Vụ ngộ độc tại trường iSchool Nha Trang: 3 loại vi khuẩn trong cánh gà chiên nguy hiểm như thế nào?

(VOH) - Theo Viện Pasteur Nha Trang, nguyên nhân gây ngộ độc cho học sinh tại Trường Ischool Nha Trang là do 3 loại vi khuẩn: Salmonella, Bacillus cereus và Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên.

Ngày 22/11, Viện Pasteur Nha Trang kết luận nguyên nhân gây ngộ độc cho hàng loạt học sinh tại Trường Ischool Nha Trang là 3 loại vi khuẩn: vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn Bacillus cereus và Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên. Các loại vi khuẩn này nguy hiểm như thế nào?

NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
Trong vụ ngộ độc tại trường iSchool Nha Trang, 3 loại vi khuẩn gây ngộ độc đều nằm trong cánh gà chiên 

Vi khuẩn Salmonella

Các mẫu thức ăn tại Trường Ischool được Viện Pasteur nuôi cấy và phân lập định danh vi khuẩn, xác định nguyên nhân, độc tố gây ngộ độc thực phẩm qua kết quả xét nghiệm mẫu phát hiện vi khuẩn Salmonella spp, trong mẫu cánh gà chiên (2,4 × 106 MPN/g).

Nhiễm vi khuẩn Salmonella là tình trạng nhiễm vi khuẩn Salmonella trong dạ dày và ruột. Bệnh này tương tự như viêm dạ dày. Phần lớn bệnh nhân bị nhiễm trùng nhẹ sẽ tự khỏi sau 4 đến 7 ngày mà không cần điều trị. Vi khuẩn Salmonella hay còn được gọi là vi khuẩn thương hàn gồm S. typhi và S. paratyphi A, B, C tất cả các chủng đều có khả năng gây bệnh thương hàn.

Vi khuẩn thương hàn đi vào hệ tiêu hóa của cơ thể, sau khi bị chết sẽ giải phóng ra nội độc tố. Vi khuẩn Salmonella chết càng nhiều càng có nhiều độc tố giải phóng tấn công cơ thể người nhiễm.

Nội độc tố của vi khuẩn salmonella gây ra ảnh hưởng rất xấu tại ruột, nội độc tố sẽ làm tổn thương niêm mạc ruột (kích thích ruột gây đau bụng, làm chảy máu, hoặc có thể gây thủng ruột). Nội độc tố do vi khuẩn Salmonella giải phóng đi vào máu đến hệ thần kinh trung ương làm tổn thương hệ thần kinh và nhiễm độc toàn thân.

Vi khuẩn Salmonella chịu được lạnh, ở nước đá sống 2 - 3 tháng, nước thường > 1 tháng, trong rau quả 5 - 10 ngày, trong phân 1 đến vài tháng. Vi khuẩn Salmonella bị tiêu diệt ở nhiệt độ 55 độ C/30 phút, cồn 90 độ C/vài phút, các chất khử trùng thông thường diệt được vi khuẩn dễ dàng (chloramin 3%, phenol 5%).

Trong một số ít trường hợp, vi khuẩn Salmonella có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Tuy nhiên, có một số người dù bị nhiễm vi khuẩn Salmonella nhưng do cơ thể đã có kháng thể, số lượng vi khuẩn ít và độc lực của vi khuẩn yếu cho nên có thể bị rối loạn tiêu hóa vài ba ngày rồi tự khỏi, một số rất ít trong số đó trở thành người lành mang vi khuẩn, có thể kéo dài nhiều tháng.

Xem thêm: Vi khuẩn Salmonella nguy hiểm như thế nào? Có trong thực phẩm gì?

Vi khuẩn Bacillus cereus

Theo Viện Pasteur Nha Trang, các vi khuẩn Bacillus cereus cũng xuất hiện trong mẫu cánh gà chiên (3,5 x 103 CFU/g) và mẫu nước mắm (1,0 x 103 CFU/mL). Chủng Bacillus cereus trong hai mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu (HBL: Hemolysin BL) và độc tố ruột không ly giải hồng cầu (NHE: Non-haemolytic enterotoxin).

Bacillus cereus là một loại vi khuẩn hoại sinh, hiện diện nhiều trong đất. Hiện nay được xem là một tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, chỉ sau Salmonella (vi khuẩn thương hàn) và các vi rút.

Hầu hết các trường hợp ngộ độc do Bacillus cereus thường nhẹ và tự khỏi, nên ít được ghi nhận và báo cáo, nhưng bệnh do Bacillus cereus vẫn là được xem là mối nguy đáng kể đối với sức khoẻ và thách thức không nhỏ đối với công nghiệp chế biến thực phẩm.

Bacillus cereus gây nên 2 dạng ngộ độc khác nhau: dạng gây triệu chứng chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy, phân lỏng không có nhầy máu, có thể có nôn và dạng chủ yếu gây nôn, buồn nôn, mệt mỏi.

Mỗi dạng bệnh liên quan đến nhiều yếu tố tác động khác nhau, nguồn thực phẩm khác nhau, tạo thuận lợi cho sự nhân lên của vi khuẩn trong thực phẩm hoặc trong ruột, sản sinh các độc tố khác nhau để gây độc.

Vi khuẩn Escherichia coli

Vi khuẩn Escherichia coli (E. Coli) trong mẫu cánh gà chiên (1,3x102 CFU/g) là tên của một loại vi khuẩn gram âm sống trong đường tiêu hóa của người và động vật.

Vi khuẩn E. Coli có một số vai trò nhất định trong cơ thể người: Ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn xâm nhập vào đường tiêu hóa; Kích thích hệ miễn dịch của cơ thể; Sản xuất các chất có lợi cho cơ thể: vitamin K, biotin...; Chuyển hóa chất đường trong cơ thể.

Tuy nhiên, vi khuẩn E. Coli là nguyên nhân gây các bệnh về đường tiêu hóa như:

  • Tiêu chảy hay còn gọi là nhiễm độc thức ăn: Người bệnh có biểu hiện sốt, tiêu chảy, nôn. Biến chứng nặng xảy ra thường là do tiêu chảy nhiều mà không được bù dịch kịp thời dẫn đến trụy mạch, rối loạn tuần hoàn, suy thận...
  • Nhiễm khuẩn huyết là khi vi khuẩn này xâm nhập vào đường tiêu hóa rồi tiếp tục xâm nhập vào các mạch máu trong cơ thể làm tổn thương các tạng lân cận như tim, thận, não khiến người nhiễm E. Coli có thể tử vong.
  • Nhiễm khuẩn đường tiểu do vi khuẩn E. coli, đi từ bộ phận cuối cùng của đường tiêu hóa là hậu môn sang lỗ tiểu ngoài, đi ngược dòng vào đường niệu. Hoặc là vi khuẩn E. Coli gây nhiễm khuẩn huyết và vi khuẩn từ máu bệnh nhân đi khắp cơ thể, đến đường niệu và gây nhiễm khuẩn đường tiểu.
  • Viêm màng não và các nhiễm khuẩn khác trong hệ thống tiêu hóa.

Theo ông Nguyễn Văn Minh - giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, tính đến 11h ngày 22/11, các bệnh viện của tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 662 ca (tăng 14 ca so với ngày 21/11) học sinh Trường Ischool Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 ca tử vong. Các bệnh viện hiện đang điều trị 137 ca (giảm 74 ca so với ngày 21/11).

Theo ông Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, với bệnh nhân (vụ ngộ độc tại trường iSchool Nha Trang) sau khi ra viện, dạ dày vẫn bị ảnh hưởng nên ăn uống sẽ khó chịu. Do đó, người bệnh cần ăn thức ăn mềm rồi tăng dần lên, tránh thức ăn gây đau dạ dày như: chua, cay, ngọt... 

Vi khuẩn này không để lại di chứng, nó là một trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn. Các bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị kháng sinh, thường kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella thì có thể mất 5-7 ngày, tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và điều trị triệu chứng.

Bình luận