Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Ứ mật thai kỳ có nguy hiểm không?

(VOH) – Khi mang thai, một số mẹ bầu cảm thấy ngứa ngáy, đây là triệu chứng khá bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngứa trở nên nghiêm trọng thì rất có thể mẹ bầu đang bị chứng ứ mật thai kỳ.

Ứ mật thai kỳ là một căn bệnh tương đối hiếm gặp ở bà bầu. Trung bình cứ 1000 người mang thai sẽ có một người mắc phải. Bệnh tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ nhưng lại có thể gây nhiều nguy hiểm đối với thai nhi.

1. Ứ mật thai kỳ là gì?

Mật là một chất lỏng được sản xuất trong gan, giúp hệ tiêu hóa phân hủy chất béo. Tuy nhiên, do sự gia tăng các hormone trong thai kỳ có thể làm chậm dòng chảy bình thường của mật ra khỏi gan, dẫn đến tình trạng ứ mật trong gan. Sự tích tụ mật trong gan làm cho axit mật tràn vào trong máu. Axit mật lắng đọng trong các mô dưới da làm mẹ bầu cảm thấy ngứa ngáy và đây cũng là biểu hiện đầu tiên của bệnh ứ mật thai kỳ. Tên gọi khác của ứ mật thai kỳ là ứ mật sản khoa.

Ứ mật thai kỳ thường xảy ra vào cuối thai kỳ và gây ra kích thích ngứa dữ dội, thường là trên bàn tay và bàn chân hoặc nhiều bộ phận khác của cơ thể. Tình trạng này không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu cho mẹ bầu mà còn có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng.

2. Những biểu hiện ứ mật thai kỳ thường gặp

Ngứa chính là triệu chứng nhận biết đầu tiên. Mẹ bầu sẽ luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, đặc biệt ngứa trở nên trầm trọng hơn trong 3 tháng cuối của thai kỳ hoặc lúc sắp sinh. Tình trạng ngứa thường xảy ra ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng bụng hoặc có thể là toàn thân.

u-mat-thai-ky-co-nguy-hiem-khong-voh

Ngứa là dấu hiệu đầu tiên của tình trạng ứ mật thai kỳ (Nguồn: Internet)

Nước tiểu có màu sẫm hơn so với lúc bình thường cũng là một dấu hiệu ứ mật thai kỳ. Nguyên nhân là do axit mật được thải ra ngoài.

Phân có màu nhạt (hay còn gọi là phân mỡ) do các chất béo không tiêu hóa và được bài tiết ra ngoài.

Tình trạng ngứa ngáy thường xuyên, nhất là vào ban đêm khiến cho mẹ bầu khó ngủ, tâm trạng thất thường, dẫn đến buồn bực hoặc bị trầm cảm.

Mẹ bầu có cảm giác buồn nôn, khó chịu ở đường ruột và phía trên bụng bên phải.

Xuất hiện triệu chứng vàng da, vàng mắt thể nhẹ vào giai đoạn cuối thai kỳ.

3. Nguyên nhân ứ mật thai kỳ

Nguyên nhân vì sao phụ nữ mang thai bị ứ mật thai kỳ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tình trạng này có thể do một phần di truyền, vì hội chứng đôi khi xuất hiện trong gia đình và một số biến thể di truyền nhất định có liên quan đến nó.

Các hormone thai kỳ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến ứ mật thai kỳ. Mật là dịch tiêu hóa được sản xuất ở gan giúp hệ tiêu hóa phân hủy chất béo. Tuy nhiên, khi mang thai hormone thai kỳ gia tăng, đặc biệt là 3 tháng cuối có thể làm chậm dòng chảy của mật và gây ra hiện tượng ứ mật.

3.1 Trường hợp nào dễ bị ứ mật thai kỳ?

u-mat-thai-ky-co-nguy-hiem-khong-1-voh

Phụ nữ nào cũng đều có nguy cơ bị chứng ứ mật thai kỳ (Intrenet)

Bất cứ thai phụ nào cũng có nguy cơ gặp phải ứ mật thai kỳ. Tuy nhiên, những mẹ bầu thuộc những trường hợp sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người khác:

  • Những phụ nữ có tiền sử các bệnh về gan.
  • Phụ nữ từng bị sỏi túi mật trước khi mang thai.
  • Phụ nữ mang song thai hoặc đa thai.
  • Các yếu tố di truyền.
  • Bệnh có tỷ lệ tái phát cao từ một nửa đến 2/3 cho lần mang thai tiếp theo.

4. Hiện tượng ứ mật thai kỳ gây ra những biến chứng gì?

Ứ mật thai kỳ ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ nhưng lại mang đến những tác động xấu cho thai nhi. Cụ thể:

Đối với người mẹ: Thông thường, ứ mật thai kỳ có thể sẽ tạm thời gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ các vitamin tan trong chất béo. Tình trạng ngứa thường tự khỏi trong vòng vài ngày sau sinh và người mẹ cũng không gặp phải bất thường nào về gan.

Đối với thai nhi: Mẹ bầu bị ứ mật thai kỳ lâu dài dẫn đến tình trạng thai chết lưu, đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ.

5. Có thể chẩn đoán và điều trị ứ mật thai kỳ bằng cách nào?

Ứ mật thai kỳ có thể được chẩn đoán thông qua việc xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng chức năng gan, hàm lượng bilirubin và axit mật trong máu.

Nếu xác định thai phụ bị chứng ứ mật thai kỳ bác sĩ sẽ kê toa một số loại thuốc để giúp thai phụ giảm ngứa và ngăn ngừa hấp thụ của mật theo đường uống hoặc thuốc bôi ngoài da.

Ngoài ra, thai phụ bị ứ mật thai kỳ cần phải được siêu âm và kiểm tra tim thai định kỳ vì căn bệnh này có thể khiến thai chết lưu. Nếu siêu âm phát hiện có vấn đề, tùy vào tuổi thai và tình trạng sức khỏe mà các bác sĩ sẽ quyết định nên để thai phụ sinh sinh sớm hay chờ thêm để em bé khỏe hơn.