Theo đó, nền kinh tế của 20 quốc gia thuộc Eurozone chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý 2, thấp hơn mức ước tính 0,3% được đưa ra hồi tháng Bảy.
Số liệu điều chỉnh cũng cho thấy nền kinh tế của toàn bộ EU, bao gồm 27 quốc gia, ghi nhận mức tăng trưởng 0,2% trong cùng kỳ, thấp hơn một chút so với ước tính trước đó là 0,3%.
Dự báo trước đó của các chuyên gia phân tích từ FactSet và Bloomberg cũng đã điều chỉnh xuống mức 0,2%.

Việc điều chỉnh số liệu có thể làm gia tăng lo ngại về tình hình kinh tế của Eurozone, đặc biệt là với nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức.
Theo số liệu chính thức, nền kinh tế Đức đã giảm 0,1% trong quý 2, điều này cho thấy sự suy yếu đáng kể của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Một cuộc khảo sát gần đây từ ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB) do S&P Global tổng hợp cho thấy hoạt động sản xuất trong Eurozone vẫn gặp khó khăn.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đứng ở mức 45,8 trong tháng 8/2024, cao hơn một chút so với mức ước tính sơ bộ 45,6 nhưng vẫn dưới mốc 50 - mức phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng đang làm chậm lại quá trình phục hồi trong ngành sản xuất.
Chuyên gia Cyrus de la Rubia của HCOB nhấn mạnh: “Tình hình hiện tại có thể gây khó khăn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đặc biệt là khi ECB đang đối mặt với lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi phải dựa vào sự giảm giá sản xuất để duy trì đà giảm lạm phát.”
Theo một cuộc thăm dò tháng 8 của hãng tin Reuters, hơn 80% các nhà kinh tế dự đoán ECB sẽ thực hiện hai lần cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12 năm nay.
Những số liệu và dự báo gần đây đang đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách của Eurozone, khi họ phải cân nhắc giữa việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát trong một môi trường kinh tế đầy bất ổn.