Một báo cáo mới được công bố hôm 17/8 trên tạp chí PLOS Climate cho thấy, 10% người Mỹ giàu nhất chịu trách nhiệm cho gần một nửa ô nhiễm làm nóng hành tinh và kêu gọi các chính phủ xem xét lại các loại thuế đối với người thường, thay vào đó tập trung vào việc đánh thuế các khoản đầu tư gây ô nhiễm khí hậu.
“Sự nóng lên toàn cầu có thể là một điều to lớn, choáng ngợp, mơ hồ đang xảy ra trên thế giới và dường như không có cơ quan nào quản lý nó” - Jared Starr, một nhà khoa học bền vững tại Đại học Massachusetts Amherst và là tác giả báo cáo cho biết.
Ông nói với CNN rằng, báo cáo này giúp xây dựng một bức tranh rõ ràng hơn về trách nhiệm cá nhân bằng cách vượt ra ngoài những gì mọi người tiêu thụ.
Để làm điều này, các nhà nghiên cứu đã phân tích bộ dữ liệu khổng lồ kéo dài 30 năm để kết nối các giao dịch tài chính với ô nhiễm carbon. Họ nhận thấy, 10% người giàu nhất ở Hoa Kỳ, những hộ gia đình kiếm được hơn 178.000 USD, chịu trách nhiệm cho 40% ô nhiễm làm nóng hành tinh do con người gây ra.
Chỉ riêng thu nhập của 1% người giàu nhất - các hộ gia đình kiếm được hơn 550.000 USD - có liên quan đến 15 - 17% ô nhiễm này.
Báo cáo cũng xác định “siêu phát xạ” từ những người nằm trong số 0,1% người Mỹ giàu có nhất, tập trung trong các ngành như tài chính, bảo hiểm và khai thác mỏ, đồng thời tạo ra khoảng 3.000 tấn ô nhiễm carbon mỗi năm.
Starr cho biết: “15 ngày thu nhập của 0,1% hộ gia đình có thu nhập cao nhất tạo ra lượng ô nhiễm carbon tương đương với thu nhập cả đời của một hộ gia đình ở nhóm 10% dưới cùng”.
Tác động khí hậu không chỉ về quy mô thu nhập của người dân mà còn về các ngành tạo ra nó. Ví dụ, một hộ gia đình kiếm được 980.000 đô la từ một số ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch được coi là siêu phát thải, theo nghiên cứu.
Các tác giả của nghiên cứu kêu gọi các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ lại về cách họ đánh thuế để giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Starr cho biết, thuế carbon tập trung vào những gì mọi người mua – thực phẩm chúng ta ăn, xe hơi chúng ta lái, quần áo chúng ta mua là “trừng phạt một cách không cân xứng đối với người nghèo trong khi ít ảnh hưởng đến những người cực kỳ giàu có”. Họ cũng bỏ lỡ phần tài sản mà người giàu dành cho các khoản đầu tư hơn là mua sắm.
Thay vào đó, các chính phủ nên tập trung vào các loại thuế nhắm vào các cổ đông và các khoản đầu tư sử dụng nhiều carbon, báo cáo cho biết.
Mark Paul, một nhà kinh tế chính trị tại Đại học Rutgers, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết, đôi khi mọi người nói về cách giải quyết khủng hoảng khí hậu, họ lại đưa ra giải pháp kiểm soát dân số.
Nhưng những nghiên cứu như thế này “làm sáng tỏ trách nhiệm to lớn mà người giàu phải gánh chịu trong việc tạo ra và kéo dài cuộc khủng hoảng khí hậu” - ông nói với CNN.
Ông nói thêm, việc xác định các tác nhân chính đằng sau cuộc khủng hoảng khí hậu là rất quan trọng đối với các chính phủ để phát triển các chính sách cắt giảm ô nhiễm làm nóng hành tinh một cách công bằng.
Theo một báo cáo năm ngoái từ tổ chức phi lợi nhuận Oxfam, trên toàn cầu, ô nhiễm làm nóng hành tinh do các tỷ phú tạo ra cao gấp một triệu lần so với mức trung bình của một người không thuộc nhóm 10% giàu nhất thế giới.