Chờ...

Cách điều trị và phòng ngừa khi bị nhiễm giun tóc

VOH – Bệnh giun tóc là bệnh nhiễm giun ở đường ruột phổ biến. Người bị nhiễm giun tóc có thể bị đau bụng, mệt mỏi và tiêu chảy... Giun tóc ở trẻ em có thể gây kém phát triển cơ thể và trí tuệ.

Bệnh giun tóc là một bệnh nhiễm giun ở đường ruột rất phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở xứ nhiệt đới như nước ta. Bệnh thường lây qua đường ăn uống, khi một người khỏe mạnh ăn phải thức ăn có ấu trùng hoặc trứng giun tóc, giun tóc sẽ ký sinh tại đường ruột của con người.

1. Bệnh giun tóc là bệnh gì?

Bệnh giun tóc (hay còn gọi là bệnh giun roi) là bệnh lây nhiễm do một loại giun có tên khoa học là Trichuris trichiura gây ra. Đây là một loài giun ký sinh ở người chuyên hút máu và gây ra bệnh thiếu máu.  Ngoài ra, chúng còn “chiếm đoạt” nhiều chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể như: vitamin B12, protein, axit folic, huyết thanh...

1.1 Chu trình phát triển của giun tóc

cach-dieu-tri-va-phong-ngua-khi-bi-nhiem-giun-toc-voh

Chu trình hình thành và phát triển của giun tóc (Nguồn: Internet)

Giun trưởng thành ký sinh ở ruột già người (thường ở manh tràng), dinh dưỡng chủ yếu là máu. Sau khi giao phối, giun cái đẻ trứng, trứng lúc này chỉ là một đám tế bào, trứng theo phân ra ngoài, gặp điều kiện khí hậu và đất ẩm, có bóng râm, trứng tiếp tục phát triển trứng có ấu trùng trong khoảng 3 tuần, đây là giai đoạn có khả năng lây nhiễm.

Khi con người nuốt phải trứng chứa ấu trùng trong thức ăn hay nước uống, vào đến dạ dày, dịch vị và men tiêu hóa sẽ làm tiêu vỏ trứng, phóng thích ấu trùng, ấu trùng di chuyển xuống ruột non. Sau đó di chuyển đến manh tràng và đại tràng phát triển thành giun trưởng thành bám vào niêm mạc ruột.

Từ lúc người nuốt phải trứng cho đến khi giun trưởng thành khoảng 30 – 90 ngày và giun tóc có thể sống trong cơ thể người 4 – 6 năm.

2. Triệu chứng lâm sàng khi nhiễm giun tóc

Bệnh giun tóc thường hay gặp ở nhiều người, tỷ lệ nhiễm giun tóc ở trẻ em cao hơn người lớn, tình trạng nhiễm nặng thường gặp ở trẻ nhỏ bởi do thói quen chơi nghịch đất bẩn.

Trong trường hợp người bệnh chỉ nhiễm một vài con giun tóc thì thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, những người bị nhiễm giun tóc nặng (trên 50 con) thì sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng sau đây:

  • Rối loạn tiêu hóa gây buồn nôn, nôn,...
  • Đau bụng.
  • Trướng bụng, đầy bụng.
  • Mót rặn, tiêu chảy (một số trường hợp tiêu chảy ra máu).
  • Sụt cân.
  • Người bị nhiễm giun tóc hay bị nổi mẩn ngứa, dị ứng.
  • Có biểu hiện của rối loạn sinh lý: nữ bị rối loạn kinh nguyệt, nam bị yếu sinh lý hoặc bất lực, trẻ em thiếu protein máu và chậm lớn.
  • Các triệu chứng khác: Người mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt, hay bị hoa mắt chóng mặt, ù tai, tóc khô dễ rụng, móng tay nhiều khía dễ gãy.

3. Nguyên nhân gây bệnh giun tóc

Bệnh giun tóc thường lây lan do con người ăn phải thực phẩm hay nước uống có chứa trứng giun tóc. Việc lây nhiễm xảy ra khi rau bị nhiễm giun tóc không được rửa sạch kỹ hay nấu không chín.

Trứng giun tóc thường nằm trong đất, ở những nơi con người thường hay đi đại tiện và ở những nơi phân chưa qua xử lý dùng làm phân bón. Các trứng này xuất phát từ phân của người nhiễm bệnh.

Trẻ nhỏ chơi đùa ở chỗ đất bị nhiễm trứng giun, chưa vệ sinh tay sạch sẽ đã cho vào miệng cũng dễ dàng bị lây nhiễm bệnh.

Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm giun tóc là:

  • Tiếp xúc với môi trường có trứng giun tóc.
  • Bệnh thường gặp ở những khu vực có khí hậu nóng ẩm.
  • Dân ở nông thôn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn dân ở thành thị.
  • Tập quán sinh hoạt lạc hậu, tình trạng vệ sinh cá nhân và môi trường sống chưa hợp vệ sinh.

4. Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun tóc

Mỗi ngày, giun tóc có thể sinh sản hàng nghìn trứng trong cơ thể người bệnh. Do đó, việc không phát hiện và điều trị kịp thời, cơ thể người bệnh có thể chứa rất nhiều trứng giun và lâm vào các tình trạng sau:

  • Tổn thương ngay tại vị trí giun tóc đang khu trú và gây ra một số vấn đề ở đường tiêu hóa như: đau bụng, đại tiện nhiều lần trong ngày, phân ít và có thể lẫn máu trong phân.
  • Sa trực tràng và nhiễm trùng thứ phát do sa và loét trực tràng gây ra.
  • Thiếu máu mạn tính gây mệt mỏi, chóng mặt nhức đầu, thậm chí suy tim
  • Trẻ em nhiễm giun tóc có thể gây kém phát triển cơ thể và trí tuệ nghiêm trọng.

cach-dieu-tri-va-phong-ngua-khi-bi-nhiem-giun-toc-1-voh

Giun tóc khu trú trong cơ thể lâu dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

5. Điều trị và phòng ngừa bệnh giun tóc bằng cách nào?

Bình thường, cơ thể sẽ không biểu hiện rõ các triệu chứng nhiễm giun tóc, trừ trường hợp bệnh nặng. Để chẩn đoán xác định nhiễm giun tóc người bệnh cần thực hiện xét nghiệm phân để tìm trứng giun tóc và phương pháp nội soi đại tràng. Một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm xét nghiệm máu. Khi phát hiện bệnh nhân có nhiễm giun tóc sẽ bác sĩ kê thuốc chống ký sinh trùng.

Đối với trường hợp bệnh nhân nhiễm giun nhẹ không có triệu chứng thì không cần phải điều trị chuyên môn. Trường hợp nhiễm giun nặng hơn bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng các loại thuốc như: mebendazole, albendazole, ivermectin hoặc chất thay thế.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cũng như áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Lưu ý: Do nhiễm giun tóc thường có tình trạng đi kèm giun đũa, giun móc nên khi điều trị các trường hợp này sẽ được điều trị bằng thuốc albendazole hoặc mebendazole.

6. Biện pháp phòng ngừa nhiễm giun tóc

Để phòng tránh lây nhiễm giun tóc, mỗi người cần phải có ý thức trong việc giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh. Cụ thể:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Nên ăn thức ăn đã nấu chín, rửa rau sạch dưới vòi nước.
  • Hướng dẫn và giáo dục trẻ em giữ vệ sinh thân thể, đặc biệt tạo thói quen cho trẻ không bỏ tay vào miệng hoặc cắn móng tay.
  • Cắt móng tay cho trẻ thường xuyên.
  • Ủ phân kỹ trước khi bón cho hoa màu, tránh sử dụng phân tươi.

Trên đây là một số chia sẻ về bệnh giun tóc, nguyên nhân gây bệnh cũng như cách điều trị và phòng ngừa, hi vọng với những kiến thức trên sẽ mang đến cho bạn nhiều thông tin có giá trị. Nên nhớ, khi có dấu hiệu nhiễm giun tóc hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và có hướng dẫn điều trị cụ thể.