Chóng mặt khi mang thai: Nguyên nhân và cách xử lý kịp thời

( VOH ) - Hầu hết các mẹ bầu đều gặp phải triệu chứng chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu. Tuy nhiên, đừng chủ quan vì triệu chứng chóng mặt có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.

Chóng mặt là hiện tượng thường gặp của phụ nữ trong thời gian mang thai, bà bầu thường bị chóng mặt khi mang thai 3 tháng đầu. Đây cũng là một trong những dấu hiệu mang thai sớm mà chị em có thể nhận biết.

Chóng mặt khi mang thai mặc dù không phải là dấu hiệu nguy hiểm nhưng lại có thể trở thành tiền đề dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng khác như chóng mặt dẫn đến hoa mắt, mệt mỏi, ngất xỉu, nguy cơ té ngã cũng sẽ cao hơn...

1. Nguyên nhân gây ra tình trạng chóng mặt khi mang thai ở mẹ bầu

Nguyên nhân chính khiến cho bà bầu bị chóng mặt khi mang thai là do sự gia tăng hormone trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vào giai đoạn này, hệ thống tim mạch của thai phụ có nhiều thay đổi đáng kể như:

  • Mạch máu mở rộng hơn để đưa máu và dưỡng chất cần thiết đến thai nhi.
  • Nhịp tim tăng lên.
  • Tốc độ bơm máu nhanh, lượng máu trong cơ thể mẹ gần như tăng gấp đôi để đáp ứng các nhu cầu của mẹ và bé.

Những điều này giúp làm tăng lượng máu cho thai nhi nhưng lại làm chậm sự hồi máu trong tĩnh mạch, khiến cho huyết áp sẽ thấp hơn bình thường, lưu lượng máu đến não giảm, từ đó gây ra hiện tượng chóng mặt khi mang thai.

cho-xem-thuong-trieu-chung-chong-mat-khi-mang-thai-voh

Tử cung lớn dần và tạo áp lực lên các mạch máu cũng khiến bà bầu bị đau bụng (Nguồn: Internet)

Mẹ bầu cũng có thể bị chóng mặt khi mang thai 3 tháng giữa, vì lúc này tử cung đang lớn dần và tạo áp lực lên các mạch máu trong cơ thể.

Ngoài ra, bà bầu bị chóng mặt hoa mắt cũng có thể do thiếu máu, thiếu vitamin B6. Tình trạng xuất hiện nhiều hơn ở những thai phụ có thân hình gầy gò, ‘mảnh mai’ quá mức.

Ở một số trường hợp không chỉ chóng mặt mệt mỏi khi mang thai mà còn kèm theo triệu chứng phù, huyết áp tăng cao thì thai phụ cần phải hết sức lưu ý vì rất có thể đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ tiền sản giật.

2. Bà bầu bị chóng mặt phải làm sao?

Để khắc phục tình trạng này, ngay từ trước khi mang thai, chị em phụ nữ nên cố gắng bồi dưỡng sức khỏe, đặc biệt là những người gầy yếu. Tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ trong suốt quá trình mang thai. 

Đặc biệt, cần lưu ý đến vấn đề cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể để tránh tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Nên có chế độ nghỉ ngơi đầy đủ, không nên làm những việc nặng nhọc. Đồng thời, nên đi bộ hoặc vận động nhẹ nhàng để máu được lưu thông tốt hơn.

3. Mẹo nhỏ giúp làm dịu chóng mặt khi mang thai

Việc thay đổi thay đổi tư thế quá nhanh như đứng dậy ngay lập tứ khi đang ngồi hoặc nằm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bà bầu bị hoa mắt chóng mặt khi mang thai.

cho-xem-thuong-trieu-chung-chong-mat-khi-mang-thai-1-voh

Phụ nữ mang thai nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát (Nguồn: Internet)

Do đó, nếu muốn cải thiện tình trạng này, mẹ bầu có thể áp dụng một vài mẹo nhỏ sau đây:

  • Khi đang nằm hoặc ngồi, nếu muốn đứng dậy thì nên thực hiện từ từ, nhẹ nhàng. Tránh thay đổi tư thế đột ngột.
  • Không nên đứng quá lâu. Nếu công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài thì thai phụ có thể vận động tại chỗ để giúp máu lưu thông tốt hơn.
  • Nên tập thói quen hít thở sâu, khi ở phòng cần mở các cửa sổ để thoáng khí.
  • Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi, chất liệu thoáng mát.
  • Tránh tắm nước quá nóng hoặc tắm trong vòi sen phun mạnh. Không nên tắm ngay khi vừa về đến nhà.
  • Khi bắt đầu bước sang giai đoạn thứ II trong thai kỳ, chị em nên tránh nằm ngửa.
  • Ăn uống đủ chất và đều đặn, tránh bỏ bữa. Bạn có thể chia nhỏ bữa thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Có thể kết hợp thêm các bữa ăn nhẹ để giữ lượng đường trong máu ổn định và cần hạn chế ăn các loại thực phẩm ngọt.

4. Những triệu chứng bà bầu cần đến bệnh viện ngay lập tức

Nếu bà bầu gặp phải triệu chứng chóng mặt kèm theo chảy máu âm đạo hoặc đau bụng dữ dội thì cần đến bệnh viện ngay lập tức vì có thể đây là dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung, nhau thai bám thấp hoặc nhau bong non.

Nếu bà bầu bị chóng mặt, mờ mắt, đau đầu hoặc đánh trống ngực liên hồi thì cũng cần đi gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn rõ hơn vì có thể là triệu chứng của bệnh thiếu máu nặng hoặc một số bệnh lý khác gây tác động tiêu cực đến thai nhi.