thủng dạ dày hoặc ruột, thiếu máu ruột, xoắn ruột, viêm phúc mạc, nhiễm trùng… Kích thước của nam châm ăn vào càng nhỏ và thời gian giữa các lần nuốt càng dài thì nguy cơ can thiệp phẫu thuật càng cao.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ nuốt nam châm?
Bác sĩ Dương Lê Hiển Đạt cho biết, khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ nuốt phải nam châm, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và chụp X-quang.
Bác sĩ cần xác định số lượng nam châm và thời gian giữa các lần nuốt. Điều này quan trọng vì thời gian giữa các lần nuốt càng lâu và số lượng nam châm nuốt vào càng nhiều thì nguy cơ biến chứng càng lớn.
Theo bác sĩ Đạt, phần lớn các trường hợp nuốt nhiều nam châm được xử lý bằng nội soi trong vòng 6 giờ sau khi nuốt, dựa trên thời gian di chuyển sinh lý bình thường trong ruột non. Phẫu thuật khẩn cấp khi bác sĩ nghi ngờ thủng trên lâm sàng hoặc X-quang hoặc khi nội soi không lấy dị vật thành công.
Phòng ngừa nuốt nam châm
Để phòng ngừa trẻ nuốt nam châm, phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ nên được hướng dẫn về sự nguy hiểm của việc nuốt phải nam châm, đồng thời:
- Đảm bảo rằng các bé, bao gồm cả trẻ thanh thiếu niên, hiểu được nguy cơ nuốt phải nam châm và không bao giờ đặt nam châm gần miệng hoặc mũi của mình. Quan trọng phải giải thích rằng, việc nuốt phải nam châm thường xảy ra một cách ngẫu nhiên khi đang chơi.
- Nếu có bất kỳ nam châm đất hiếm nào trong nhà, hãy loại bỏ chúng. Nếu không, hãy giữ các sản phẩm có nam châm nhỏ hoặc lỏng lẻo ra xa tầm tay trẻ em. Lựa chọn tốt nhất là một hộp khóa ở nơi cao hoặc khó tìm thấy.
- Giám sát chặt chẽ trẻ em khi ai đó đang sử dụng nam châm.
- Nếu trẻ có đồ chơi nam châm, cần thường xuyên kiểm tra và quan sát cẩn thận.
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi nghi ngờ trẻ nuốt phải nam châm.