Chờ...

Khi mang thai bị rỉ ối có nguy hiểm không ?

( VOH ) - Rỉ ối khi mang thai, mẹ bầu thường cảm thấy lo lắng vì sợ ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Vậy trên thực tế khi mang thai bị rỉ ối có nguy hiểm?

Khi đến giai đoạn gần sinh thì các mẹ thường xảy ra hiện tượng rỉ ối hay vỡ ối. Khá nhiều bà mẹ không biết nên vui hay nên mừng.

Thực tế cũng có một số trường hợp mẹ xuất hiện rỉ ối sớm, trước ngày dự sinh khoảng 1 – 2 tháng hoặc hơn. Vậy hiện tượng này là như thế nào? Có nguy hiểm không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.

1. Hiện tượng rỉ ối là gì?

Túi ối là môi trường nước bao bọc và bảo vệ thai nhi tránh những tác động bên ngoài như va chạm nhẹ.

Rỉ ối là tình trạng nước ối chảy ra ngoài âm đạo với số lượng rất ít, kéo dài trong nhiều ngày. Nhiều mẹ bầu không để ý có thể nhầm lẫn rỉ ối với són tiểu.

Nguyên nhân hiện tượng rỉ ối là thai kỳ của mẹ có những bất thường, mẹ bầu bị viêm nhiễm phụ khoa dẫn tới viêm màng ối, hở eo tử cung, mang đa thai, bị đa ối, có ngôi thai bất thường hoặc khung xương chậu hẹp.

khi-mang-thai-bi-ri-oi-co-nguy-hiem-khong-voh-1

Rỉ ối có gây nguy hiểm không?

2. Cách nhận biết rỉ ối trong thai kỳ?

Trong những tháng cuối thai kỳ, tình trạng rỉ ối rất dễ bị nhầm lẫn với són tiểu. Do đó, khi thấy bất kỳ chất lỏng nào chảy ra từ âm đạo, mẹ cần quan sát và phân biệt bằng 3 dấu hiệu rỉ ối dưới đây:

2.1 Chất lỏng chảy chậm

Tốc độ chảy của nước ối khi bị rỉ ối bao giờ cũng chậm hơn so với nước tiểu. Tuy nhiên, mẹ cần phải thật tinh ý mới có thể nhận biết được dấu hiệu này.

2.2 Quan sát và ngửi mùi

Khi thấy vết nước trên quần chíp, mẹ hãy quan sát thật kĩ và đưa lên mũi ngửi. Nếu vết nước không màu, không mùi thì tức là mẹ bị rỉ ối, ngược lại nếu nó có mùi khai và màu vàng nhạt tới vàng sẫm thì đó chính là nước tiểu.

2.3 Thử bằng giấy quy tím

Để chắc chắn hơn, mẹ hãy dùng giấy quỳ tím để thử. Khi giấy quỳ tím chuyển sang màu xanh đen thì chính là nước ối, còn khi là nước tiểu, quỳ tím sẽ không bị đổi màu.

khi-mang-thai-bi-ri-oi-co-nguy-hiem-khong-voh-2

Dùng quỳ tím để kiểm tra chất lỏng chảy ra từ âm đạo để nhận biết hiện tượng rỉ ối.

3. Vậy rỉ ối có nguy hiểm ?

Nước ối là môi trường sống bao quanh thai nhi, không chỉ có tác dụng bảo vệ thai nhi, ngăn vi khuẩn xâm nhập mà còn giúp các cơ quan nội tạng của bé phát triển.

Khi ở trong túi ối, thai nhi sẽ nuốt nước ối để lấy oxy và dinh dưỡng, đồng thời bài tiết nước tiểu, dịch phổi tạo ra một sự cân bằng cho thai tăng trưởng.

Chính vì vậy, người ta cho rằng rỉ ối là một dấu hiệu chuyển dạ, khi mà thai nhi đã phát triển đủ tháng, đủ để chào đời mà không cần dưỡng chất từ nước ối.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những mẹ bầu mang thai trên 37 tuần. Nếu thấy rò rỉ nước ối, mẹ cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, thông báo với gia đình, thu dọn đồ và đến bệnh viện để đăng ký sinh. Vì rất có thể các cơn co thắt tử cung sẽ đến trong vòng 24h nữa.

Còn đối với những trường hợp mẹ bầu dưới 37 tuần, rỉ ối lại là một nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi.

Rò rỉ nước ối có thể dẫn đến tình trạng thiếu ối hoặc là cạn ối. Khi không còn lớp màng bảo vệ, thai nhi dễ bị va chạm vào tử cung mỗi lúc tử cung co bóp hoặc mẹ bầu vận động. Những va chạm này sẽ tác động tới hệ xương, cơ non nớt của thai gây ra sự khiếm khuyết trên cơ thể.

Một nguy cơ nữa là hiện tượng rò rỉ nước ối còn ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn dinh dưỡng và oxy nuôi thai nhi. Khi nước ối bị rỉ nhiều, thai nhi không được cung cấp đủ chất, oxy, dần dần có thể dẫn tới thai suy dinh dưỡng hoặc suy thai mạn tính, thậm chí thai chết lưu.

Ngoài ra, rỉ nước ối còn làm màng ối mỏng đi và có thể vỡ bất cứ lúc nào, kể cả khi thai nhi chưa đủ tháng, gây ra tình trạng sinh non ở mẹ bầu.

4. Cách nhận biết hiện tượng rỉ ối gây nguy hiểm?

Nếu mẹ chỉ bị rỉ ối thông thường thì nước ối sẽ không có màu gì. Còn khi nước ối rỉ ra có màu sắc khác thì mẹ không bị rỉ ối mà có khả năng gặp phải các biến chứng thai kỳ.

  • Nước ối rỉ ra có màu đỏ nâu: Đây là dấu hiệu thai đã chết lưu.
  • Nước ối màu xanh đục kèm theo mùi hôi: Mẹ có nguy cơ bị nhiễm trùng ối.
  • Nước ối có màu vàng sẫm: Mẹ bầu đang bị suy thai mạn tính (thai bị thiếu oxy).
  • Nước ối có màu xanh rêu: Mẹ bầu đã từng bị suy thai.
  • Nước ối có màu vàng xanh: Dấu hiệu cho thấy thai nhi kém phát triển hoặc mẹ bầu bị tán huyết khi mang thai (một dạng của bệnh thiếu máu do lượng hồng cầu thấp hơn mức binh thường).
  • Nước ối có màu hồng hay nâu: Dấu hiệu đầu tiên của việc chuyển dạ.

5. Cách xử lý khi bị rỉ ối trong thai kỳ?

khi-mang-thai-bi-ri-oi-co-nguy-hiem-khong-voh-3

Khi bị rỉ ối mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để thăm khám

Khi phát hiện bị rò rỉ ối, việc mẹ bầu cần làm là hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa sản phụ để thăm khám ngay. Vì ngay khi nước ối bị rò rỉ, màng ối cũng dần mỏng hơn và chúng có thể bị vỡ bất cứ lúc nào trong thai kỳ, rất nguy hiểm.

Thông thường, nếu thai nhi còn bé thì mẹ bầu buộc phải uống kháng sinh để chống các nguy cơ nhiễm trùng ối, đồng thời chuyển dịch và dùng thuốc chống co bóp tử cung để ổn định túi ối.

Trong trường hợp thai nhi đã đủ sức sống (lớn hơn 37 tuần) thì bác sĩ có thể sẽ quyết định giục sinh sớm để tránh rủi ro cho bé.

6. Những cách phòng tránh rỉ ối khi mang thai

Rỉ ối đem lại nhiều nguy cơ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Vì vậy, cách phòng tránh tốt nhất là mẹ bầu cần phải:

  • Thường xuyên theo dõi những thay đổi của cơ thể, ngăn ngừa tối đa các biến chứng có thể xảy.
  • Việc siêu âm, khám thai định kỳ là cần thiết.
  • Nếu đã bị rỉ ối, mẹ bầu cần phải giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh viêm nhiễm. Mẹ bầu không nên ngâm mình trong bồn tắm, thụt rửa âm đạo hay tự kiểm tra vùng kín bằng tay.
  • Mẹ bầu không nên dùng bằng vệ sinh vì chúng sẽ gây ra viêm nhiễm nặng hơn.
  • Khi đi vệ sinh mẹ bầu nên dùng khăn giấy chuyên dụng và lau từ trước ra sau.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về hiện tượng rỉ ối khi mang thai để từ đó có hướng giải quyết cũng như phòng ngừa hiệu quả.