- Đối tượng chính của bệnh thủy đậu là trẻ em
- Triệu chứng của trẻ em khi mắc bệnh thủy đậu
- Nhận biết bệnh thủy đậu ở trẻ em tránh nhầm lẫn với các bệnh khác như tay chân miệng, sởi...
- Biến chứng có thể có khi trẻ em mắc bệnh thủy đậu
- Cách điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em
- Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần uống thuốc gì?
- Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì?
1. Đối tượng chính của bệnh thủy đậu là trẻ em
Trẻ em từ 2 đến 8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Trẻ có thể bị nhiễm bệnh thủy đậu khi tiếp xúc với dịch hắt hơi của người bệnh, hoặc tiếp xúc với đồ vật, quần áo, khăn… có dính dịch vỡ từ nốt mụn phồng rộp của người bệnh. Bệnh dễ lây lan nhất trong thời điểm 1 ngày trước khi nốt ban xuất hiện cho tới 7 ngày sau đó hoặc cho tới trước khi nốt ban khô đi và đóng vẩy. Thời gian ủ bệnh tính từ khi nhiễm phải siêu vi gây bệnh cho tới khi phát bệnh kéo dài trong khoảng 2-3 tuần.
Cha mẹ cần chủng ngừa thủy đậu sớm cho trẻ. Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi (tốt nhất nên tiêm hai mũi vắc-xin, cách nhau ít nhất 3 tháng). Phụ nữ muốn có con thì nên tiêm trước khi có ý định mang thai khoảng một tháng. Nếu mẹ đã tiêm ngừa thì con sinh ra cũng được phòng bệnh cho đến 9 tháng tuổi.
Trẻ em từ 2 đến 8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Hình minh họa: internet
2. Triệu chứng của trẻ em khi mắc bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài đến tháng 3, tháng 5 và tháng 6 ít lại.
Thủy đậu thường không phát bệnh ngay khi virus xâm nhập mà ủ bệnh chừng 13-15 ngày. Trẻ vẫn ăn, tham gia hoạt động vui chơi bình thường, cha mẹ cần chú ý nhận ra thân nhiệt trẻ có thay đổi hoặc trẻ gãi ngứa trên người.
Sau thời gian ủ bệnh, trẻ sẽ biếng ăn, sốt nhẹ, sổ mũi, đau nhức, ngứa và đốm đỏ mọc khắp người không theo một trình tự nào. Khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, chi và thân. Mụn nước xuất hiện rất nhanh, trong vòng 12-24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước 1-3 mm, chứa dịch trong. Những trường hợp nặng mụn nước to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Trường hợp bị nhiễm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.
>>> Phát hiện triệu chứng của bệnh thủy đậu ( phỏng dạ ) qua các dấu hiệu sau
3. Nhận biết bệnh thủy đậu ở trẻ em tránh nhầm lẫn với các bệnh khác như tay chân miệng, sởi...
Bệnh thủy đậu có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như: bệnh tay chân miệng, bệnh sởi đều có triệu chứng là có sốt và nổi ban dạng nốt phỏng nước. Cả bệnh thủy đậu và tay chân miệng đều có thể lây truyền nếu tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc người lành mang mầm bệnh.
Tuy nhiên, nếu so sánh bệnh tay chân miệng và bệnh thủy đậu có những điểm khác biệt để nhận biết:
- Về lứa tuổi mắc bệnh: Bệnh thủy đậu chủ yếu gặp ở trẻ em từ 1-14 tuổi (90%), trong đó hay gặp nhất ở trẻ từ 2-8 tuổi. Bệnh tay chân miệng chủ yếu gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi.
- Về đường lây truyền: Bệnh thủy đậu lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, qua đường không khí từ các giọt nhỏ đường hô hấp khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc chất dịch của nốt phỏng. Còn bệnh tay chân miệng do các vi rút đường ruột gây ra, lây truyền qua đường phân miệng hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, đường hô hấp, từ các nốt phỏng, nước bọt. Bệnh tay chân miệng còn lây do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà.
- Về các nốt ban: Nốt phỏng do bệnh tay chân miệng thường không ngứa không đau còn nốt ban ở bệnh thủy đậu gây ngứa, đau nhức khó chịu. Nốt ban ở bệnh thủy đậu mọc nhiều giai đoạn, có thể ban đỏ, nốt sần, phỏng nước trong, phỏng nước đục, nốt có vảy mọc xen kẽ nhau. Còn ban đỏ có mụn nước hình bầu dục và mọc ở những vị trí điển hình như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Đặc biệt nốt phỏng nước có thể mọc ở miệng, họng làm loét miệng, họng khiến trẻ tăng tiết nước bọt, biếng ăn, lười bú và quấy khóc.
Bệnh thủy đậu rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Hình minh họa: internet
4. Biến chứng có thể có khi trẻ em mắc bệnh thủy đậu
Biến chứng của bệnh thủy đậu trẻ có thể gặp là viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp, viêm màng não nước trong, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong...
Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng thì bệnh thường nặng hơn, các nốt phỏng dễ bị loét hoặc hoại tử. Trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như trị bệnh ung thư, khi mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm, khả năng tử vong cao .
Với trẻ sơ sinh mắc bệnh thủy đậu còn nguy hiểm hơn bởi lúc đó miễn dịch trong mẹ không còn truyền cho con được ngoài hỗ trợ từ sữa, trong khi đó con hoàn toàn chưa có miễn dịch mà tiếp xúc ngay với vi rút thủy đậu sẽ bị tấn công rất nặng.
>>> Cảnh giác: Ngoài ngứa và sẹo, biến chứng bệnh thủy đậu gây vô sinh, bội nhiễm?
5. Cách điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em
Cho trẻ nghỉ học khi bị bệnh, hạn chế cho người chưa mắc bệnh tiếp xúc với trẻ đã mắc bệnh.
Cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch sẽ hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
– Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu (như cháo), uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
– Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
Nếu trẻ được điều trị đúng cách thì sau khoảng 15 ngày các nốt phỏng sẽ xẹp và bong vảy.
>>> Cách chữa trị bệnh thủy đậu không để lại sẹo
6. Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần uống thuốc gì?
Hiện chưa có thuốc đặc trị bênh thủy đậu. Nhưng một trong những triệu chứng thường thấy là nốt phỏng. Khi nốt phỏng bị vỡ, cha mẹ chỉ nên bôi thuốc xanh metylen. Tuyệt đối không bôi thuốc mỡ kháng sinh và thuốc đỏ. Nên tham khảo bác sĩ về liều lượng sử dụng. Trẻ bị loét vài nốt mụn, có thể dùng nước oxy già rửa sạch vết loét và lấy bông thấm khô rồi bỏ bông vào túi nilon cho vào thùng rác để loại trừ nguồn lây bệnh.
Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt phỏng bị nhiễm trùng: có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh.
Nếu bệnh nhân cảm thấy: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
>>> Cách dùng thuốc khi bị thủy đậu
7. Bệnh thủy đậu ở trẻ em cần kiêng gì?
Kiêng tiếp xúc: Cần cách ly tại nhà trong suốt thời gian bệnh cho tới khi trẻ hoàn toàn khỏi bệnh. Vì bệnh lây lan rất nhanh nên dù bé chỉ còn là một vài nốt đậu cũng cần phải cách ly với các trẻ khác, kể cả hạn chế tiếp xúc với người lớn chưa mắc bệnh.
Kiêng mặc quần áo quá dày: Không cho trẻ mặc áo quá dày vì dễ cọ xát làm vỡ mụn. Toàn bộ quần áo phải được giặt hàng ngày bằng xà phòng và ủi trước khi mặc. Cắt móng tay, móng chân thường xuyên.
Kiêng gãi, làm vỡ nốt thủy đậu: Để trẻ không gãi nhiều làm vỡ nốt thủy đậu, cần cắt gọn móng tay của trẻ, luôn giữ cho da của các trẻ khô và sạch. Vì những nốt thủy đậu khi bị vỡ không chỉ để lại sẹo xấu mà còn dễ dàng làm lan nhanh mụn sang những vùng da khác. Quan niệm trẻ bị thủy đậu phải kiêng tắm để tránh nhiễm trùng là sai lầm. Trẻ có thể bị nhiễm trùng.
Không chỉ trẻ em, người lớn cũng có thể bị bệnh thủy đậu. Cách nhận biết và điều trị bệnh thủy đậu ở người lớn như thế nào? Hãy đón xem bài 5 của loạt bài này “Bệnh thủy đậu ở người lớn không thể xem thường”.