Những cơn gió mạnh và sóng vỗ dữ dội vào bờ biển Bangladesh và Ấn Độ khi bão Remal đổ bộ vào tối 26/5.
Đến chiều 27/5, trời đã bớt gió nhưng mưa vẫn ập đến trong khi người dân dọn dẹp đống đổ nát của các ngôi nhà.
Hiện, nhiều ngôi làng đã bị ngập lụt do nước dâng do bão, mái tôn bị tốc, cây cối bật gốc và đường dây điện bị đứt.
Showkat Ali, quan chức chính quyền quận Barisal, nơi có 7 người thiệt mạng cho biết: “Những người thiệt mạng hầu hết chết sau khi bị đè bẹp dưới những ngôi nhà đổ hoặc những bức tường đổ”.
Ba người khác chết ở các huyện lân cận, có cả trường hợp chết do đuối nước.
Gió bão đã giết chết hàng trăm nghìn người ở Bangladesh trong những thập kỷ gần đây, nhưng số lượng siêu bão đổ bộ vào bờ biển đông dân cư của nước này đã tăng mạnh, từ một cơn bão mỗi năm lên tới ba cơn, do tác động của biến đổi khí hậu.
Tại tỉnh Khulan, lốc xoáy đã làm hư hại hơn 123.000 ngôi nhà trong khu vực và trong số đó có khoảng 31.000 ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn.
Vào lúc cao điểm, tốc độ gió của bão Remal đạt 111 km/giờ, Muhammad Abul Kalam Mallik, nhà dự báo thời tiết cấp cao tại Cục Khí tượng Bangladesh cho biết.
Khoảng một triệu người ở Bangladesh và nước láng giềng Ấn Độ đã tìm nơi trú ẩn, chạy vào đất liền để tìm những nơi trú bão bằng bê tông để tránh những con sóng nguy hiểm.
Hầu hết các khu vực ven biển của Bangladesh chỉ cao hơn mực nước biển 1 hoặc 2 mét, khiến chúng dễ bị ảnh hưởng bởi nước dâng do bão lớn.
Kamrul Hasan, thư ký Bộ quản lý thiên tai Bangladesh cho biết, "kè ở một số nơi đã bị thủng hoặc nhấn chìm, làm ngập một số khu vực ven biển".
Tại Tây Bengal của Ấn Độ, "gió mạnh đã thổi bay mái của hàng trăm ngôi nhà" và "trật rễ hàng nghìn cây ngập mặn và cột điện", Bộ trưởng cấp cao của chính phủ bang Bankim Chandra Hazra nói với AFP.
Ít nhất 800.000 người Bangladesh bỏ trốn và hơn 150.000 người ở Ấn Độ di cư vào đất liền từ khu rừng ngập mặn Sundarbans rộng lớn, nơi các con sông Hằng, Brahmaputra và Meghna đổ ra biển.
Mallik, chuyên gia thời tiết người Bangladesh cho biết, rừng ngập mặn rộng lớn Sundarbans đóng vai trò như một lá chắn tự nhiên chống lại gió bão. Nhưng nước dâng do bão đã khiến nước mặn tràn vào các khu vực nước ngọt quan trọng.