Trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 có cần tiêm vaccine?

(VOH) - Đầu tháng 4/2022, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi.

Vậy, trẻ trong độ tuổi này sẽ tiêm vaccine theo hình thức nào? Vì sao chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho con tiêm dù trẻ nhiễm COVID-19 thường có biểu hiện nhẹ? Trẻ từng là F0 có nên tiêm vaccine?

Theo thông tin của Bộ Y tế, vào ngày 22/3, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về việc hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. Theo đó, Chính phủ Australia đã cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ ngay đầu tháng 4, khi các thủ tục về kiểm định vaccine hoàn tất.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi theo hình thức chiến dịch

Trong văn bản mới nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký ban hành ngày 28/3 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Trẻ từ 5- dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 có cần tiêm? 1

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi theo hình thức chiến dịch. Ảnh minh hoạ

Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vaccine.

Loại vaccine sử dụng là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường).
 

Bộ Y tế nêu rõ, việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định tại mục III Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ban hành kèm theo các hướng dẫn trước đó.

Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu.

Trẻ từ 5- dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 có cần tiêm? 2

Mẫu Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm và hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn chuyên môn trước đó của Bộ Y tế.

Thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 5- dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng cho biết, để chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, dự kiến ngày 31/3 tới đây Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiến hành tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng này với các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.

Vì sao cần thiết tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5- dưới 12 tuổi?

Về vấn đề này GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Trẻ lứa tuổi 5- dưới 12 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.

"Khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).

Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Cục trưởng Phan Trọng Lân cũng cho biết, hiện nay qua theo dõi với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng.

Vì vậy, việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác

GS.TS Phan Trọng Lân

Với vai trò là bác sĩ nhi khoa, PGS. TS Trần Minh Điển- Giám đốc BV nhi TW khuyên các ông bố bà mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. Trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn chúng ta phủ được rộng hơn nữa ở nhóm tuổi thấp hơn nữa, nếu như có các nghiên cứu của các nhà sản xuất đưa ra các vaccine ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

"Bởi vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Biến chủng mới cũng chưa xác định rõ là như thế nào..."- PGS.TS Trần Minh Điển chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM nhấn mạnh: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là tác hại.

Việc tiêm vaccine cho trẻ là xu hướng toàn cầu. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên sớm đồng ý cho các cháu tiêm. Nếu không trẻ sẽ là đối tượng yếu nhất, dễ nhiễm nhất. Nếu các cháu được tiêm thì cộng đồng trong trường học, trong xã hội sẽ an toàn hơn nhiều.

Chuyên gia cũng nêu thực trạng: Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều cháu bị nhiễm khỏi bệnh rồi vẫn còn nhiều vấn đề về tâm sinh lý lâu dài.

Hằng ngày chúng tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi tham vấn của phụ huynh về các trường hợp trẻ em mắc COVID-19, đặc biệt nhiều ca dưới 12 tuổi.

Qua theo dõi nhiều tài liệu cho thấy trẻ em nhóm nguy cơ béo phì, bệnh lý bẩm sinh, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là khi chưa được tiêm vaccine. Song song với đó là những di chứng để lại như thế nào khi các cháu bị nhiễm COVID-19 thì rõ ràng còn quá mới, chúng ta vẫn chưa tìm hiểu và nghiên cứu được hết...

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng

Trẻ dưới 12 tuổi từng là F0 có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, mắc COVID-19 chính là đưa virus tự nhiên vào cơ thể và cơ thể sẽ phản ứng để tạo ra các kháng thể để chống lại virus trong khoảng thời gian nhất định.

"Theo các nghiên cứu cũng tương tự như sau tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19, khoảng thời gian lưu trữ được kháng thể chống lại virus dài nhất là 6-9 tháng. Do vậy, sau khi trẻ là F0 đã khỏi từ 3 tháng trở ra, phụ huynh có thể đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để bổ sung nồng độ kháng thể trong cơ thể của các cháu"- PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Minh Điển: trong giai đoạn hiện tại, hiệu quả của vaccine phòng COVID được đánh giá là rất tốt trong việc giảm ca bệnh nặng và tử vong.

TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhấn mạnh: Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế, các trường hợp đã mắc COVID-19 hoặc nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, khi hết thời gian cách ly có thể thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19.

Như chúng ta đã biết, một số trường hợp đã mắc COVID-19 có thể bị tái nhiễm do miễn dịch giảm hoặc do mắc chủng mới. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 chú trọng giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong do bệnh. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người đã từng mắc bệnh là cần thiết.

"Tuy nhiên, các gia đình có thể để cho trẻ có thời gian hồi phục sức khỏe sau khi mắc COVID-19 và có đáp ứng tốt với vaccine"- TS Huyền nói.

Theo dõi trẻ sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thế nào?

Để giúp trẻ thoải mái hơn khi đi tiêm chủng và sau tiêm chủng, chuyên gia tiêm chủng khuyến cáo các gia đình hãy trao đổi với trẻ trước khi đi tiêm chủng. Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm. Thực hiện quy định 5K tại điểm tiêm...

Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có... Đồng thời các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu.

1. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

2. Không nên uống các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.

3. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

4. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

5. Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:

a. Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

b. Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất

Vaccine phòng COVID-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ

Trước lo lắng của nhiều phụ huynh về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sinh sản, di truyền hay các phản ứng lâu dài, PGS.TS Trần Minh Điển khẳng định vaccine phòng COVID-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ.

Giám đốc Bệnh viện Nhi TW lý giải: Bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.

Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.