Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - Trưởng khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc cho biết, cơ thể cần được cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất mỗi ngày để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, nhu cầu cần cung cấp dinh dưỡng ở mỗi người lại không hề giống nhau.
Và ăn uống sai cách là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều tai hại cho sức khỏe, điển hình nhất là chứng nóng trong người thường hay gặp ở các người trẻ tuổi.
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy cho biết, mọi người nên tránh xa những thói quen dưới đây nếu không muốn bị nóng trong người hay đau dạ dày tái phát.
1. Ăn quá nhanh
Những người bận rộn thường có thói quen ăn nhanh, ăn vội vàng hay vừa ăn vừa làm việc. Hành động khiến cho những miếng thức ăn lớn chưa kịp nghiền nhỏ đã đẩy xuống dạ dày khiến tiêu hóa diễn ra chậm và đó cũng là nguyên nhân gây đau dạ dày, khó chịu, đầy hơi.
Ăn uống vội vã còn gây mất kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ mỗi bữa. Chính vì thế, tốt nhất, bạn hãy dành ít nhất 20 phút cho mỗi bữa ăn tại bàn thật chỉnh tề, để đảm bảo chất lượng bữa ăn luôn đảm bảo.
2. Ăn ít chất xơ
Chất xơ có nhiều nhất trong rau xanh, tuy nhiên, rất đông người dân đang có xu hướng tiêu thụ nhiều thức ăn "tinh" (không có chất xơ). Hệ quả của việc này không chỉ gây nóng trong người mà còn làm tăng mạnh các bệnh lý đường tiêu hóa.
Ăn ít rau xanh sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa, gây nóng trong người (Nguồn: Internet)
Đặc biệt, chất xơ còn là thành phần không thể thay thế đối với sức khỏe con người, nhất là ở hệ tiêu hóa vì có thể kích thích làm tăng nhu động ruột, thức ăn không ứ đọng lâu và dễ dàng đi qua ruột. Chất xơ trực tiếp "tống" các chất độc trong ống tiêu hóa, hạn chế sự phát triển một số loại vi khuẩn gây hại trong đại tràng.
3. Ăn nhiều vào buổi tối
Ăn tối, ăn khuya là thói quen thường thấy ở nhiều bạn trẻ trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, đây là thói quen xấu, nó có thế khiến dạ dày bạn bị khó chịu, sâu xa hơn là dẫn đến tình trạng bị nóng trong người. Do vậy, hãy cố gắng chỉ ăn nhẹ và tốt nhất là ăn bữa tối sớm để phòng ngừa khó tiêu bạn nhé.
4. Ăn không đúng giờ
Thời gian được xem là chìa khóa của bữa ăn. Việc ăn đúng giờ sẽ giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn, các chất dinh dưỡng được hấp thu dễ dàng hơn và ngược lại, việc ăn uống thất thường, bỏ bữa sẽ dẫn đến các bệnh lý do rối loạn tiêu hóa và chuyển hoá nguy hiểm.
Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng thời điểm ăn uống có ảnh hưởng lớn đến cân nặng, nồng độ cholesterol và lượng hormone insulin.
5. Ăn uống kém vệ sinh
Nếu ăn uống không vệ sinh sẽ khiến bạn dễ mắc phải các bệnh về đường ruột như viêm dạ dày ruột cấp tính, đau dạ dày, đầy bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, kiết lỵ hoặc dịch tả...
6. Đồ ăn nhiều gia vị và dầu mỡ
Đồ ăn nhiều dầu mỡ và gia vị có thể giúp bạn cảm thấy ngon miệng nhưng tác hại của nó thì rất lớn vì nó cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể dẫn đến nóng trong người, gây béo phì hoặc một số bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, ung thư....
7. Uống rượu bia
Uống rượu bia nhiều không chỉ khiến chức năng gan bị tổn thương mà còn gây ra nóng trong người (Nguồn: Internet)
Theo khảo sát của Hội Gan Mật Việt Nam, trên 30% số người uống rượu bia thường xuyên bị gan nhiễm mỡ, có nguy cơ mắc viêm gan nặng và tử vong. Uống rượu bia nhiều không chỉ khiến chức năng gan bị tổn thương mà còn gây ra nóng trong người, tổn hại về sức khỏe, tinh thần. Ngoài ra, còn có thể gây nên nhiều hậu quả khác như tai nạn giao thông, không kiểm soát được hành vi.
8. Hút thuốc lá
Trong khói thuốc lá có hơn 4000 hóa chất trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, bao gồm chất gây nghiện, các chất gây độc và 43 loại được biết là nguyên nhân gây ung thư. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim và làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ.
9. Dùng thức uống chưa chất kích thích
Các loại cà phê, trà hay các loại nước uống tăng năng lực có thể giúp cho sức khỏe và tinh thần thêm hưng phấn nhưng nếu dùng với tần suất và số lượng nhiều thì có thể gây ra nóng trong người, cơ thể mất ngủ, tim đập nhanh, nổi mụn nhọt… Việc lạm dụng các thức uống có chất kích thích cũng khiến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh có thể bị tổn thương và lâu dài sẽ sinh ra nhiều bệnh tật.
10. Suy nghĩ bi quan
Các nhà tâm lý học đã khẳng định rằng không chỉ những tác động từ môi trường bên ngoài khiến cơ thể bị “nóng” mà ngay cả việc bạn hay suy nghĩ bi quan cũng sẽ làm bạn cảm thấy không còn nghị lực để phấn đấu, tinh thần luôn ở trạng thái uể oải, thiếu sức sống, có thể gây ức chế về tâm lý và nảy sinh tâm trạng cáu gắt, bực bội.
11. Lười vận động
Để có cuộc sống khỏe mạnh, dẻo dai, luyện tập thể dục thể thao luôn là điều quan trọng nhất. Dành chỉ 30 phút một ngày, vào buổi sáng sớm và tập bằng những bài tập thể thao nhẹ nhàng, tập hít thở sâu và hòa mình vào nắng sớm trong lành. Bạn sẽ cảm thấy tinh thần thoải mải mái để chào đóng một ngày mới năng động.