Uống nhiều nước dễ bị sưng phù?

(VOH) - Nhiều người cho rằng uống quá nhiều nước dễ bị sưng phù có đúng không? Những nguyên nhân gây ra sưng phù là gì? Làm thế nào để giảm sưng phù? sẽ được các chuyên gia giải thích dưới đây.

Bạn đang gặp rắc rối với chứng sưng phù? Thường phù chân hay phù mặt? Nhiều người cho rằng uống quá nhiều nước dễ bị sưng phù, không nên uống quá nhiều nước khi bị sưng phù, các nhà dinh dưỡng chỉ ra rằng mấu chốt của sưng phù là “làm sao hạn chế hấp thụ Natri”. Những nguyên nhân gây ra sưng phù là gì? Làm thế nào để giảm sưng phù?

Sai lầm khi cho rằng uống nhiều nước dễ bị sưng phù. Ảnh minh họa
Sai lầm khi cho rằng uống nhiều nước dễ bị sưng phù. Ảnh minh họa

Uống quá nhiều nước dễ bị sưng phù?

Chuyên gia dinh dưỡng nhiều kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) Angela cho biết, nhiều người cho rằng uống quá nhiều nước sẽ dễ bị sưng phù nhưng thực ra đó là một quan niệm sai lầm!

Miễn là sưng phù không phải do bệnh lý gây ra, thì uống nhiều nước có thể làm loãng nồng độ Natri trong cơ thể và thúc đẩy bài tiết Natri. Bởi vì cơ thể đủ nước có thể duy trì quá trình trao đổi chất và lưu thông máu tốt, đồng thời giúp cơ thể bài tiết Natri dư thừa và giảm tình trạng sưng phù.

Không uống quá nhiều nước khi bị sưng phù?

Ngoài ra, nhiều người lầm tưởng rằng “khi bị sưng phù thì không được uống nhiều nước, do cơ thể đã chứa nhiều nước nên không uống thêm nước nữa.” Chuyên gia dinh dưỡng Angela cho biết, đây cũng là một quan niệm sai lầm. Đừng đánh đồng "sưng phù" với "hạn chế uống nước", miễn không phải sưng phù do bệnh tật thì nên uống đủ nước.

Các nguyên nhân phổ biến gây sưng phù là do: ăn quá mặn, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thích các loại nước chấm hoạc ăn quá cay, lúc này thì phải uống nhiều nước để cơ thể chuyển hóa Natri. Vì vậy, điều cốt yếu là "hạn chế hấp thụ Natri" chứ không phải "hạn chế uống nước".

Tại sao lại bị sưng phù?

Chuyên gia dinh dưỡng Angela cũng chỉ ra rằng, trên thực tế sưng phù chỉ là một hiện tượng hoặc triệu chứng, nhiều nguyên nhân có thể gây ra sưng phù, chẳng hạn như hấp thụ quá nhiều Natri, hoạt động quá ít, không đủ dinh dưỡng, ảnh hưởng của nội tiết tố, thuốc men và một số bệnh tật. Chuyên gia đã phân tích các nguyên nhân phổ biến gây ra chứng sưng phù sau đây:

1. Những người giữ nguyên tư thế trong thời gian dài

Như đứng hoặc ngồi lâu, giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài, lười vận động, lười tập thể dục dễ khiến máu lưu thông cục bộ kém, tích tụ nước.

Ngoài ra, người đứng hoặc ngồi lâu cũng dễ gặp phải vấn đề tăng áp lực tĩnh mạch, làm cho các van ở tĩnh mạch chân bị tổn thương, khiến máu trở về chân khó khăn, máu về tĩnh mạch kém, dẫn đến áp lực trong mạch máu của chân tăng cao, gây giãn tĩnh mạch, dễ bị thoát dịch và sưng phù.

2. Ăn quá mặn, nhiều gia vị, thực phẩm chế biến sẵn

Chế độ ăn quá mặn, nhiều gia vị, quá nhiều nước chấm, đồ chua, các thực phẩm chế biến sẵn,… đều dễ khiến người ăn hấp thụ quá nhiều Natri, có thể dẫn đến sưng phù.

3. Dinh dưỡng Protein không đủ

Chất đạm sẽ ảnh hưởng đến áp suất thẩm thấu keo của huyết tương và gây sưng phù, nếu ăn chất đạm quá ít thì Albumin (Albumin chính là loại Protein quan trọng với chức năng chính là ngăn cản nước đi ra ngoài mạch máu, duy trì áp lực thẩm thấu keo ở mức ổn định và cũng là cầu nối để liên kết, vận chuyển Acid béo, Hormone Steroid, Vitamin, Bilirubin và thuốc đi đến mọi cơ quan trong cơ thể) trong cơ thể quá thấp, dễ gây sưng phù suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, trong một số giai đoạn nhất định như mang thai, cho con bú… cơ thể có nhu cầu về chất đạm cao hơn nên cần chú ý lượng đạm hấp thụ có đủ hay không. Nếu thiếu đạm cũng gây ra sưng phù.

4. Bệnh tật hoặc thuốc men

Dùng một số loại thuốc, điều trị một số bệnh hoặc mắc một số bệnh như: tắc nghẽn bạch huyết, chức năng tuyến giáp bất thường, bệnh thận, bệnh tim, bệnh gan, ... làm cho khả năng thoát dịch kém hơn và cũng có thể xảy ra tình trạng sưng phù bệnh lý.

Làm thế nào để giảm sưng phù?

Bạn phải làm gì khi bị sưng phù? Chuyên gia dinh dưỡng Angela khuyến cáo rằng, sau khi loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, hãy chú ý cải thiện nguyên nhân gây sưng phù như tránh ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn, bổ sung đủ chất đạm và uống đủ nước. Ngoài ra, có một số cách sinh hoạt trong đời sống hàng ngày giúp bạn loại bỏ chứng sưng phù sau đây:

1. Không mặc quần hoặc áo quá chật, quần áo quá chật cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu của các chi dưới.

2. Giảm đi giày cao gót và giày chật trong thời gian dài.

3. Những người phải đứng hoặc ngồi lâu có thể mang vớ đàn hồi y tế để giúp máu lưu thông trở lại các chi dưới.

4. Xoa bóp nhiều hơn cũng có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giảm sưng phù chi dưới.

5. Ngủ đủ giấc, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, không thức khuya.