Hầu hết các công trình xây dựng trong các khu vực này cũng bị dừng thi công.
Ngày 3/11, New Delhi đứng đầu danh sách về các thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo thời gian thực do tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ phân tích. Số liệu mới này đã đưa AQI của New Delhi vào mức “nguy hiểm”.
Tại một số trạm giám sát trong thành phố, chỉ số AQI dao động quanh mức 480. Người dân đã thông báo các triệu chứng khó chịu ở mắt và ngứa họng, khi không khí chuyển sang màu xám đậm.
Chỉ số AQI từ 0-50 được coi là tốt trong khi chỉ số AQI từ 400-500 sẽ ảnh hưởng đến người khỏe mạnh và là mối nguy hiểm đối với những người đang mắc bệnh.
Trước đó, ngày 2/11, Ủy ban Quản lý chất lượng không khí của Delhi cho biết: “Điều kiện khí tượng không thuận lợi, các vụ đốt rơm rạ gia tăng đột ngột và gió Tây Bắc di chuyển các chất ô nhiễm đến Delhi là những nguyên nhân chính khiến chỉ số AQI tăng đột ngột”.
Một số nhà cung cấp bộ lọc máy lọc không khí cũng thông báo tình trạng thiếu hàng do nhu cầu đột ngột tăng vọt.
Năm ngoái, Bhiwadi ở miền Bắc Ấn Độ là thành phố ô nhiễm nhất trên cả nước và đứng thứ 3 thế giới (theo IQAir). New Delhi đứng thứ 4 trong khi Lahore của Pakistan và Hòa Điền (Hotan) của Trung Quốc đứng đầu danh sách.
Vào mùa Đông, khắp Delhi bao phủ làn sương mỏng khi các khối khí lạnh giữ lại bụi xây dựng, khí thải xe cộ và khói từ việc đốt rơm rạ ở các bang lân cận, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Cách đây ít ngày, hội đồng cricket của Ấn Độ thông báo cấm đốt pháo sáng tại các trận đấu Cricket World Cup ở Mumbai và New Delhi do mức độ ô nhiễm cao.
Ô nhiễm ở Delhi từng đạt mức nghiêm trọng trong một trận đấu Thử nghiệm vào tháng 12/2017 khi 9 trong số 11 cầu thủ Sri Lanka đeo khẩu trang sau giờ nghỉ giải lao và vận động viên ném bóng Ấn Độ Mohammed Shami nôn mửa trên sân.