Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

6 cách loại bỏ stress khi mang thai cho mẹ bầu

(VOH) – Phụ nữ rất dễ bị stress khi mang thai và điều này có thể ảnh hưởng đến những sự phát triển của thai nhi cũng như các vấn đề khác trong cuộc sống.

Stress là cách mà cơ thể chúng ta phản ứng lại một điều gì đó vượt qua khỏi giới hạn chịu đựng bình thường, có thể gây nguy hiểm hoặc gây phiền nhiễu cho chúng ta. Hầu như bất cứ điều gì cũng có thể gây ra stress và mỗi người sẽ đáp ứng với tình trạng stress theo cách riêng của họ.

Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai, khả năng đáp ứng đối với những thay đổi về áp lực công việc, tình cảm, đời sống, sẽ thấp hơn rất nhiều so với người bình thường. Do đó, những ảnh hưởng của việc bị stress khi mang thai cũng sẽ nhiều hơn, không chỉ ở mẹ bầu mà nó còn có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.

1. Bà bầu bị stress ảnh hưởng thế nào đến thai nhi?

Có nhiều nghiên cứu nhận định, phụ nữ bị căng thẳng, stress khi mang thai có thể tác động đến chỉ số IQ, sự phát triển của thai nhi và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm tới em bé trong tương lai. Cụ thể:

1.1 Stress khi mang thai có thể khiến trẻ sinh non hoặc nhẹ cân

Phụ nữ không thể đối phó với những tình huống căng thẳng hoặc bị stress quá độ trong thai thời gian mang thai có thể khiến em bé chào đời sớm và nhẹ cân. Căng thẳng sẽ làm cơ thể tăng sản xuất hormone giải phóng corticotropin (CRH). Ở phụ nữ mang thai, CRH có thể làm ảnh hưởng đến thời gian mang thai và sự trưởng thành của thai nhi. CRH càng cao, ngày sinh sẽ càng đến sớm.

Rất nhiều mẹ bầu đều được khuyên rằng, nên tránh căng thẳng trong 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, tình trạng căng thẳng làm gia tăng CRH dẫn đến sinh non lại thường xảy ra vào những tuần đầu tiên của thai kỳ, vì thế, các chị em phụ nữ nên cố gắng giữ tinh thần thoải, tránh bị stress khi mang thai 3 tháng đầu tiên.

1.2 Stress ảnh hưởng đến chỉ số IQ và sự phát triển trí não

Các nhà khoa học đã phát hiện ra mức cortisol cao có thể làm giảm chỉ số IQ của một đứa trẻ. Thông thường, nhau thai sẽ sản xuất các enzym phá vỡ cortisol, nhưng nếu căng thẳng quá nhiều hoặc kéo dài, lượng enzym này sẽ không đủ để đối phó với lượng cortisol do căng thẳng sinh ra.

6-cach-loai-bo-stress-khi-mang-thai-cho-me-bau-voh

Phụ nữ bị stress có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, stress khi mang thai còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi. Nguyên nhân là do, khi mẹ bị căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến kết nối não bộ và tổ chức các hệ thống chức năng thần kinh khiến não làm việc kém hiệu quả hơn.

Và khi thai nhi hình thành não bộ thì tiểu não – trung tâm phản ứng căng thẳng – là một trong những cơ quan phát triển đầu tiên. Điều này khiến thai nhi nhạy cảm trong việc nhận biết mẹ bị căng thẳng.

1.3 Căng thẳng khi mang thai có thể gây ra vấn đề về giấc ngủ của thai nhi

Tâm trạng của mẹ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn tác động đến giấc ngủ của bé.

Các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra thời gian ngủ và tần suất thức dậy trong đêm của bé 6, 18 và 30 tháng tuổi. Kết quả cho thấy, những bé có mẹ bị stress trong thai kỳ thường gặp vấn đề về giấc ngủ khi bé được 18 và 30 tháng tuổi. Điều này xảy ra do cortisol đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến vùng não chịu trách nhiệm cho nhịp sinh học của bé.

1.4 Stress khi mang thai gây ra nhiều vấn đề với sức khỏe của bé

Mẹ bầu bị căng thẳng trong thai kỳ cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bé. Cụ thể, những em bé này sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng sớm và rối loạn tâm thần khi bị căng thẳng từ trong bụng mẹ. Ngoài ra, trẻ sau khi sinh ra đời cũng dễ mắc phải các vấn đề về mắt, tai, tiêu hóa, hô hấp, da, cơ xương, tuần hoàn, các bệnh về cơ quan sinh dục, dị ứng và hen suyễn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn tìm thấy một mối liên kết giữa căng thẳng và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Ảnh hưởng này còn mạnh hơn so với việc phụ nữ mang thai hút thuốc lá.

1.5 Bà bầu bị stress làm tăng mức độ sợ hãi và lo lắng của trẻ

Mức cortisol cao ở phụ nữ mang thai khiến trẻ sinh ra dễ bị căng thẳng trong tương lai. Điều này dễ dàng nhận thấy rõ khi trẻ sơ sinh bị lấy máu để xét nghiệm, bé sẽ có phản ứng căng thẳng mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, khi đến tuổi tập đi, trẻ sẽ thấy sợ hãi khi thấy người lạ bước vào phòng hoặc quả bóng lăn về phía mình. Những trẻ này thường không tham gia vào các trò chơi với những bé cùng trang lứa hoặc thích chạy đến bên mẹ để cảm thấy an toàn hơn. Mẹ cũng sẽ nhận thấy được sự lo lắng trong mắt bé khi bé chuẩn bị đi mẫu giáo hoặc tiểu học.

2. Làm thế nào để mẹ vượt qua stress khi mang thai?

6-cach-loai-bo-stress-khi-mang-thai-cho-me-bau-1-voh

Ngồi thiền là biện pháp giúp mẹ giảm stress một cách hiệu quả (Nguồn: Internet)

Dưới đây là những cách đơn giản để mẹ vượt qua những căng thẳng khi mang thai một cách dễ dàng:

  • Tập thể dục: Đi dạo trong công viên, đi bơi hoặc tập thể dục nhịp điệu động tác đơn giản, chậm rãi sẽ giúp làm tăng mức hormone hạnh phúc, từ đó mẹ sẽ quên đi căng thẳng.
  • Ngồi thiền: Biện pháp này sẽ giúp mẹ giảm lo lắng hiệu quả.
  • Trò chuyện với người thân: Việc nói chuyện với những người thân trong gia đình hoặc gặp gỡ bạn bè sẽ giúp mẹ bầu có được một ngày thật vui vẻ và thoải mái.
  • Ngủ nhiều hơn: Tuy ngủ không giải quyết được các vấn đề của mẹ bầu nhưng lại tạo điều kiện để cơ thể mẹ được nghỉ ngơi, giúp thai phụ và thai nhi khỏe mạnh.
  • Chú ý đến những gì mẹ ăn vào và ăn khi nào: Không bỏ bữa sáng, ăn nhiều trái cây, cá và ngũ cốc. Mẹ nên tập thói quen ăn uống cùng một thời điểm mỗi ngày.

Cuối cùng, nếu không thể tự mình đối phó với căng thẳng, stress khi mang thai hãy tìm sự trợ giúp của các chuyên gia. Nên nhớ rằng, sự thay đổi tâm trạng có thể là một dấu hiệu của trầm cảm hoặc mẹ đang phải đối với mặt với căng thẳng quá lớn, không thể tự kiểm soát nổi. Đừng ngần ngại khi cần sự hỗ trợ, cố chịu đựng những căng thẳng sẽ khiến mẹ ngày càng mệt mỏi và bị stress nhiều hơn.