Liên hợp quốc đang nỗ lực đánh giá thiệt hại và đáp ứng các nhu cầu cần trợ giúp ở các nước này.
Ông Springett nêu rõ bão Beryl tàn phá Saint Vincent, Grenadines & Grenada và Jamaica, ảnh hưởng đến các dịch vụ thiết yếu như điện thoại, thông tin liên lạc và cơ sở hạ tầng đường bộ.
Ước tính khoảng 95% số nhà cửa bị phá hủy, ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp địa phương và các hoạt động tạo thu nhập. Nhiều nhà máy khử muối, trạm điện thoại, cáp quang và đường sá bị hư hại.
Theo người đại diện của Liên hợp quốc, cơn bão đã gây tác động thảm khốc cho hoạt động du lịch vốn rất cần thiết trên các quần đảo ở khu vực Caribe.
Số liệu thống kê cho thấy ít nhất 40.000 người ở Saint Vincent & Grenadines, hơn 110.000 người ở Grenada và 920.000 người ở Jamaica bị thiệt hại do bão Beryl.
Liên hợp quốc đã quyết định giải ngân 4 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp cho các hoạt động nhân đạo ở 3 quốc gia nêu trên.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận thiệt hại nặng nề trên các đảo Carriacou và Petit Martinique, nơi có 70% và 97% nhà cửa bị hư hại.
Tại Saint Vincent & Grenadines, 90% nhà cửa trên đảo Union bị ảnh hưởng, trong khi trên đảo Canouan, hầu hết các tòa nhà đều bị hư hại, tốc mái. Tình trạng mất điện và nước diễn ra nghiêm trọng.
Beryl là cơn bão cấp cao nhất, xuất hiện sớm nhất ở vùng nhiệt đới Đại Tây Dương từ tháng trước. Mấy ngày gần đây, bão mạnh lên rất nhanh với tốc độ chưa từng thấy.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), một trong những lý do khiến bão Beryl mạnh lên thành bão cấp 5, cấp cao nhất trên thang bão Saffir-Simpson, và đến sớm hơn 2 tuần so với bất kỳ cơn bão Đại Tây Dương nào khác được ghi nhận từ trước tới nay là do hàm lượng nhiệt đại dương cực kỳ cao.
Theo cơ quan này, dự báo sẽ có từ 17-25 cơn bão có thể hình thành ở Đại Tây Dương trong năm nay, trong đó có 7 cơn bão lớn.